Tôi từng trăn trở rằng tại sao những người bạn của tôi ở những quốc gia tạm gọi là thiên đường… lại tình nguyện sang Việt Nam và các nước khác, đến những vùng đất xa xôi khó khăn để giúp đỡ một dân tộc xa lạ. Vậy thì tại sao tôi là người Việt, lại không thể trở về?
Cho tới năm nay tôi đã sống đủ gần một đời người. Cuộc sống từng ấy năm, cũng qua nhiều khi trầm lúc bổng. Thời gian nan vô cùng là tôi đã từng 11 năm trực tiếp chiến đấu nơi chiến trường. Rồi cả những năm tháng hậu chiến rất khó khăn thời bao cấp. Năm 1988 tôi đến Đức, ở lại làm nhiều việc. Từ năm 2001 tôi quyết định bỏ hẳn buôn bán, lấy việc viết là mục đích và phương tiện để sống và chiến đấu.
|
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ (Ảnh: Vũ Toàn) |
Cũng như rất nhiều người Việt khác, tôi tự nhận thức, dường như số phận cá nhân mỗi con người Việt ta luôn gắn liền với thân phận đất nước, số phận của dân tộc. Trong khoảng 30 năm ở Đức, năm nào tôi cũng quay về Việt Nam, có năm tới hai ba lần.
Cách đây 5 năm tôi quyết định về hẳn Việt Nam để sống. Sự thật đời sống ở CHLB Đức về phương tiện vật chất hơn hẳn hoàn cảnh thực tại ở nước ta. Tôi có đủ tư cách để đưa cả gia đình sang bên Đức, nếu chỉ quan tâm tới những gì gọi là phương tiện vật chất.
Nhưng tôi vẫn quyết định trở về nước để sống. Bởi theo tôi, đời sống người ta không chỉ là vật chất mà bao gồm cả các hoạt động về tinh thần phong phú, giúp cho người ta nhiều nguồn vui hơn nỗi buồn. Đó chính là hai cặp giá trị phải luôn song trùng, mới tạo dựng sự cần và đủ cho một cuộc sống hạnh phúc ở từng cá thể.
Và, một điều quan trọng vô cùng nữa là, mỗi con người ta, nơi gắn bó nhất là nơi đã sinh ra ta -“Chôn nhau cắt rốn", nơi cả tuổi thơ ta trong đó. Với tôi, còn ý nghĩa hơn nữa là, đất nước Việt Nam chính là nơi có một thời rất dài, thế hệ chúng tôi từng sống chết vì nó, nhiều anh em bạn bè đã ngã xuống, lấy máu để bảo vệ và xây dựng. Vì vậy, thiên đường với tôi là quê hương, thiên đường là được trở về.
Mấy hôm nay, thời sự nói nhiều về làn sóng ngầm di cư của một nhóm người giàu, những doanh nhân thành công tại Việt Nam. Những người ra đi, họ hy vọng một bầu không khí sạch, thực phẩm sạch, y tế hiện đại, giáo dục tiên tiến ở thiên đường mới.
Thế nhưng, tôi nhiều suy nghĩ trăn trở khi nhìn sang những đất nước như Đức, Israel..., lúc gian nan nhất, trí thức vẫn ở lại đoàn kết đưa đất nước phát triển. Cho nên, những người giàu bỏ nước ra đi nếu chỉ để được thụ hưởng những thành tựu có sẵn của xứ người ta đã bao năm cần cù tạo sẵn, thì trong sự ra đi ấy có cần nhìn lại ý thức dân tộc của họ?
Khi không thoát li được đời sống thực tại, người ta cần xác lập được một thiên đường ngay ở cõi lòng từng con người, để mà chọn lựa cách sống. Ý niệm về thiên đường hay đất hứa được xác lập khi tự mỗi người tìm cách sống, ở một vùng sống có ý nghĩa nhất, không chỉ cho cá nhân mình mà còn cho một cộng đồng nào đó.