Sức lan tỏa của Võ cổ truyền Việt Nam tại Ucraina

Chia sẻ
Liên hoan võ thuật cổ truyền Việt nam lần thứ nhất tại Ucraina được tổ chức vào ngày 20-12-2012 qui tụ hầu hết các võ phái Việt Nam đang có mặt tại Ucraina đã hết sức thành công khi môn võ cổ truyền Việt Nam được đón nhận, tôn vinh và đánh dấu một bước phát triển mới trên con đường quảng bá, hội nhập của người Việt Nam và môn võ cổ truyền – Một nét đẹp của văn hóa Việt với bạn bè Ucraina cũng như quốc tế thông qua hệ thống truyền thông.

Xem hình


Liên hoan võ thuật cổ truyền Việt nam lần thứ nhất tại Ucraina được tổ chức vào ngày 20-12-2012 qui tụ hầu hết các võ phái Việt Nam đang có mặt tại Ucraina đã hết sức thành công khi môn võ cổ truyền Việt Nam được đón nhận, tôn vinh và đánh dấu một bước phát triển mới trên con đường quảng bá, hội nhập của người Việt Nam và môn võ cổ truyền – Một nét đẹp của văn hóa Việt với bạn bè Ucraina cũng như quốc tế thông qua hệ thống truyền thông.

Thành công này có được là do sự ủng hộ to lớn từ Đại sứ quán Việt Nam tại Ucraina,các tổ chức, đoàn thể, anh em bè bạn Ucraina và Việt Nam cùng những đóng góp đầy nhiệt huyết của người khởi xướng, trưởng ban tổ chức – Chủ tịch liên đoàn võ cổ truyền Việt Nam - Ucraina – Võ sư Lê Dương Anh Hào.

Sức lan tỏa của Võ cổ truyền Việt Nam tại Ucraina  - ảnh 2


Võ sư Lê Dương Anh Hào sinh ra trong một đại gia đình văn hóa, trí thức có tiếng của Hà Nội, lớn lên cùng niềm tự hào về một dòng họ bên ngoại hết sức vẻ vang của mình với ba người ông ( trong đó có ông ngoại) được Đảng và nhà nước ghi công về những cống hiến của mình cho Đất nước, lấy tên đặt cho các đường phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.  Ông ngoại của võ sư là Dương Tự Quán – Nhà giáo tiến bộ thời cận đại ( Đường Dương Tự Quán huyện Bình Chánh – TP Hồ Chí Minh ) cùng người anh thứ năm là Dương Quảng Hàm ( Đường Dương Quảng Hàm quận Cầu Giấy Hà Nội, quận Gò Vấp TP Hồ Chí Minh, thị xã Hưng Yên) – Được chính Bác Hồ giao nhiệm vụ hiệu trưởng đầu tiên của trường Bưởi ngày xưa và là trường Chu Văn An bây giờ khi bộ đội tiếp quản thủ đô. Cả hai ông đều là những danh sĩ có tiếng đương thời. Ông Dương Quảng Hàm còn có người con gái thứ tư Dương Thị Thoa là một trong hai cô gái được vinh dự kéo cờ cho ngày lễ độc lập của Việt Nam 2-9-1945.  Ông anh cả là Dương Bá Trạc ( Đường và trường THCS  Dương Bá Trạc quận 8 TP Hồ Chí Minh) – Nhà báo, nhà văn, nhà chí sĩ Việt Nam lỗi lạc. Một trong những người sáng lập Đông Kinh nghĩa thục, trường học cách mạng đầu tiên của thành phố Hà Nội.


Sức lan tỏa của Võ cổ truyền Việt Nam tại Ucraina  - ảnh 3


Được thừa hưởng truyền thống hiếu học của dòng họ, từ nhỏ võ sư Lê Dương Anh Hào đã nổi tiếng là một cậu bé thông minh, học giỏi nhưng cũng không kém phần hiếu động, nghịch ngợm. Do sống ở khu phố gần ngõ Hội Vũ là nơi tụ điểm biểu diễn và thi thố không chính thức của dân « Mãi võ bán cao » những trò đấu gậy , múa kiếm , mãi võ thách thức nhau cứ xảy ra hàng ngày như cơm bữa và những năm 60-65 của thế kỷ trước là nơi hay có các cuộc biểu diễn và thi đấu của các đơn vị, đoàn thể Hà Nội. Ngõ Cấm Chỉ cũng là nơi có rất nhiều « Hảo thủ» ra uống bia và so tài. Các phố quanh đó có nhiều người Hoa trú ngụ nên chuyện học võ và biết võ cứ ngấm dần từ lúc nào không hay qua những trận trêu chọc, thách đố lẫn nhau của những đứa trẻ cùng phố và phải có tí « Nghệ » đang là « Mốt thời đại » cũng để phòng thân khi ở lứa tuổi mới lớn, đang hăng.


Sức lan tỏa của Võ cổ truyền Việt Nam tại Ucraina  - ảnh 4
Chụp ảnh kỷ niệm tại liên hoan võ thuật cổ truyền lần thứ nhất tại Ucraina


Học giỏi và ước mơ trở thành nhà vật lý nhưng « Nghiệp» võ đã bắt đầu theo khi  Lê Dương Anh Hào được nhà trường cử làm đại diện để đi thi võ toàn thành phố nhân tổng kết khóa học quân sự cơ bản của học sinh các trường phổ thông – Bài 18 động tác võ quân sự năm 1972. Giải nhì và huy chương bạc đã được chàng trai Lê Dương Anh Hào mang về vinh danh cho nhà trường.


Với thành tích học tập xuất sắc. Sau một năm tập trung học dự bị tiếng tại Thanh Xuân Hà Nội, năm 1974 Lê Dương Anh Hào trở thành sinh viên đại học xây dựng thành phố Kiev – Ucraina.


Năm 1980 Tốt nghiệp đại học, thành lập gia đình với cô bạn gái người Ucraina rồi định cư tại Kiev và đó cũng là một bước ngoặt lớn với Lê Dương Anh Hào và gia đình ở Việt Nam.


Sức lan tỏa của Võ cổ truyền Việt Nam tại Ucraina  - ảnh 5
Ngài Gatvich - chủ tịch liên đoàn võ thuật tay không gắn huy chương cho võ sư Lê Dương Anh Hào tại LHVTCT


Suốt trong những năm là sinh viên, ngoài thành tích học tập tốt, với những năng khiếu nổi trội của mình về các mặt văn hóa, thể thao ( Chơi trong đội bóng mạnh và ban nhạc của trường KISI nổi tiếng toàn Liên Bang ) cộng với « chất võ» được thể hiện trong các hành động trượng nghĩa. Chàng sinh viên Lê Dương Anh Hào và nhưng người bạn của mình đang học ở các trường khác tại thủ đô Kiev như Bùi Hữu Thành, Lâm Dũng ...đã làm cho các thầy cô và các bạn sinh viên các nước đang theo học không chỉ ở thành phố Kiev mà còn cả những thành phố thuộc Liên Xô như Matxcơva, Vơrônhep, Minsk, Bacu... thay đổi một số định kiến về sinh viên Việt Nam lúc đó và có cách nhìn nhận tích cực hơn về sự lịch lãm và văn hóa truyền thống của người Việt mình.


Cuối năm 1980 một cơ duyên đã cho Lê Dương Anh Hào gặp được một người cũng đã lớn tuổi, ông không phải là người gốc Slavơ nhưng có tên rất Nga -  Misa mà sau này võ sư Lê Dương Anh Hào tôn làm sư phụ, người THẦY ĐỜI của mình dù không hề có thủ tục bái sư.  Trong suốt 3 năm trời gắn bó võ sư Lê Dương Anh Hào đã học được tất cả các hệ thống võ công, những đạo lộ đường quyền của TINH VÕ ĐẠO từ cái « Kho» võ mênh mông của người THẦY ĐỜI mình.


Năm 1982 khi đã đi làm tại viện thiết kế bộ xây dựng, võ sư Lê Dương Anh Hào có người học trò đầu tiên. Đó là cậu sinh viên học năm dưới cùng trường đã từng được biết về các «thành tích» của chàng sinh viên Lê Dương Anh Hào trong ký túc xá nên muốn được «Chỉ bảo» thêm để tự vệ.


Sức lan tỏa của Võ cổ truyền Việt Nam tại Ucraina  - ảnh 6
Chụp ảnh kỷ niệm với hội đồng giám khảo tại Việt Nam sau phần thi nâng cấp lên đai


Với sự chân thành và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, võ sư Lê Dương Anh Hào đã làm việc, luyện tập và dạy học liên tục không có ngày nghỉ. Ngày thường đi làm, thứ bẩy, chủ nhật đi dạy ở các câu lạc bộ võ thuật khác nhau. Biết bao lớp học đã dạy qua, bao nhiêu học trò, đệ tử đủ mọi tầng lớp từ trí thức, sinh viên, công nhân viên chức với đủ các ngành nghề đến xin học... Đến năm 1984 thì danh tiếng của võ sư Lê Dương Anh Hào tại Kiev đã được nhiều người biết đến.


Năm 1990 đánh dấu một sự kiện quan trọng trong cuộc đời của võ sư Lê Dương Anh Hào. Tết năm Canh Ngọ 1990 lần đầu tiên cả gia đình với hai cháu nhỏ được về Việt Nam ăn tết với ông bà nội. Đó cũng là niềm tự hào của võ sư Lê Dương Anh Hào trong thời điểm này vì đã làm được điều mà rất nhiều gia đình Việt Nam – Ucraina lúc đó ao ước..


Trong thời gian ở Hà Nội võ sư Lê Dương Anh Hào với sự tự tin vào bản thân đã quyết định tham gia sinh hoạt với hội võ thuật Hà Nội mới được thành lập do ông Hoàng Vĩnh Giang lãnh đạo. Vượt qua tất cả những thủ tục bắt buộc, trả bài đạt yêu cầu, ông đã được chấp nhận, Để tăng cường thêm bản lĩnh và tố chất Việt Nam cho phù hợp với cương chỉ, mục đích của hội võ thuật Hà Nội ông còn được tập huấn thêm với các lão võ sư nổi tiếng đương thời của Việt Nam ( 1990 )  như lão võ sư Trần Công phái Sơn Đông Không Động ( Người tập cho Bác Hồ bài Mai Hoa Quyền ). Lão võ sư Xuân Thi – Đệ tử chân truyền của một dòng thuộc phái Vịnh Xuân –Hà Nội, trưởng môn phái Vịnh Xuân Phật gia. Lão võ sư Chung Linh – Trưởng môn phái Côn Luân Việt Nam, huấn luyện viên trưởng khóa 87-89 của đội bảo vệ tổng thống nước cộng hòa Tbilisi thuộc Liên Xô cũ.


Sau 3 tháng tập huấn, được sự ủy quyền của hội võ thuật Hà Nội ( vào thời điểm này hội võ thuật Hà Nội là tổ chức hợp pháp duy nhất, đại diện cho khối võ thuật cả nước) võ sư Lê Dương Anh Hào quay trở lại Kiev và tháng 5-1990 thành lập câu lạc bộ võ thuật với danh tính hợp pháp, bắt đầu dạy và quảng bá TINH VÕ ĐẠO – Võ thuật cổ truyền Việt Nam một cách chính thức.


Sức lan tỏa của Võ cổ truyền Việt Nam tại Ucraina  - ảnh 7
Võ sư Lê Dương Anh Hào – Chủ tịch Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam -  Ucraina – Trưởng môn Tinh Võ Đạo. Võ sư liên đoàn võ cổ truyền Việt Nam.


Năm 1996 Võ sư Lê Dương Anh Hào được phong hàm võ sư của hội võ thuật Hà Nội. Năm 2004 được nhận bằng khen và kỷ niệm chương lần thứ nhất của hiệp hội võ thuật Việt Nam đánh giá công lao cho việc quảng bá võ thuật cổ truyền Việt Nam tại Ucraina. Cũng trong năm này ông đã dẫn hai võ sinh của mình về thăm đất tổ và cả hai võ sinh này cũng được hiệp hội võ thuật Việt Nam tạo điều kiện được tập huấn với các võ sư các môn phái khác nhau tại Hà Nội . Sau đó khi trở về nước, với chuyên môn võ thuật của mình họ trở thành các chuyên gia võ thuật đầu ngành phục vụ trong các liên đoàn võ thuật Ucraina huấn luyện các lực lượng võ trang đặc nhiệm của chính phủ.


Tuy được thành lập từ năm 1998 nhưng phải đến năm 2004 – Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam dưới sự lãnh đạo và quản lý của bộ văn hóa, tổng cục thể dục thể thao bắt đầu triển khai và hoạt động tích cực. Một trong những mục đích và tôn chỉ của liên đoàn là quảng bá đại chúng văn hoá Việt Nam trong đó có võ thuật cổ truyền Việt Nam ra nước ngoài với bạn bè quốc tế. Hưởng ứng tinh thần đó vì cũng là tâm huyết của mình, cuối năm 2011 ông đã dẫn 5 võ sinh thế hệ tiếp theo của mình về Việt Nam tập huấn, tham gia thi sát hạch lên đai, nâng cấp do liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam tổ chức hàng năm với hội đồng giám khảo quốc gia  bao gồm đại diện của các ngành chức năng có liên quan như bộ văn hóa, tổng cục thể dục thể thao, quân đội, công an v. v. Tất cả các võ sinh đều vượt qua kỳ sát hạch, được nhận những chiếc hồng đai 15 đẳng và bằng võ thuật cổ truyền Việt Nam tương ứng với cấp bậc huấn luyện viên Quốc tế của liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam.


Sức lan tỏa của Võ cổ truyền Việt Nam tại Ucraina  - ảnh 8
Toàn đội trước khi về VN

 Trong buổi liên hoan võ thuật cổ truyền Việt Nam lần đầu tiên tại Ucraina, trước sự có mặt của các vị quan chức, khách mời và đặc biệt là trước sự có mặt của bà đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ucraina và Mondova – Hồ Đắc Minh Nguyệt võ sư Lê Dương Anh Hào đã vô cùng xúc động và phấn khởi khi nghe những lời phát biểu tôn vinh môn võ cổ truyền Việt Nam của các vị đại diện của Ucraina và được chủ tịch liên đoàn võ thuật tay không trao tặng huy chương và những lời cảm ơn đầy trân trọng về những thành tích, sự hỗ trợ, đào tạo và phát triển nền võ thuật của Ucraina.


Với mong muốn thật giản dị là được cống hiến sức mình để làm những điều có ích cho cộng đồng nơi mình đang sinh sống và cho Quê Hương Việt Nam. Ông đã bộc bạch về mục đích của mình khi đưa các võ sinh về Việt Nam tập huấn là để sau này họ có thể trở thành các hạt giống của võ thuật cổ truyền Việt Nam tại Ucraina, cùng ông tiếp tục vai trò tôn vinh, quảng bá văn hóa Việt Nam nói chung và võ thuật cổ truyền Việt Nam nói riêng tại mảnh đất này.


Như tất cả mọi người , chúng tôi xin chân thành cảm ơn ông. Cầu chúc cho ông và toàn thể gia đình luôn mạnh khỏe để thực hiện được những mong muốn và hoài bão của mình.


Cuộc sống vẫn đang tiếp tục !

Kiev 28-3-2013
Mai Anh ( Trong bài có sử dụng tư liệu do võ sư Lê Dương Anh Hào cung cấp )
Theo doanhnghiepodessa.com

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu