Những vần thơ về Trường Sa của một kiều bào ở CHLB Đức

Lan Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Trong chuyến hải trình 10 ngày trên biển, anh Thế Sáng đã gặp và nói chuyện với nhiều chiến sĩ ở đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, nhà giàn DK1. Anh cũng đã tham gia sôi nổi vào các cuộc giao lưu văn nghệ hòa cùng anh em chiến sĩ bằng việc hát và đọc thơ về Trường Sa gửi gắm những tâm sự, tình cảm của mình tới biển đảo quê hương.

(VOV5) - Trong chuyến hải trình 10 ngày trên biển, anh Thế Sáng đã gặp và nói chuyện với nhiều chiến sĩ ở đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, nhà giàn DK1. Anh cũng đã tham gia sôi nổi vào các cuộc giao lưu văn nghệ hòa cùng anh em chiến sĩ bằng việc hát và đọc thơ về Trường Sa gửi gắm những tâm sự, tình cảm của mình tới biển đảo quê hương.


Lần đầu tiên ra Trường Sa, anh Đặng Thế Sáng cũng như bao kiều bào khác đều có cùng một tâm trạng hồi hộp, mừng vui. Những gì được chứng kiến trong suốt chuyến hải trình Trường Sa đã gợi cho anh nhiều cảm xúc và anh gửi lòng mình thông qua những bài thơ viết ngay trên đảo, trên tàu.

Những vần thơ về Trường Sa của một kiều bào ở CHLB Đức - ảnh 1
Anh Đặng Thế Sáng (mặc áo đỏ) tại cảng Cát Lái, chuẩn bị ra thăm đảo.



Nghe âm thanh bài viết tại đây:




Anh Đặng Thế Sáng, kiều bào ở CHLB Đức kể, ra Trường Sa là niềm ao ước, mong chờ không chỉ của anh, gia đình mà của đông đảo người Việt ở Đức. Biết tin anh có vinh dự được ra thăm Trường Sa, nhiều anh em bên Đức đã bịn rịn ôm chầm lấy anh và gửi lời hỏi thăm và quà tặng tới các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ canh giữ biển trời Tổ quốc. Xốn xang xúc động ngay từ bước chân đầu tiên xuống tàu từ quân cảng Cát Lái, nhìn biển trời bao la, niềm cảm xúc trào dâng, anh Đặng Thế Sáng đã viết ngay bài thơ “Gần lắm Trường Sa” trên boong tàu với những vần thơ mộc mạc, giản dị hòa lẫn trong tiếng sóng, gió biển khơi: “Còi tàu hú nhổ neo rời bến cảng/ Ta ra khơi ra với đảo quê mình/ Thăm người lính đang ngày đêm canh biển/ Và viếng người đã vì đảo hi sinh/ Tàu rời bến muôn bàn tay vẫy mãi/ Bao đóa hoa gửi đến từ quê nhà/ Tàu xé nước hướng Trường Sa lao tới/ Đảo nổi, đảo chìm đang chờ đón ta”.


Những vần thơ về Trường Sa của một kiều bào ở CHLB Đức - ảnh 2
Anh Thế Sáng ngồi bên cây phong ba ở đảo Sinh Tồn


Vẫn giữ được tác phong của người cán bộ đoàn từng làm bí thư suốt mấy chục năm liền tại Đức, trong thời gian đến thăm các đảo nổi và đảo chìm, anh Thế Sáng luôn tay máy, tay sổ, lúc thì ghi chép, lúc thì chụp ảnh lưu lại các khoảnh khắc đời thường của chiến sĩ và người dân đang sinh sống ở đây. Anh bảo, được ra Trường Sa nên anh tự nhận thức được trọng trách trước cộng đồng người Việt ở Đức là ghi lại các hình ảnh chân thực về Trường Sa để kể lại cho bà con cộng đồng hiểu về sự khó khăn vất vả cũng như sự cố gắng vươn lên giữ vững vùng biển đảo Tổ quốc của các chiến sĩ Trường Sa.


Những vần thơ về Trường Sa của một kiều bào ở CHLB Đức - ảnh 3
Anh Thế Sáng (áo đỏ) cùng đoàn kiều bào và lính đảo


Trong chuyến hải trình 10 ngày trên biển, anh Thế Sáng đã gặp và nói chuyện với nhiều chiến sĩ ở đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, nhà giàn DK1. Anh cũng đã tham gia sôi nổi vào các cuộc giao lưu văn nghệ hòa cùng anh em chiến sĩ bằng việc hát và đọc thơ về Trường Sa gửi gắm những tâm sự, tình cảm của mình tới biển đảo quê hương.

Những bài thơ cứ nối nhau ra đời, ào ạt như sóng biển như thế. Xúc động nhất với anh là buổi tối tham dự lễ tưởng niệm các chiến sĩ hi sinh trên quần đảo Trường Sa ở khu vực đảo Len Đao, Cô Lin, Gạc Ma. Cũng như các đoàn khác mỗi khi qua đây, con tàu HQ 571 chở đoàn đại biểu kiều bào đã buông neo, thả nến, thả hoa xuống biển khơi, tưởng niệm 64 chiến sĩ đã ngã xuống bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc: “Có thể nói tôi rất xúc động trong buổi lễ tưởng niệm hôm ấy. Tất cả chúng tôi, những người Việt xa xứ và đồng bào trong nước bằng tình thương, tình cảm và tấm lòng gửi đến những người chiến sĩ đã ngã xuống để bảo vệ đảo của ta và bảo vệ vùng biển này. Dưới đáy biển lạnh kia, các anh đã nằm xuống. Nhưng Tổ quốc không quên các anh”.

Trùng giọng xuống, anh Thế Sáng nghẹn ngào: đau lòng nhất là vẫn chưa thể đưa được phần mộ của các anh dưới đáy biển sâu về với quê nhà. Do đó, trong câu thơ anh viết bừng sáng lên một niềm tin, niềm hi vọng: “Các anh nằm dưới biển sâu/ Yên tâm anh nhé trước sau biển này/ Các thế hệ sẽ chung tay/ Quyết tâm đòi lại đảo này về ta”.

Kỷ vật anh mang về từ vùng đất tiền tiêu của Tổ quốc là một lá cờ đỏ sao vàng. Các chiến sĩ đảo Len Đao đã trân trọng tặng cho anh. Anh coi đó như một báu vật. Bởi đây là lá cờ Tổ quốc hiên ngang bay trên quần đảo Trường Sa, khẳng định chủ quyền và quyết tâm bảo vệ đảo của bộ đội ta. Truyền thống đó đã được hun đúc từ lớp lớp thế hệ cha anh đi trước cho đến thế hệ ngày nay tiếp giữ. Tiếng hô của thiếu úy Trần Văn Phương năm nào: "Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân" như vang vọng đâu đây.

Kỷ niệm về Trường Sa, nơi có những người lính trẻ can trường, bền gan vững chí, nơi xa cách nghìn trùng mà vẫn thấy gần gũi, thân thương sẽ còn neo lại nơi anh, một kiều bào Đức, một người lính bộ đội Cụ Hồ năm xưa. Vai khoác máy ảnh, tay cầm sổ, mái đầu nghiêng nghiêng, anh Thế Sáng lại cặm cụi viết tiếp những câu thơ giàu cảm xúc cho bài thơ “Trường Sa trong tôi”: “Tay bạn nắm mãi tay tôi. Nghẹn ngào chẳng muốn nói lời chia tay. HQ 571 những ngày. Nhịp tay cùng vỗ cùng yêu biển trời. Ôi người lính đảo yêu ơi. Có nghe câu hát những lời yêu nhau. Ghim vào nhau những đêm thâu. Mặn nồng sóng biển xanh màu quê hương. Kiều bào đầy ắp vấn vương. Về thăm biển đảo mến thương quê nhà. Cho gần lại nơi đảo xa. Cho vơi con sóng Trường Sa những ngày. Nhớ mớm nước lúc vơi đầy. Nhớ bàn tay vẫy neo dày lòng tôi. Lăn tăn con sóng thay lời. Chia tay nhớ lắm biển trời Trường Sa. Nhớ câu biển đảo là nhà. Trường Sa thắm mãi, mái nhà Việt Nam”.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu