Năm nay tròn 10 năm Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (2014 - 2024). 10 năm qua, các sĩ quan, quân nhân Việt Nam tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ), trong đó có các nữ quân nhân Quân đội Nhân dân Việt Nam, đã luôn nỗ lực để mang lại tương lai tươi sáng hơn cho người dân ở những đất nước đang có nội chiến như Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Nam Sudan, hay khu vực Abyei. Những nữ quân nhân Việt Nam giống như những bông hoa xương rồng kiên cường giữa cát bỏng Châu Phi.
Người dân bản địa dành nhiều tình cảm đặc biệt cho các nữ quân nhân Việt Nam - Nguồn ảnh: NVCC |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Tại Cộng hòa Trung Phi, Trung tá Vũ Thị Liên, chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam, đang dạy tiếng Pháp cho quân đội nước sở tại. Chị Liên là sĩ quan đầu tiên của Việt Nam thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ Huấn luyện của Liên minh châu Âu ở CH Trung Phi (EUTM RCA), từ tháng 12/2022 đến nay, với nhiệm vụ đào tạo cho quân đội quốc gia. Chia sẻ về công việc của mình, Trung tá Vũ Thị Liên cho biết: "Đây là lần đầu tiên tôi làm việc trong một môi trường quốc tế. Tôi đã phải đối mặt với nhiều khó khăn. Thứ nhất, là thách thức về khí hậu. Ở đây chỉ có 2 mùa, trong khi Việt Nam là 4 mùa rõ rệt. Điều này đòi hỏi tôi phải thích nghi. Ngoài ra, tôi cũng lo lắng về các loại dịch bệnh. Hai là, làm việc trong môi trường đa quốc gia với nhiều nền văn hóa khác nhau yêu cầu tôi phải thích nghi và làm quen liên tục. Đôi khi, điều này cũng không dễ dàng. Tuy nhiên, chính ngôn ngữ, tiếng Anh và đặc biệt là tiếng Pháp đã trở thành cầu nối giúp chúng tôi gần gũi với nhau hơn. Ngoài ra, nhờ tiếng Pháp, tôi cũng có thể giao tiếp dễ dàng hơn với người dân địa phương".
Trung tá Vũ Thị Liên tại lớp dạy tiếng Pháp cho quân đội CH Trung Phi - Nguồn ảnh: NVCC |
Trước đó, cũng tại vùng đất Trung Phi, Đại úy Vũ Nhật Hương, nữ sĩ quan thứ 7 của Việt Nam làm nhiệm vụ truyền thông tại Phái bộ Ổn định Tích hợp Đa chiều của Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA) nhiệm kỳ 2021-2022, cũng đã trải qua thời tiết khắc nghiệt của vùng đất Châu Phi. Chị Hương nhớ lại: "Ở phòng truyền thông của Phái bộ, chúng tôi luôn phải nhận những nhiệm vụ đột xuất, chủ yếu là sẽ theo các đoàn công tác đặc biệt của Tư lệnh hoặc Phó tư lệnh phái bộ đi đến các phân khu hoặc những nơi đang có vấn đề để giải quyết. Nhiệm vụ của tôi là ghi hình và đăng tin lên tạp chí của phái bộ. Công việc của tôi phải đi ra ngoài nắng rất nhiều. Có những nơi nhiệt độ rất cao. Nếu sức khỏe không tốt thì khó có thể đảm nhận được. Ngoài ra, có những việc mà chúng tôi chưa từng được trải nghiệm ở Việt Nam như đi trực thăng không có dây bảo hiểm, không có cửa và quay hình cùng đoàn lực lượng không vận tuần tra trên không. Đó có lẽ là kỷ niệm trong công việc mà tôi không thể nào quên".
Đại úy Vũ Nhật Hương làm nhiệm vụ truyền thông tại phái bộ MINUSCA - Nguồn ảnh: NVCC |
Tháng 01/2018, Việt Nam bắt đầu cử nữ sĩ quan đầu tiên tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ. Tính đến nay, 114 nữ sĩ quan và quân nhân Việt Nam đã lên đường nhận nhiệm vụ theo hình thức cá nhân và đơn vị, trong vai trò là sĩ quan tham mưu, quan sát viên quân sự, sĩ quan truyền thông và các nữ quân nhân tại khu vực Bentiu Nam Sudan, khu vực Abyei và Cộng hòa Trung Phi.
Đối với các nữ quân nhân Việt Nam, việc được trở thành một người lính mũ nồi xanh là một vinh dự lớn lao. Đại úy Vũ Nhật Hương bày tỏ: "Được đội trên đầu chiếc mũ nồi xanh và mang trên mình bộ quân phục với hai chữ Việt Nam trên ngực áo, tôi vô cùng tự hào. Đó không chỉ là niềm vinh dự cho riêng cá nhân tôi mà còn là vinh dự cho cả gia đình và bạn bè của tôi".
Ngoài giờ làm nhiệm vụ, Đại úy Vũ Nhật Hương dạy học cho trẻ em tại địa phương - Nguồn ảnh: NVCC |
Giữa cát bỏng Châu Phi, ngoài giờ làm nhiệm vụ, các nữ quân nhân Việt Nam còn giúp người dân trồng trọt, hướng dẫn phụ nữ địa phương may vá, dạy học cho trẻ em, khám, chữa bệnh cho người dân quanh khu vực đóng quân…
Thượng tá Nguyễn Thị Liên, nguyên Sĩ quan Dân vận, Đội công binh số 1 tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc khu vực Abyei (UNISFA) cho biết: "Tôi xác định: mình đi làm gì? Mình đi gìn giữ hòa bình, có nghĩa là mang lại nụ cười cho người dân. Chính từ đó mà tôi đã tìm ra hướng đi cho mình. Tôi thường xuyên đi giúp dân trồng rau, trồng đậu, trồng ngô, và chúng tôi đã trồng được rất nhiều ngô, rau, đậu, cải thiện bữa ăn cho người dân. Mỗi mùa chúng tôi thu được hàng chục kilogram hạt".
Còn Đại úy Vũ Nhật Hương bày tỏ: "Chúng tôi cũng tổ chức hoạt động thiện nguyện tại Làng trẻ ở thủ đô Bangui, nơi đón nhận khoảng 25 đến 30 em bé dưới 7 tuổi bị bỏ lại sau các cuộc xung đột hay do những người nguyên nhân xã hội. Làng được bảo trợ, xong không nhiều. Chúng tôi đến đó để cung cấp đồ ăn, thức uống, những món đồ chơi chúng tôi đã chuẩn bị sẵn từ Việt Nam mang sang, hoặc đồ tái chế tận dụng từ bìa, lon, chai nước làm đồ chơi cho các em".
Giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, sẵn sàng đương đầu với những khó khăn, khắc nghiệt và những bất ổn tại khu vực làm nhiệm vụ, những nữ quân nhân Việt Nam đã mang theo trái tim nhân hậu, tinh thần quốc tế cao cả để thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình quốc tế. Các chị đã và đang thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, qua đó, giúp bạn bè quốc tế thấy rằng Việt Nam là một đất nước yêu chuộng hòa bình và con người Việt Nam luôn giàu lòng nhân ái.