Từ hơn 1 năm nay, các giáo viên giáo viên dạy tiếng Việt ở trường song ngữ Lào - Việt Nam Nguyễn Du đã sinh sống tại Trụ sở của một chi hội người Việt ở thủ đô Viêng chăn. Xa gia đình, không biết ngôn ngữ là những khó khăn đầu tiên mà những giáo viên mới sang công tác như anh Long và các đồng nghiệp phải vượt qua. Tự đi chợ, nấu cơm và tự học tiếng Lào. Đó là công việc hàng ngày ngoài thời gian lên lớp của anh Long và đồng nghiệp.Thầy giáo Nguyễn Phan Long-Chuyên gia giáo dục Việt Nam tại Lào chia sẻ: Sự hỗ trợ, đoàn kết và niềm vui khi các học sinh sử dụng thành thạo tiếng Việt đã giúp anh vượt qua những khó khăn trong cuộc sống trong những ngày đầu sang làm nhiệm vụ :" Mình là giáo viên thì niềm vui của mình là trong công việc. Khi mà dạy mà học sinh nói, đọc viết được tiếng Việt thì rất hạnh phúc:" Còn Thầy giáo Lê Công Lương -Chuyên gia giáo dục Việt Nam tại Lào thì cho rằng:" Khi mà chúng tôi tự học và học với nhau anh em bạn bè thì mình biết được tiếng mình lên lớp mình dạy, trên đường đi lại rồi hoặc là giao tiếp chợ búa hoặc là ngồi giao tiếp với giáo viên Lào thì mấy thấy rằng là cũng có một điều gì đó tự nghĩ rằng đó là quá trình nỗ lực của mỗi con người".
|
Các giáo viên dạy tiếng Việt tại lễ bế giảng một khóa học |
Đã có 6 năm tham gia giảng dạy tiếng Việt tại Lào, thầy giáo Đặng Văn Tư cho biết, hiện nhu cầu học tiếng Việt tại Lào đang ngày một tăng. Đặc biệt trong 3 năm trở lại đây, chính phủ Lào đã coi tiếng Việt là một ngoại ngữ chính như các tiếng nước ngoài khác thì các lớp học tiếng Việt dành cho cán bộ công tác tại bộ ngành của Lào đã liên tục được mở ra, thu hút được nhiều người theo học. Đó là động lực để những giáo viên Việt Nam như anh thêm gắn bó với công việc của mình trên nước bạn Lào. Bởi với họ, mỗi giờ lên lớp không chỉ là dạy các học viên biết tiếng Việt mà còn là giúp các bạn Lào hiểu hơn về văn hóa, lịch sử, đất nước, con người Việt Nam cũng như thúc đẩy sự hợp tác giữa các bộ, ngành hai nước:" Bản thân tôi cũng như các đồng chí trong đoàn công tác thì luôn luôn xác định rằng là cái công việc chuyên môn nó gắn liền với việc là làm thế nào để giao lưu, tìm hiểu và làm cho văn hóa của hai nước nó gần gũi nhau hơn. Thế thì đấy cũng là những cái mục tiêu chính trong cái việc thực hiện công việc của mình trên đất Lào".Tiến sỹ Ma li vông Xụ lu nhạ sẻng ( Malivone Souliyaseng)- Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 103 cho biết, để có thể làm việc tốt cùng với các đồng nghiệp Việt Nam, phía bệnh viện cũng rất chú trọng tới việc đào tạo tiếng Việt cho nhân viên trong đơn vị:"Chúng tôi có chuyên gia ở bệnh viện 108 sang giúp chúng tôi và làm việc với chúng tôi. Vì vậy chúng tôi phải học tiếng Việt để làm việc với nhau tốt hơn".
Từ năm 1997, Việt Nam và Lào đã triển khai dự án đưa chuyên gia Việt Nam sang dạy tiếng Việt tại Lào. Hiện có 35 chuyên gia Việt Nam đang tham gia dạy tiếng Việt tại các trường học và cho các Bộ, Ngành tại các địa phương trên khắp đất nước Lào.