Những người gieo chữ Việt nơi xa xứ

Hân My
Chia sẻ
(VOV5) - Mang tiếng nói của dân tộc tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đó là tâm huyết, là trách nhiệm của những thầy giáo, cô giáo người Việt đang sống xa Tổ quốc.

(VOV5) - Mang tiếng nói của dân tộc tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đó là tâm huyết, là trách nhiệm của những thầy giáo, cô giáo người Việt đang sống xa Tổ quốc. Bên cạnh họ có sự hỗ trợ không nhỏ của những người làm công tác giáo dục trong nước. Mục tiêu chung của những nhà giáo là truyền dạy, gìn giữ và phát triển ngôn ngữ dân tộc ở nước ngoài.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:


Với thầy giáo Trần Văn Hùng, ở Sakon Nakhon, quay trở lại làm nghề sau nhiều năm thực sự mang lại cho ông nhiều cảm xúc. Đó là lại được tìm hiểu về ngôn ngữ dân tộc để truyền dạy cho học sinh. Tiếp thu nhiều  kiến thức từ những bài tập huấn của các thầy giáo, cô giáo ở Việt Nam cũng như trực tiếp tham dự những giờ giảng ở một số trường học ở quê hương, thầy giáo Hùng càng thêm tự tin khi học được nhiều điều bổ ích để có thể về dạy cho con em người Việt ở Thái Lan. Ông chia sẻ cảm xúc về những người thầy ở lớp tập huấn như thế này: “Các thầy các cô tập huấn tận tình chuyên nghiệp, giúp chúng tôi học nhiều điều mới lạ. Đến trường Vinschool cũng thấy trường này có 1 cách dạy rất hiện đại, dùng màn hình để dạy cho các em. Các cô giáo cũng rất giỏi, dạy các em tập đọc, tập viết, tạo ra thi đua cho các em”.

Khá nhiều khó khăn đặt ra đối với các thầy giáo, cô giáo người Việt tại các nước khi tổ chức các lớp học tiếng Việt. Đó là về lứa tuổi các em không đồng đều, phương tiện giảng dạy thiếu và nhất là phải làm sao để các em hứng thú tìm hiểu về tiếng nói dân tộc. Nhiều thầy giáo, cô giáo đã tìm được cho mình một phương pháp phù hợp khi được tập huấn về giảng dạy. Đây là cách mà cô giáo Phan Mỹ Hạnh, ở Đài Loan áp dụng: “Những cuốn sách giáo trình chưa đầy đủ nên mình phải tự ra giáo trình riêng. Khó khăn về lứa tuổi không đồng loạt, bé quá không hiểu, lớn thì học dễ quá không được vui nên phải khắc phục. Học sinh thích văn hóa Việt Nam, tôi kể truyện cổ tích. Đầu tiên kể về văn hóa Việt Nam cho trẻ em thích rồi mới vào bài học”.

         

Những người gieo chữ Việt nơi xa xứ - ảnh 1
Thầy giáo Trần Văn Hùng, giáo viên ở Sakon Nakhon


Tham gia tập huấn tại Việt Nam đã giúp cho các thầy giáo, cô giáo tiếp thu được khá nhiều kiến thức bổ ích, nhất là phương pháp giảng dạy phù hợp. Quan trọng ở mỗi người thầy cần phải có chính là tấm lòng, sự nhiệt huyết đối với công tác giảng dạy. Cô giáo Phạm Thu Hà, ở Italia mong muốn sẽ nhận được hỗ trợ nhiều hơn từ cộng đồng người Việt và bản thân các gia đình người việt ở nước sở tại cho việc giảng dạy và giúp con em học tập. Cô giáo Hà cho biết: “Tôi rất mong được sự quan tâm của đại diện. Bản thân tôi cố gắng liên lạc động viên các mẹ ở các lứa tuổi, theo tuần, gặp mặt theo gia đình. Bố mẹ gặp nhau và các cháu học tiếng. Chúng ta phải lồng ghép vào hoạt động cộng đồng, hoạt động văn hóa, cho các cháu sinh hoạt, tiếp cận nghe các bố mẹ nói chuyện tiếng Việt để các cháu thẩm thấu được”.

Những cách làm mà các thầy giáo, cô giáo người Việt thực hiện để mang tiếng Việt ra nước ngoài chính là câu trả lời về sự hỗ trợ từ trong nước. Tập huấn chính là chìa khóa giúp các thầy giáo, cô giáo mở được cánh cửa thế giới kiến thức tiếng Việt truyền dạy cho học sinh. Đó cũng là mong muốn của thầy Nguyễn Thiện Nam, trưởng khoa Việt Nam học và tiếng Việt, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn khi nói về học trò của mình là các thầy giáo, cô giáo người Việt:  “Các anh chị thu được kiến thức cơ bản, lịch sử tiếng Việt, phương pháp giảng dạy. Hy vọng, các anh chị trở lại sẽ tự tin hơn. Những gì các anh chị thu được chị là rất nhỏ trong sự nghiệp tiếng Việt. Tiếng Việt phải học suốt đời tiếp tục sự nghiệp lan tỏa gìn giữ và văn hóa Việt ở nước ngoài gieo tiếng Việt trên khắp mọi miền Tổ quốc, ở nước ngoài”.

         

Những người gieo chữ Việt nơi xa xứ - ảnh 2
Các thầy giáo, cô giáo người Việt ở nước ngoài


Sự nghiệp đưa tiếng Việt ra nước ngoài là một chặng đường dài và không ít gian nan đòi hỏi sự nỗ lực của mỗi người tâm huyết với nghề giáo, của những thầy giáo, cô giáo người Việt đang sống xa Tổ quốc. Đó cũng là sự ghi nhận cộng đồng trách nhiệm của những người làm công tác giáo dục trong nước. Đúng như ông Đặng Trần Phong, Chánh văn phòng Uỷ ban Nhà nước về Người Việt nam ở nước ngoài đã nói: “Bộ ngoại giao, lãnh đạo luôn song hành cùng các thầy cô giáo để phổ biến tiếng Việt ở nước ngoài. Sự nghiệp gieo tiếng Việt trong cộng đồng không chỉ là trách  nhiệm của các thầy các cô dự tập huấn mà là trách nhiệm của chúng tôi, những người tham gia công tác cộng đồng, giáo dục trong nước. Mong rằng, tiếng Việt sẽ được tồn tại và phát triển trong cộng đồng”.

Mong muốn chung của những người đi gieo chữ Việt nơi xa xứ, là hy vọng kết nối trong nước và nước ngoài cũng như các thế hệ người Việt qua ngôn ngữ. Niềm hạnh phúc của những người đi gieo chữ Việt là khi tiếng nói của dân tộc được gìn giữ nơi xa xứ.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu