Sau quá trình học tập, làm việc trải nghiệm ở nhiều nước, mới hơn 30 tuổi chàng kỹ sư công nghệ thông tin quê gốc Hà Nội, Nguyễn Xuân Phong đã có bề dày thành tích đáng nể, trở thành 50 nhà khoa học hàng đầu của tập đoàn Hitachi, Nhật Bản. Mới đây, Xuân Phong được chính phủ Việt Nam chọn mời cùng nhiều trí thức kiều bào về nước để giúp thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo, cách mạng công nghiệp 4.0.
Nguyễn Xuân Phong chụp ảnh lưu niệm tại Đài Tiếng nói Việt Nam. |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Ấn tượng của tôi khi gặp Xuân Phong tại Hà Nội nhân dịp cậu về nước theo chương trình Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, là một thanh niên năng động và rất hóm hỉnh. Lần về đó, Phong khá bận rộn khi cùng 100 trí thức trẻ tham gia các hội thảo, diễn đàn.. giao lưu chia sẻ cảm hứng, kinh nghiêm, sáng kiến về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong xây dựng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam.
Phong tâm sự, đúng là khi sống xa quê mới thấy mỗi lần trở về hạnh phúc như thế nào. Thấy Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển, Phong càng muốn có thêm cơ hội, điều kiện để đóng góp cho đất nước:“Tôi luôn nhớ Hà nội và yêu mến quê hương Việt Nam. Bởi đó là nơi mình sinh ra, lớn lên và nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ của mình. Sau này, tôi sẽ về thường xuyên hơn và mang theo những đứa con của mình. Tình cảm với quê hương của tôi giản dị nhưng đầy sức mạnh. Lúc nào tôi cũng muốn tận dụng mọi cơ hội để có thể giúp được gì cho đất nước”.
Xuân Phong cùng trí thức kiều bào trong lĩnh vực khoa học hồi cuối tháng 8/2018 về nước tham gia" Kết nối Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018". - Ảnh nv cung cấp |
Phong kể, từ khi còn rất nhỏ bố em - một kỹ sư tin học đã khơi gợi cảm hứng đam mêvới công nghệ thông tin cho em. Mới 9 tuổi, Xuân Phong giành giải nhất cuộc thi phần mềm sáng tạo quốc gia. Từ đó, con đường học hành của cựu phó bí thư đoàn trường PTTH Amsterdam luôn gắn liền với rất nhiều giải thưởng về tin học. Học xong ngành CNTT của trường Coventry University (Anh) và 1 năm làm việc ở Singapore, Xuân Phong học tiếp thạc sĩ, cao học tại các trường danh tiếng thế giới như Canergie Melon và dành 2 năm học ở cả 2 campus của trường Adelaide University (Australia) và tại Pennsylvania ( Mỹ). Tuy vậy, sau này Phong lại chọn Nhật Bản là nơi định cư:
“Cuối năm học thứ 2, thầy giáo phụ trách hỏi tôi có muốn thực tập ở Nhật Bản không. Tôi đồng ý luôn vì nghĩ mình sẽ được trải nghiệm tại một quốc gia mới. Sau kỳ thực tập thành công, tôi được công ty Hitachi mời ở lại làm việc. Cũng đắn đo cân nhắc giữa làm việc Mỹ, Úc nhiều lắm, nhưng vì có ấn tượng tốt với con người và đất nước hàng đầu về công nghệ thông tin này mà tôi đồng ý và làm việc cho Hitachi kể từ đó." - Phong nói,
Xuân Phong và Yann LeCun, giám đốc AI của Facebook - Người đứng sau công nghệ nhận dạng hình ảnh nổi tiếng.- Ảnh nv cung cấp |
5 năm làm việc tại “bộ não” của Hitachi, Phong nghiên cứu và tạo các thuật toán về trí tuệ nhân tạo mới cho các ngành công nghiệp khác nhau của tập đoàn và ứng dụng những chiến thuật tối ưu đó vào các mảng như Giao thông thông minh, tự động hóa Nhà máy lọc nước, siêu thi thông minh, robot tự hành hay tự động hóa quản trị ATM…Xuân Phong từng đạt 7 bằng sáng chế, trở thành 50 nghiên cứu trẻ hàng đầu của Hitachi. Ngoài ra, Phong còn được công ty Tokyo Techies mời về làm Giám đốc bộ phận trí tuệ nhân tạo và Khoa học dữ liệu.
Nhận thấy khả năng về khoa học, công nghệ của giới trẻ Việt nên khi tìm kiếm đối tác làm việc, nghiên cứu, tham gia Hội thảo,...Phong luôn ưu tiên những trí thức, du học sinh Việt Nam với lời mời gọi rất trân trọng, tự nhiên và dí dỏm vốn như chính phong cách của cậu vậy. Trong công việc liên quan đến đối ngoại ở tập đoàn Hitachi, Xuân Phong luôn là cầu nối giữa công ty với đất nước Việt Nam, với mong muốn giới thiệu cho nước mình những công nghệ tiên tiến nhất từ Nhật Bản.
Hiện, Phong đang giúp các công ty công nghệ Nhật Bản và Việt Nam trong định hướng khởi nghiệp và đào tạo kỹ sư về trí tuệ nhân tạo: “Làm về mảng giáo dục, tôi thấy Việt Nam có một nền tảng tốt để tiến tới làm chủ công nghệ về trí tuệ nhân tạo.Trẻ em Việt Nam được học toán từ sớm với độ khó khá cao. Tôi nhớ là khi du học, kiến thức toán cấp 2, 3 rất hữu ích trong nghiên cứu công nghệ cao. Tuy nhiên, càng học cao, tỷ lệ học sinh yêu toán và làm tốt toán càng giảm. Điều đó khiến trong nước thiếu hụt một lực lượng nghiên cứu sâu và đam mê với thuật toán ứng dụng.”
Gia đình hạnh phúc của Nguyễn Xuân Phong. - Ảnh nv cung cấp |
Bên cạnh công việc, Phong và gia đình cũng thường xuyên tham gia nhiều hoạt động trong cộng đồng người Việt tại Nhật Bản như; câu lạc bộ chia sẻ kiến thức hướng nghiệp, chuyên môn, CLB tập Yoga, Nấu ăn, dạy tiếng Việt cho trẻ em và các chương trình giao lưu Việt- Nhật. “Tôi tin rằng, trong tương lai cộng đồng người Việt ở Tokyo sẽ vững mạnh, phát triển hơn nữa. Cho dù mình sống ở đâu nhưng nếu muốn hướng về tổ quốc thì có nhiều cách đóng góp. Mỗi người một viên gạch và hơn 100 nghìn người sống xa nhà làm như tôi sẽ xây được cả tòa tháp. Nhưng trước hết, hãy cứ làm tốt việc của mình đã.” Phong chia sẻ,
Một trong những câu nói mà Phong tâm đắc nhất trong cuộc sống là “Thất bại là những vết sẹo của chiến binh. Đó là điều đáng để tự hào vì nó không khiến bạn guc xuống”. Đúng vậy!, với thái độ sống lạc quan đó, tôi tin rằng, chàng trai người Hà Nội Nguyễn Xuân Phong sẽ tiếp tục có những bước đi vững chắc trên con đường đã chọn của mình.