Nguồn cội sợi dây gắn kết yêu thương

Lan Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Người Việt Nam đi ra nước ngoài sinh sống, làm ăn, lập nghiệp vẫn luôn hướng về cội nguồn với hai chữ Việt Nam thân thương. 

Có lẽ hai tiếng Việt Nam đã in sâu trong tâm trí của những người con xa quê. Khi ở một nơi xa lắc của xứ người, cứ nhìn thấy lá cờ Việt Nam, trang phục Việt Nam, món ăn Việt Nam là tâm trạng họ lại xốn xang xúc động. Họ nhớ và tự hào về đất nước có hàng nghìn năm văn hiến, có Nhà nước Văn Lang khởi dựng từ thời các Vua Hùng.

Nguồn cội sợi dây gắn kết yêu thương - ảnh 1 Kiều bào và các đại biểu của đoàn công tác số 10 năm 2018 thắp hương tri ân công đức Vua Hùng giữa biển trời Trường Sa

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Anh Dư Hồng Quảng, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Phú Thọ, cho biết, hàng năm vào ngày Giỗ tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng 3 âm lịch), kiều bào ở nhiều nơi trên thế giới tề tựu về Đền Hùng dâng hương, tri ân công đức các Vua Hùng: “Lễ hội đền Hùng là lễ hội tâm linh mang tầm vóc quốc gia, thờ cúng chung một tổ tiên của dân tộc. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được vinh danh là di sản văn hóa của nhân loại. "Con người có tổ có tông. Như cây có cội như sông có nguồn". Dù bất cứ phương trời nào, người Việt cũng hướng về quê cha đất tổ. Sở Ngoại vụ tỉnh Phú Thọ vinh dự góp một phần nhỏ bé làm cầu nối giữa cộng đồng ta ở nước ngoài trở về với nguồn cội”.

Nguồn cội sợi dây gắn kết yêu thương - ảnh 2 Anh Dư Hồng Quảng, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Phú Thọ, phát biểu tại buổi lễ Giỗ Tổ Hùng Vương trên tàu KN 491.

Năm 2012, khi UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là một Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì càng có ý nghĩa đặc biệt hơn đối với con dân người Việt. Không có điều kiện trở về nước để dự ngày Giỗ tổ, nhiều bà con người Việt ở nhiều nơi trên thế giới đã tổ chức dâng hương hướng về đất tổ nhân ngày Quốc lễ để bày tỏ lòng biết ơn các vị tiền nhân của dân tộc. Nhân ngày Giỗ tổ Hùng Vương năm nay, Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài và Ban vận động dự án "Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu" phối hợp với cộng đồng kiều bào tại Cộng hòa Séc, Hungary, CHLB Đức, Liên bang Nga tổ chức lễ Giỗ tổ Hùng Vương 2018 kết hợp với việc vận động triển khai dự án ''Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu''. Lần đầu tiên ''Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu'' được phát động đồng loạt tại một số nước châu Âu theo một mẫu kịch bản chung nhằm mục đích bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở nước ngoài, gắn kết sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

Nguồn cội sợi dây gắn kết yêu thương - ảnh 3 Đoàn công tác số 10 năm 2018 thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Trường Sa.

Đặc biệt hơn nữa, năm nay, trong chuyến thăm, động viên quân, dân trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, lần đầu tiên đoàn kiều bào được tham dự buổi lễ Giỗ tổ Hùng Vương ngay ở sân bay tàu Kiểm ngư 491 giữa biển trời Trường Sa. Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền, kiều bào Ba Lan, cho biết, những năm gần đây, cộng đồng người Việt tại Ba Lan thường xuyên tổ chức ngày Giỗ tổ Hùng Vương. Với chị, được dự lễ Giỗ tổ ở trong khung cảnh biển trời bao la của Tổ quốc thật là tuyệt vời: “Tôi vô cùng vinh dự được tham gia chuyến đi này, được làm lễ Giỗ tổ Hùng Vương trên tàu KN 491. Thực sự rất tự hào giữa nơi đảo xa hùng vĩ và thiêng liêng của Tổ quốc, đoàn tổ chức được một lễ Giỗ tổ Hùng Vương long trọng và trang nghiêm để mọi người tưởng nhớ về Vua Hùng, về đất nước ta với những gì tốt đẹp nhất, thiêng liêng nhất”.

Nguồn cội sợi dây gắn kết yêu thương - ảnh 4 Ảnh: Thùy Liên

Qua lễ Giỗ tổ Hùng Vương, qua những hoạt động thăm hỏi các cán bộ, chiến sĩ ở các đảo chìm, đảo nổi, nước mắt kiều bào và đại biểu trong đoàn công tác số 10 thăm Trường Sa và nhà giàn DK1 đã rơi khi nghĩ đến bao thế hệ đã ngã xuống để bảo vệ mảnh đất thiêng liêng này và lớp trẻ hôm nay đang ngày đêm bám trụ nơi tuyến đầu của Tổ quốc. Bà Trịnh Tuyết Mai, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Lạng Sơn, bày tỏ sự tin tưởng vào thế hệ trẻ đang tiếp bước trên quần đảo Trường Sa: “Lớp trẻ của đất nước ta hiện diện niềm tin và sức sống của đất nước. Tôi tin khi có những việc khó liên quan đến quốc gia đại sự, hoàn toàn có thể tin tưởng ở thế hệ trẻ. Chất anh hùng đã ngấm trong con người Việt Nam từ xưa đến nay. Chúng tôi càng cảm nhận được điều này khi ra đến Trường Sa”.

Tự hào về thế hệ trẻ đã được trao truyền tình yêu nước, những kiều bào cũng mang trong mình quyết tâm sẽ chung tay góp sức với tuổi trẻ Trường Sa để bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc như lời mong muốn của Đại sứ Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao: “Mong rằng bà con kiều bào dù sinh sống ở đâu cũng ghi nhớ công lao của các Vua Hùng, giữ gìn truyền thống uống nước nhớ nguồn, hướng về quê hương cùng góp sức xây dựng và bảo vệ đất nước. Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, cùng quyết tâm giữ gìn đất nước như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Hướng về cội nguồn dân tộc với sức mạnh của lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc, người Việt ở nước ngoài đang cùng nhau quyết tâm để tạo nên sức mạnh Việt Nam trong tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời đại mới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu