Người Việt ở Ba Lan_có một ngành hàng như thế

Võ Văn Long (Ba Lan)
Chia sẻ
(VOV5)- Người Việt ở Ba Lan sống chủ yếu bằng nghề buôn bán và những người buôn bán được chia ra thành những người đánh hàng và giao hàng, bán buôn, bán lẻ.

(VOV5)- Người Việt ở Ba Lan sống chủ yếu bằng nghề buôn bán và những người buôn bán được chia ra thành những người đánh hàng và giao hàng, bán buôn, bán lẻ.

Trong số hàng hóa người Việt buôn bán, có một số mặt hàng được sản xuất tại chỗ bởi các thợ may người Việt. Các hàng lâu nay thường thấy là các loại quần, váy, một số hàng thời trang và nhiều hơn cả là hàng rèm.

Trong nhà người Ba Lan nào cũng dùng rèm che các cửa sổ ...do vậy nhu cầu về mặt hàng này khá lớn.

Người Việt ở Ba Lan_có một ngành hàng như thế - ảnh 1

Một quầy bán rèm ở chợ bán lẻ.

Các quầy bán buôn rèm và nguyên liệu làm rèm  chủ yếu ở Warszawa. Trong khu trung tâm thương mại Wólka Kośówska , ở GD3 là có nhiều quầy bán hàng này nhất. Chủ quầy là người Việt và cả người Trung Quốc.

Theo chị Yến, quê Bắc Giang một người chuyên bán hàng này thì cách đây khoảng gần chục năm anh Sơn,  anh của chị từ bên Tiệp sang và thấy ở thị trường Ba Lan chưa có ai buôn bán đồ này, vì vậy anh đã sang Tiệp Khắc (cũ) lấy hàng về cho các chị em trong nhà bán.

"Lúc ban đầu, vì hàng khá rẻ so với các loại hàng tương tự ở các cửa hàng, chất lượng cũng đảm bảo nên hàng bán rất chạy. Hàng về đến đâu bán hết đến đấy. Nhiều khi mệt rã người vì không có thời gian nghỉ”, chị Huệ, một người bán rèm ở GD3, chị của chị Yến nói.

Thê rồi, nhận thấy buôn hàng rèm và các vật liệu đi kèm như chỉ, viền rèm bán được nên một số doanh nhân người Việt đặt hàng trực tiếp từ Trung Quốc về cung cấp cho người Việt bán.

Rồi những người Trung Quốc với lợi thế "sân nhà" cũng mang hàng sang Ba Lan, thuê quầy và bán các loại hàng này.

Cũng như các mặt hàng khác, mặt hàng nãy cũng đến lúc bão hòa. Lợi nhuận giảm dần và những người đánh hàng rèm, buôn rèm cũng giảm.

"Vào khoảng năm 2011, một số người Nga mang sang Ba Lan rèm thành phẩm giao cho các quầy hàng rèm Việt Nam bán với số lượng nhỏ. Mặt hàng này bán rất chạy, nhiều khi không có hàng bán. Mấy chị em trong nhà bàn nhau  sản xuất rèm tại chỗ". Chị Yến kể. Rồi họ mua máy khâu và  tự may theo các mẫu mã có sẵn. Để tăng sản lượng phục vụ nhu cầu của khách hàng họ mua thêm máy khâu rồi thuê thợ may rèm. Bắt đầu từ hình thức tập trung thợ may trong một ngôi nhà rồi sau này thợ tự mua máy và may ngay tại nhà của họ. Thấy công việc làm ăn phát đạt  nhiều người học tập theo cũng mua máy về may rèm đem bán. Nhiều người làm, hàng hóa nhiều nên lợi nhuận giảm dần.

Chị Năm, một thợ may rèm cho biết: ”Hàng này "ăn theo sản phẩm” nên nhiều hôm phải thức khuya để may cho được nhiều. Công việc may rèm khá đơn giản. Tuy vất vả nhưng không cần vốn mà chỉ cần chăm chỉ”

Kể về việc may rèm, chị Năm nói thêm: cách đây vài năm, may rèm thu nhập khá cao nên có người bỏ cả bán hàng để mua máy về may rèm. Hàng đơn giản, ít công đoạn thì trước đây chủ nhập 4zt/cái, mỗi ngày có thể may được khoảng 100 cái. Hàng nhiều công đoạn thì may lâu hơn, số lượng ít hơn nhưng mỗi cái chủ nhập tới 7zt/ cái. Hiện nay do cạnh tranh nên giá rèm giảm xuống, do vậy công thợ cũng giảm, Ví dụ, hàng đơn giản thì khoảng 2zt/cái còn hàng nhiều công đoạn thì cỡ 4zt/ cái.

Nhiều người bỏ nghề nhưng chị em nhà chị Yến vẫn kiên trì với mặt hàng này. Hiện nay, hàng ngày, ngoài công việc bán hàng cho khách (gồm rèm thành phẩm, các vật liệu làm rèm) chị Yến và các chị của chị còn giao hàng về cho thợ: "Mình phải tính toán sao cho vừa đủ: Ví dụ, cuộn vải may được mấy cái rèm loại A và khi may từng ấy rèm thì cần bao nhiêu chỉ, mấy mét viền, chỉ mầu gì. Chỉ thì thợ phải trả tiền mua còn vải may rèm, viền rèm thì mình cấp cho thợ”. Vừa nói chị vừa mở một quyển sổ ( mỗi thợ một quyển) ghi chép cẩn thận số lượng vải, viền, chỉ...và số lượng rèm thành phẩm do thợ mang nộp.. "Công thợ may tính theo sản phẩm. Em trả tiền thợ theo số rèm đã giao, đảm bảo chất lượng, đúng qui cách. Tuy nhiên thường chỉ ứng tiền cho thợ thôi vì phải làm sổ, tính toán sao cho đúng số lượng mình giao và đúng số lượng rèm may được”. Thỉnh thoảng chị còn phải chở hàng về nhà cho thợ may vì họ không tự đi lấy được.

Các quầy bán rèm chỉ  bày bán hàng rèm và các vật liệu may rèm như vải, chỉ, viền vì rèm cũng có nhiều loại, nhiều kích thước, màu sắc khác nhau.

"Phải xếp hàng gọn gàng, loại nào ra loại nấy để khách vào tự nhặt và mình còn biết thiếu loại gì còn đặt thợ làm bổ sung".  Hàng rèm buôn bán khá thất thường, "Có khi mấy ngày em không bán được gì. Lo nhất là khi không bán được hàng thì không có tiền trả cho các thợ may, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ”, chị Yến chia sẻ. Ngoài các khách mua hàng tại chỗ, chị còn một điểm giao hàng là chính quầy hàng của người Trung Quốc mà chị thường mua nguyên vật liệu. 

Hỏi về mẫu mã các loại rèm, chị Yến cho biết: Thường thì có một số mẫu có sẵn nhưng mình phải tự nghĩ ra kiểu cách, thêm bớt viền và các hoa văn, phối màu cho phong phú. Có những mẫu mình tạo ra bán rất chạy nhưng có những thứ lại bị đọng, phải bán hạ giá. Có thứ hàng tồn đọng, lỗi mốt mấy năm không bán được.

Việc buôn ban rèm một mặt tăng thêm thu nhập cho những người buôn bán rèm đồng thời cũng tạo công ăn việc làm cho nhiều người khác, nhất là những người mới sang, không có vốn làm ăn.

Có thể nói, anh chị em nhà chị Yến là những người đã khai sinh ra một làng nghề của người Việt tại Ba Lan: Nghề may rèm.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu