Người Việt các nước đón chào năm mới

P.H
Chia sẻ
(VOV5) - Nhân dịp năm mới 2023 này, mời các bạn cùng đến với không khí đón năm mới của gia đình người Việt ở một số nước trên thế giới.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Năm mới dương lịch, thường được người Việt gọi vui là Tết Tây, đối với nhiều gia đình Việt ở nước ngoài, là cơ hội đoàn viên, sum họp khi kỳ nghỉ từ Giáng sinh, đến qua ngày đầu năm. 

Vợ chồng chị Thi Nga đang cùng cô con gái gói bánh chưng nhân dịp tết Tây, ở trong căn hộ ấm cúng của gia đình tại thành phố Chemnitz CHLB Đức. Không khí xuân đã về, gieo niềm vui theo tiếng cười của hai cô con gái và cậu con trai đi học xa nhà, vừa được nghỉ dịp Giáng sinh và Năm mới.

Năm nay khá đặc biệt với anh chị, vì cả gia đình cũng vừa có chuyến trở về thăm Việt Nam sau mấy năm gián đoạn vì dịch covid 19, và hai anh chị đều khấp khởi mừng khi cả ba đứa con đều “nằng nặc” đòi được về thăm quê, thăm họ hàng.

Người Việt các nước đón chào năm mới - ảnh 1Hai cha con anh Phúc gói bánh chưng (bánh tét). Năm mới Tết tây là dịp để cả gia đình đoàn tụ khi các con đi học xa nhà trở về - Ảnh: Thi Nga.

Tết Tây ở trời Âu mà gói bánh chưng, bởi vì, như chị Thi Nga nói: "Năm nào cũng thế, cứ vào dịp lễ, nghỉ dài ngày từ dịp Giáng sinh cho đến hết năm là trẻ con về quây quần. Bọn trẻ bây giờ học xa, về ăn Tết vui vẻ cùng gia đình. Đối với chúng tôi con cái về quây quần lúc nào thì bấy giờ là Tết. Chúng tôi thì Tết dương lịch. cũng gói bánh chưng. Vì dịp con cái nghỉ được lâu. Và với tôi gói bánh chưng nếu có con tham gia gói cùng, thì đấy là niềm hạnh phúc, là niềm vui, chứ không phải là "phải làm". Tôi không coi đấy là việc bận bịu, vất vả, mà coi đấy là niềm hạnh phúc khi các con thích ăn món Việt Nam, thích ăn những món truyền thống. Nhà bạn tôi cái các cháu còn rủ bạn Tây về cùng gói, nhìn hình ảnh rất là đáng yêu."

Tại thủ đô Canbera của Australia, không khí năm mới vui vẻ tràn ngập, dù rất khác biệt với Châu Âu và phần còn lại của thế giới. Những cây thông trang trí đèn màu rực rỡ. Các gia đình có trẻ nhỏ thường trang trí rất cầu kỳ như trong truyện cổ tích.

Người Việt các nước đón chào năm mới - ảnh 2Buổi chiều tối 31/12, người dân Canberra chờ đợi bên cầu đợi lễ bắn pháo hoa chào năm mới 2023 - Ảnh: Lê Anh

Chị Phạm Thị Lê Anh, hiện đang làm việc tại một cơ quan chính phủ ở thủ đô Canberra của Australia chia sẻ, trước đây nhà chị cũng trang trí Giáng sinh, năm mới hết sức cầu kỳ, nhưng giờ 4 đứa nhỏ đã lớn dần nên việc trang trí cũng giảm thiểu đi: "Tháng 12 tại Australia là mùa hè, thời tiết rất nóng, nhiệt độ hiện tại đang là 31 độ C. Nên áo phông, quần đùi, váy ngắn là trang phục thường thấy tại các khu vui chơi trong dịp Giáng sinh tại Australia. Hải sản lại là món ăn truyền thống của mùa Giáng sinh tại Australia. Vì không có Giáng sinh lạnh nên người Autralia tổ chức thêm một Giáng sinh vào mùa đông, gọi là Giáng sinh tháng 7 để mọi người được thưởng thức tuyết rơi như các nước châu Âu. Trong dịp Giáng sinh cây thông Noel dành cho người có hoàn cảnh khó khăn thường được dựng lên tại các trung tâm mua bán, các khu siêu thị, để các gia đình có tấm lòng từ thiện, đóng góp quà Giáng sinh và năm mới cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn hơn. Gia đình tôi cũng thường tổ chức mỗi cháu dành ra mua quà Giáng sinh cuối năm để ở những cây thông Noel như vậy.

Người Việt các nước đón chào năm mới - ảnh 3Chị Phạm Lê Anh và cha mẹ trong dịp Năm mới "tết Tây"

Tết của người  Australia - mình hay gọi Tết tây, mọi người thường hay đi du lịch, đi thăm gia đình, người thân, nghỉ ngơi tĩnh dưỡng sau một năm làm việc. Ở Australia Tết tây thường được nghỉ 5-6 ngày, năm nay làm việc trở lại từ 4/1. Tuy nhiên, rất nhiều người thường tranh thủ dịp Giáng sinh và Tết tây để nghỉ dài hạn. Tháng 1 cũng là dịp nghỉ hè của các cháu học sinh, nên các gia đình thường nghỉ dài." - Chị Lê Anh chia sẻ.

Tại thủ đô Buđapest, Hungary, nhà chị Phan Bích Thiện rộn ràng niềm vui và tiếng cười. Năm mới là dịp hai cô con gái đi du học về nhà, gặp lại bà nội, và cùng trổ tài bếp núc với các món ăn của cả Hungary và Việt Nam. Chồng Hung vợ Việt - hai anh chị đều tham gia tích cực các hoạt động cộng đồng của cả Hungary và Việt Nam, trong các vai trò quan trọng được đảm trách đã nỗ lực kết nối văn hóa, giáo dục, kinh tế giữa nhiều đơn vị giữa hai nước. Nỗ lực của cha mẹ cũng trở thành động lực cho hai cô con gái tài năng, giỏi tiếng Việt, từng tổ chức các hoạt động giới thiệu Tết Việt cho bạn bè ở trường Đại học, giới thiệu quê ngoại Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Người Việt các nước đón chào năm mới - ảnh 4Bức ảnh gia đình chị Phan Bích Thiện chụp cùng bà nội, khi các cháu đi du học trở về nhà sum họp.

Cùng các con chuẩn bị cho bữa tiệc năm mới, chị Phan Bích Thiện cho biết: Đối với người Việt ở nước ngoài việc giữ gìn truyền thống văn hóa Việt, cũng như hội nhập tốt với nước sở tại là một vấn đề không đơn giản, nhưng đối với những gia đình đa văn hóa đòi hỏi sự cố gắng còn hơn rất nhiều. Để gây dựng được truyền thống Việt cũng như hội nhập tốt với xã hội nước sở tại, trong gia đình đa phần hóa, bản thân người Việt phải chủ động, tạo được lòng yêu mến văn hóa Việt Nam với người bạn đời, nhưng đồng thời cũng cần hiểu và tôn trọng những giá trị văn hóa của nước sở tại.

“Kinh nghiệm của bản thân trong gia đình tôi, những phong tục tập quán của Hungary như dịp lễ Giáng sinh, lễ Phục sinh, Tết tây cũng như những phong tục tập quán Việt Nam - dịp Tết Nguyên đán, Trung Thu đều được tổ chức. Tôi học hỏi biết về truyền thống của Hunggari và ngược lại chồng tôi cũng rất yêu mến và quý trọng những tập quán Việt Nam. Các con được nuôi dạy lớn lên trong cả hai nền văn hóa sẽ hiểu và quý trọng cả hai nền văn hóa. Việc này cần chú ý từ khi các con còn nhỏ để nuôi dưỡng lòng yêu mến văn hóa Việt Nam cũng như yêu mến văn hóa của nước sở được hình thành dần dần mà không hề bị ép buộc. Tôi nghĩ để có thể giữ được sự cân bằng trong việc giữ gìn những truyền thống của văn hóa Việt cũng như hội nhập với nước sở tại, trong gia đình đa văn hóa các giá trị của nền văn hóa đều được tôn trọng ngang nhau. Và chỉ khi đó tất cả các thành viên trong gia đình và những thế hệ sau này mới hiểu được và yêu mến cả hai nền văn hóa.” - Chị Phan Bích Thiện chia sẻ.             

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu