Nét đẹp Nam Dương

Phi Hà
Chia sẻ
(VOV5)- CLB duy trì quân số khoảng hơn 20 chị em phụ nữ lao động, đi biểu diễn văn nghệ nhiều nơi, đa số các kỳ cuộc quan trọng liên quan đến người lao động do chính quyền Đài Loan tổ chức họ đều tham gia. 

(VOV5)- CLB duy trì quân số khoảng hơn 20 chị em phụ nữ lao động, đi biểu diễn văn nghệ nhiều nơi, đa số các kỳ cuộc quan trọng liên quan đến người lao động do chính quyền Đài Loan tổ chức họ đều tham gia. 

Nét đẹp Nam Dương - ảnh 1
Một buổi biểu diễn của chị em phụ nữ lao động Việt ở CLB Nam Dương - Đài Loan - Ảnh: nhân vật cung cấp

Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Trong số hàng chục ngàn lao động Việt ở Đài Loan, có một lực lượng không nhỏ các lao động nữ giúp việc nhà. Chính quyền Đài Loan hiện nay đang làm rất tốt công tác giúp hòa nhập cho dân nhập cư mới, vì thế, các chị cùng với các cô dâu Việt được hòa nhập với cộng đồng, học nói học viết tiếng Trung, học văn hóa miễn phí, tham gia văn nghệ, tổ chức hội đoàn.  Do niềm đam mê, nhiều lao động, cô dâu Việt đứng ra tổ chức các nhóm văn nghệ, hội đoàn như Bốn Phương, Sen Hồng, Tình ca Tây Bắc…vv. Trong số đó, câu lạc bộ Nam Dương không phải đội ra đời đầu tiên, nhưng là đội đầu tiên được sự đồng ý về phía chính quyền các cấp của hai bên Việt Nam, Đài Loan đồng ý và Trung tâm văn hóa của Đài Bắc đứng ra tổ chức thành lập vào năm 2012. Chị Nguyễn Thị Hoa, Hội trưởng của nhóm câu lạc bộ cho biết: "Để thành lập CLB Nam Dương lúc đầu rất khó khăn, để động viên anh chị em tham gia vào hình thành một đội. "

Nét đẹp Nam Dương - ảnh 2
Một số chị em chụp ảnh lưu niệm trước buổi biểu diễn (Theo thứ tự từ trái qua:Trương Thị Ngọc Liên, Nguyễn Thị Hường, Phan Thị Hiền, Nguyễn Thị Ngọ, Nguyễn Thị Hoa, Trương Thị Bích.) Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chị Trương Thị Bích, một thành viên tích cực của CLB kể lại, việc tham gia CLB của chị giống như nhiều chị em khác, bắt đầu tư việc đến học tiếng, học văn hóa Đài Loan ở Trung tâm văn hóa Đài Bắc do Bộ lao động Đài Loan tổ chức miễn phí. Ngày còn nhỏ ở nhà, Bích cũng đam mê tham gia văn nghệ cùng chúng bạn, nhưng lớn lên, như nhiều phụ nữ nông thôn khác, chị lập gia đình, cuộc sống khó khăn cuốn đi, chưa bao giờ chị nghĩ mình quay lại với những niềm vui ngày nhỏ, cho đến khi gặp gỡ bạn bè ở CLB Nam Dương khi chị sang Đài Loan làm lao động giúp việc nhà: "Trước trung tâm chỉ dạy chữ, nhưng sau do chị em Việt Nam tham gia quá đông, nên chị em có đề nghị thành lập ra một nhóm để hoạt động về văn hóa nghệ thuật, để chị em có thể phát huy truyền thống của Việt Nam, quảng bá cho các anh chị em năm châu đang làm việc tại Đài Loan. Tại vì trong trung tâm văn hóa còn nhiều anh chị em của các nước khác như Thái Lan, Indo, Philippine vv…nên chúng tôi muốn mang nền văn hóa của Việt Nam đến với các nước, và nhất là với người bản xứ Đài Loan."

Nét đẹp Nam Dương - ảnh 3

Từ những thành viên ban đầu, đến nay, CLB duy trì quân số khoảng hơn 20 chị em phụ nữ lao động, đi biểu diễn văn nghệ nhiều nơi, đa số các kỳ cuộc quan trọng liên quan đến người lao động do chính quyền tổ chức họ đều tham gia. Tay cầm cuốc, tay đóng gạch, tay cầm cày, những ngón tay đầy vết chai vì lao động từ tấm bé, nay những bàn tay ấy đủ tự tin xòe múa. 

Trước đây, trong một cuộc nói chuyện với mấy chị em lao động sau buổi diễn văn nghệ ở thành phố Đài Bắc, chị Nguyễn Thị Phương Lan khi ấy còn là thành viên đội Nam Dương hài hước bảo: "Thứ nhất là người ta mê chắc vì trang phục, sau đó là nhiệt tình, sau nữa là múa cũng tạm được… Có hoạt động gì lớn như ngày Tết, lễ thì họ mời đến biểu diễn hoặc ca sĩ VN sang thì họ gọi. Họ gọi rất nhiệt tình, vui là chính cho đỡ nhớ nhà. Nên tự biên tự diễn, tự may."   Nhớ về ngày đầu đi tập, chị Phương Lan bảo: "Đầu tiên vào múa chị không biết gì, người cứ cứng đơ ra, cũng nghĩ thôi chết làm thế nào? Sang đây đã mập ra 20 kg rồi thì mình phải chịu khó đi để có eo có ót, nhưng đi biểu diễn lại xinh hơn 1 tí…"

Nét đẹp Nam Dương - ảnh 4

Chị Nguyễn Thị Hoa là người lớn tuổi nhất trong câu lạc bộ, cũng là cánh chim đầu đàn để tụ tập chị em mỗi chương trình mới. Chị Nguyễn Thị Hoa kể lại, không có ai dạy thì các chị em cũng sẽ xem đĩa hình các chương trình ca múa trước để bắt chước, sau đó ghép nhạc. Chị cười bảo, CLB cũng nhiều người có tuổi rồi, nên mình cũng phải học ghép sao cho múa đơn giản nhất. Nói về những nỗi vất vả của người “đứng mũi chịu sào” là chị Nguyễn Thị Hoa, phụ trách chung của CLB, chị Trương Thị Bích kể: "Là một người đứng mũi chịu sào, chị phải vất vả hơn những chị em khác, kể cả lo trang phục, tự may vv… Chị là người rất khéo tay, những trang phục của đoàn nhiều khi do chị cắt và tự tạo, Còn hội viên mọi người tham gia thì không phải tuần nào cũng đi diễn được, nên thay phiên nhau. Có thể cùng một bài múa rất nhiều người tập, nhưng đến khi lên sàn diễn chỉ có 5-8 người thôi. Đồ thì tất cả do đoàn trưởng là chị Hoa may."

Trang phục, đạo cụ chị em cũng tận dụng tối đa, nhiều khi đi xin, đi mua giá rẻ. Rồi các công ty có lao động Việt Nam tổ chức tổng kết cuối năm, có hoạt động văn nghệ cũng tìm đến câu lạc bộ để thuê lại trang phục, đạo cụ. Chị Trương Thị Bích tâm sự: "Mình là người tha phương, thế thì những thời gian trống, những lúc buồn mình có thể tham gia những hoạt động từ thiện hay văn nghệ quần chúng để bớt thời gian thừa". 

Một niềm vui đơn giản thế thôi để mỗi lần xin nghỉ làm đi tập, lên sân khấu biểu diễn, hay là được lên sâu khấu cùng các ca sĩ nghệ sĩ nổi tiếng nước nhà sang Đài Loan biểu diễn. Những tiết mục biểu diễn của các chị cũng được truyền thông xứ Đài nhắc nhở đến. Những người phụ nữ lao động tần tảo ấy, có thêm nỗi tự hào riêng khi người Đài Loan biết thêm về một nét văn hóa Việt./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu