“Nem học bổng”: Tấm lòng của người Việt ở Lyon, Pháp

Thùy Vân- phóng viên VOV thường trú tại Pháp
Chia sẻ
(VOV5) - Món nem truyền thống được người Việt tại Pháp chế biến với mục đích quyên góp tiền để trao học bổng cho học sinh nghèo Việt Nam.
(VOV5) - Món nem truyền thống được người Việt tại Pháp chế biến với mục đích quyên góp tiền để trao học bổng cho học sinh nghèo Việt Nam.


Nem là món ăn truyền thống nổi tiếng trong ẩm thực Việt không chỉ được những người Việt Nam mà các bạn bè nước ngoài, trong đó có bạn bè Pháp ưa thích. Món ăn này còn có một ý nghĩa đặc biệt, đầy tính nhân văn và tình hữu nghị khi được các thành viên Hội Người Việt Nam và Hội Sinh viên tại Lyon đích thân làm với mục đích quyên tiền tặng học bổng cho các em học sinh nghèo ở Việt Nam.

Từ năm 2009 đến nay, một năm 4 lần, đến hẹn lại lên, những thành viên Hội Người Việt Nam và Hội Sinh viên tại Lyon cùng nhiều người bạn Pháp tụ họp để cùng nhau gói nem và phân công nhau đi giao hàng. Toàn bộ tiền lãi trong mỗi đợt làm nem được gom lại tạo quỹ học bổng tặng cho các em học sinh nghèo ở Việt Nam. Khoảng 100 suất học bổng với tổng trị giá từ 2.500-3.000 euros/năm và mua tặng sách cho thư viện của nhiều trường học. 


“Nem học bổng”: Tấm lòng của người Việt ở Lyon, Pháp - ảnh 1
Thực đơn món Nem

Ông Vũ Văn Huân, Chủ tịch Chi Hội người Việt Nam tại vùng Rhone-Lyon cho biết, việc gây quỹ học bổng là hoạt động truyền thống của Hội từ lâu và đặc biệt hiệu quả khi có các chương trình làm nem: “Trước khi mở đầu chương trình làm nem, hồi trước, chúng tôi cũng có mở chương trình học bổng nhưng qua hình thức khác như tổ chức các bữa ăn ở hội quán, tiền lời giữ lại hay làm Tết bán đồ ăn. hương trình học bổng về mặt tình cảm rất quý, mọi người rất hăng hái vì mình làm được một việc làm ý nghĩa. Các chị bảo là một năm phải làm 4 đợt nem để đảm bảo chương trình được đều đặn”.


Cùng với việc trao học bổng, chương trình làm nem của Hội Người Việt tại Lyon còn góp phần quảng bá với bạn bè Pháp một trong những món ăn nổi tiếng nhất của ẩm thực Việt.


 

Chị Nguyễn Thị Phương Anh, một thành viên chủ chốt trong nhóm làm nem cho biết: “Trong số người làm việc chung với tôi có cả các bạn người Pháp, có những người không phải thành viên Hội nhưng cũng đến. Người Pháp đến thực sự cũng có 2 mục đích là muốn học làm nem thế nào và họ cũng muốn giúp tham gia việc làm nhân đạo. Đó cũng là cách để mình truyền bá ẩm thực của Việt Nam”.


 

Ban đầu những đơn đặt hàng còn ít, chủ yếu dựa trên các mối quan hệ của các thành viên trong Hội. Tuy nhiên, “tiếng lành đồn xa”, những chiếc nem ngon với mục đích lớn lao là gây quỹ học bổng cho các em nhỏ hiếu học ở Việt Nam nay đã được biết đến trong cả thành phố Lyon và vùng Rhone. Báo chí trong vùng thường xuyên có những bài viết về những đợt Hội tổ chức bán nem.

 

“Nem học bổng”: Tấm lòng của người Việt ở Lyon, Pháp - ảnh 2
Chị Nguyễn Thị Phương Anh

Anh Nguyễn Quang Hùng Anh, Tổng thư ký Chi hội cho biết: “Mỗi lần phát học bổng, chúng tôi đều có báo cáo, thông tin về việc trao học bổng ở Việt Nam. Mỗi lần có đợt làm nem học bổng, báo chí trong vùng đều đến đưa tin. Có lẽ vì vậy mà số lượng mua nem học bổng 70-75% là người Pháp”.


Đến nay, các đơn đặt hàng không hề nhỏ, thường mỗi đợt từ 800 đến kỷ lục là 1.200 cái nem được đặt trước. Mỗi đợt, vào buổi tối ngày thứ Sáu, sau giờ làm việc, các gia đình quây quần chuẩn bị trước những phần việc được giao. Đến sáng thứ Bảy, bộ phận làm nem đến đông đủ tại hội quán để thực hiện các khâu cuối như trộn nhân, cuốn, chiên, chia nước chấm và giao nem… Mỗi người một việc, nhiệm vụ nhiều khi không hề nhẹ nhàng, bởi phải nạo hàng chục cân cà rốt; thái chục bao hành tây hay mộc nhĩ, nấm hương…rồi nhiều khi phải đi xa tới từng nhà để giao những chiếc nem còn nóng hổi.


 

Chị Lê Thị Thanh Thủy, người phụ trách việc phân công làm nem từ nhiều năm qua cho biết: “Trước khi làm nem thì một tuần trước đó phải có sự chuẩn bị, nhận đơn đặt hàng, những người đặt phút cuối cùng cũng nhận luôn, phải đổi lại số lượng, chia lại, tính toán thay đổi chương trình tùy theo sự rảnh rỗi của những người tới làm giúp. Cái khó trong tổ chức là tìm được người đúng thời điểm mình cần. Một số người rất tốt, sẵn sàng đứng ra làm những việc nặng, một số người kiếm thêm bạn tới giúp. Nhiều người thầm lặng ở nhà bào cà rốt và làm những việc nhỏ. Dự án làm nem của Hội ngày càng mạnh hơn nhờ những người đó và thêm các em sinh viên”.


 

Đúng với phong cách một nhà khoa học, chị Thủy cho chúng tôi lịch phân công, sơ đồ tổ chức được chị làm rất bài bản; hay tờ thực đơn do chính tay chị làm, trong đó nêu rõ thành phần của món nem gồm những gì, nhờ đó giúp tạo lòng tin và chinh phục những người bạn Pháp ngay từ lần đầu tiên nếm món ăn này.

 

 

Bỏ ra nhiều công sức để làm nem gây quỹ học bổng cho các em nhỏ ở quê nhà, bản thân các thành viên trong Hội Người Việt Nam tại Lyon cũng cảm thấy mình thu lại được nhiều tình cảm, nhiều điều quan trọng hơn vật chất. Đó có thể đơn giản là những lá thư từ Việt Nam gửi sang của các em học sinh được nhận học bổng. Những lá thư nhỏ, ngắn gọn với những lời cảm ơn, lời hứa sẽ học giỏi làm xúc động tất cả những người tham gia làm nem. Với vợ chồng anh chị Hùng Anh- Phương Anh và nhiều gia đình tham gia chương trình “Nem học bổng” còn giúp truyền cho con cái họ tình yêu quê hương, đất nước. 


“Nem học bổng”: Tấm lòng của người Việt ở Lyon, Pháp - ảnh 3
Anh Nguyễn Quang Hùng Anh

Anh Hùng Anh cho biết: “Các em trong các gia đình có cha mẹ tham gia vào chương trình làm nem, dần dần tham gia và thích thú, các em thấy có sự gắn bó với Việt Nam. Ví dụ bài viết của cháu Anh Thư về chương trình làm nem, tôi thấy rất cảm động. Nhiều khi thấy nó cắt hành, nước mắt chảy ra thấy tội nghiệp lắm, nhưng nó vẫn có ý thức và thích tham gia. Nó biết mỗi năm có 4 đợt, mỗi đợt làm nem nó cố gắng học bài, làm bài sớm hơn để chiều thứ 6 nó giúp mẹ cắt hành, xay thịt, nạo cà rốt. Rồi ba mẹ đi làm công tác hội về khuya, thì hai chị em  biết tự dọn đồ ăn ra ăn, dọn dẹp”.


 

Những ngày cuối năm, chương trình “Nem học bổng” lần thứ 4 trong năm lại vừa diễn ra với nhiều thành công, hứa hẹn mang lại nhiều phần quà cho các em học sinh nghèo  ở Việt Nam trong dịp Năm mới./.        

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu