"Mẹ ơi! Mẹ đừng lo, con đang có một gia đình hạnh phúc!"

Hà Nga Thìn Thắng
Chia sẻ
(VOV5)- Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) hiện có khoảng gần 100.000 cô dâu Việt sinh sống và thế hệ “F2” của họ là khoảng 200.000 con mang hai dòng máu Đài- Việt.

(VOV5)- Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) hiện có khoảng gần 100.000 cô dâu Việt sinh sống và thế hệ “F2” của họ là khoảng 200.000 con mang hai dòng máu Đài- Việt.

Những ngày này, những bà mẹ, những gia đình có con gái đi làm dâu tận bên xứ Đài không khỏi ngóng trông, nhớ nhung và lo lắng cho con em mình. Không biết con gái có gặp khó khăn nhiều không? có làm tròn đạo dâu con, có được gia đình nhà chồng bên Đài Loan yêu quý? Phóng sự sau của nhóm phóng viên Đài TNVN vừa trở về từ Đài Loan sẽ phần nào giúp quý vị hình dung rõ hơn về cuộc sống của các cô dâu Việt tại xứ Đài

Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Giữa ồn ào, náo nhiệt của buổi sáng mùa đông có nắng vàng ấm áp, chị Đinh Thị Hải, dắt theo 2 con nhỏ, bé trai lớn 5 tuổi, bé gái út 3 tuổi hồ hởi tham gia buổi Tết sớm của cộng đồng người Việt lần đầu tiên tổ chức tại thành phố Đài Nam- vùng lãnh thổ Đài Loan. Ríu rít chào hỏi những người đồng hương quen biết, ba mẹ con lựa một chỗ ngồi thuận tiện nhất cho 2 bạn nhỏ có thể xem được các tiết mục giao lưu văn nghệ đang diễn ra trên sân khấu.

"Mẹ ơi! Mẹ đừng lo, con đang có một gia đình hạnh phúc!" - ảnh 1
Mẹ con chị Đinh Thị Hải

Nhìn ra xung quanh, thấy đa phần các cô dâu Việt đều có chồng con quây quần, cùng tham gia đón Tết Việt quê vợ, chúng tôi có phần ái ngại cho ba mẹ con chị Hải. Nhưng khi nghe tôi bắt chuyện, ánh mắt chị rạng ngời khi nói về chồng mình, anh Lý Khởi Vỹ- một người làm nghề chế biến thuốc bắc: Sáng ra mình chưa dậy thì ông đã đi rồi, đợt này công ty có nhiều việc làm thêm, đến 7h30 tối ông mới về đến nhà. Gia đình của mình được Chính quyền tặng cái bằng khen gia đình hạnh phúc mỹ mãn, đạt điểm tuyệt đối 100 điểm với thưởng 3000 đài tệ nhé.

Cách đây 8 năm, chị Đinh Thị Hải- quê ở xã Yên Hóa, huyện Minh Hóa- tỉnh Quảng Bình sang Đài Loan làm việc theo chương trình hợp tác xuất khẩu lao động. Vốn có nghề y sỹ, chị Hải làm việc 3 năm ở Viện Dưỡng lão Đài Nam. Cái nết chịu thương chịu khó, tận tụy chăm sóc người già của chị Hải khiến các cụ yêu quý chị như con gái. Tính cách dịu dàng, cẩn thận của chị cũng khiến anh Lý Khởi Vỹ bị hớp hồn, rung động trong những lần đến Viện để thăm nom người dì của mình. Chị Hải cũng cảm thấy quý mến người đàn ông chất phác, dễ gần Lý Khởi Vỹ.

Ba năm chị Hải làm việc ở Viện dưỡng lão Đài Nam trôi qua nhanh khiến anh Vỹ lo lắng đến ngày phải xa chị, anh quyết định theo chị về quê nhà Việt Nam xin hỏi cưới chị làm vợ: Sau khi lấy mình, anh Vỹ có khoe mình với bạn bè của anh ấy. Một số bạn của anh ấy bảo ngại lấy vợ VN thì anh ấy bảo là vợ anh người Việt Nam nhưng tuyệt vời lắm, dịu hiền, chịu thương chịu khó. Người ta lại hỏi anh ấy là cho vợ học hành nhiều thế có sợ vợ biết nhiều rồi trốn đi không, anh bảo là không, anh rất tin tưởng mình. Mình cũng thường nói với chồng là mình rất may mắn mới gặp được anh, lấy anh làm chồng và gửi gắm đời mình cho anh ấy.

Con gái lấy chồng xa, người lo lắng nhất là mẹ chị Hải. Bà lo con gái lấy chồng Đài Loan sẽ gặp nhiều khó khăn, rào cản lớn nhất là ngôn ngữ và tư duy văn hóa bản địa. Biết nỗi niềm của mẹ, chị Hải đã nhanh chóng học hỏi và thông thạo tiếng Đài trong nửa năm đầu tiên sau khi về nhà chồng. Chị không dừng lại ở việc học tiếng, ở nhà chăm sóc chồng con mà tham gia học thêm văn hóa, học nghề để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Với tấm bằng y sỹ ở quê nhà, chị đang ước ao sớm tốt nghiệp cấp 2 - tương đương với lớp 12 ở Việt Nam để sau đó có thể thi lấy bằng bác sỹ ở Đài Loan. Nhưng trước khi hiện thực hóa ước mơ này, chị vừa thi đỗ và được cấp chứng nhận dạy tiếng Việt cho con em mình ở Đài Loan.

Điều vô cùng quan trọng đối với mỗi cô dâu Việt tại xứ Đài là thái độ của gia đình chồng. Chị Đinh Thị Hải nói rằng, chị đã vô cùng may mắn khi được bố mẹ chồng yêu thương, ủng hộ chị học lên cao hơn và dạy tiếng Việt cho các cháu. Chị đang dần đưa tiếng Việt và cả những phong tục, tập quán của người Việt vào trong ngôi nhà nhỏ của mình sao cho hài hòa với văn hóa của người Đài Loan. Đến như món nước mắm- vốn dĩ hầu hết người Đài Loan không thích - cũng đang được chị đưa vào thực đơn và thuyết phục khẩu vị của hầu hết những người thân bên gia đình nhà chồng.

Tết Giáp Ngọ này, chị Hải không về Việt Nam ăn tết cùng gia đình mình được. Bao nhiêu nhớ nhung, yêu thương cha mẹ, ông bà, anh chị em bên quê nhà được chị dồn hết vào việc chuẩn bị cho chồng con và bố mẹ chồng một bữa cơm Tất niên mang đậm phong tục Việt với đủ dưa hành, bánh chưng xanh:  Bà nội ơi, mẹ ơi, anh chị em ơi, em ở bên này rất hạnh phúc. Chồng em rồi bố mẹ chồng em đều thương em, thương các cháu nên bà, mẹ và các anh chị đừng có lo, cuộc sống của em bên này thật sự rất hạnh phúc. Em chỉ mong gia đình mình có sức khỏe là em bên này cũng rất hạnh phúc rồi. Chúc bà nội năm nay 95 tuổi, chúc bà nội mạnh khỏe và sang năm con sẽ cố gắng về ăn Tết với bà, với mẹ, với anh chị em.

Hạnh phúc là do mình tạo ra. Cô dâu Việt Đinh Thị Hải và chồng người Đài Loan, anh Lý Khởi Vỹ trong câu chuyện vừa rồi đang chứng minh điều đó. Theo ông Bùi Trọng Vân, Chủ nhiệm Văn phòng kinh tế- văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc, có khoảng 70% cô dâu Việt đã mang quốc tịch Đài Loan và có cuộc sống ổn định. Ông Bùi Trọng Vân cũng khẳng định, mỗi người Việt Nam ra nước ngoài đều có vai trò như một sứ giả, một nhà ngoại giao bán chuyên nghiệp. Với cô dâu Việt, họ mang theo bản sắc của người phụ nữ Việt Nam: thông minh, đảm đang, chung thủy, thương chồng yêu con, do đó, hầu hết các cô dâu để lại ấn tượng tốt đẹp với người Đài Loan.

Còn ông Trương Kỳ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Di dân Đài Loan thì khẳng định: Sở Di dân rất quan tâm tới các cô dâu Việt Nam sinh sống ở Đài Loan và luôn mong muốn họ có cuộc sống ổn định, hạnh phúc. Chính quyền Đài Loan rất tôn trọng sự đa dạng về văn hóa, cô dâu hay người Việt Nam đang ở Đài Loan đều có sự đóng góp vào công cuộc xây dựng xã hội sở tại, cũng như mang lại cho Đài Loan sự đa dạng về văn hóa./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu