Mê ẩm thực Việt, thành công trên quốc đảo Singapore

Nhóm PV/VOV
Chia sẻ
(VOV5) - Chị Jenny Mạc Mai Lan đã thành công khi mang các món ăn miền Bắc Việt Nam và không gian văn hóa ẩm thực đậm chất Việt đến quốc đảo sư tử.
(VOV5) - Chị Jenny Mạc Mai Lan đã thành công khi mang các món ăn miền Bắc Việt Nam và không gian văn hóa ẩm thực đậm chất Việt đến quốc đảo sư tử.

Chị Jenny Mạc Mai Lan (sinh năm 1974, quê ở Hải Dương), không chỉ được biết đến là bà chủ thành công với chuỗi nhà hàng ẩm thực Việt tại Singapore, mà còn là cầu nối, sẵn sàng giúp đỡ cộng đồng người Việt nơi xứ người.

Thành công từ đam mê ẩm thực Việt

Lấy chồng và khởi nghiệp tại Singapre từ năm 1998, chị Lan thành công với thương hiệu thời trang giầy dép và túi xách Cardio. Công việc kinh doanh diễn ra tốt đẹp vì chị Lan là một người thông minh, ham học hỏi, năng động, say mê với công việc và luôn sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn, thử thách. Tuy vậy, chị nhận ra lĩnh vực này chưa phải là niềm đam mê lớn nhất của mình. 

me am thuc viet, thanh cong tren quoc dao singapore hinh 0
Chị Jenny Mạc Mai Lan

Chị tâm sự, những gì đam mê nhất sẽ giúp người ta dồn hết tâm sức, năng lượng để thực hiện và sẽ thành công nhất. Với chị Lan, đó chính là ẩm thực Việt Nam. Vậy là năm 2012 chị chuyển sang kinh doanh nhà hàng ăn uống.

Ở một đất nước như Singapore, việc kinh doanh ẩm thực không hề đơn giản vì phải đương đầu với sự cạnh tranh khốc liệt. Tại đây cũng có những nhà hàng Việt Nam nổi tiếng, được người Việt và người dân bản xứ ưa chuộng. Vậy phải làm gì để có một lối đi riêng? Câu hỏi đó càng thôi thúc chị Lan khơi dậy sự sáng tạo và niềm đam mê chế biến những món ăn miền Bắc của chị.

Chị kể: “Ngay từ khi còn là học sinh, tôi đã tham gia học nấu ăn tại Trung tâm 20/10 ở phố Quán Sứ, Hà Nội để thỏa niềm yêu thích của mình. Cảm giác nấu một món ngon cho người thân quen của mình thưởng thức, nhìn họ ăn ngon là tôi thấy vô cùng hạnh phúc”.

Thời nữ sinh để nhớ của chị Lan cũng gắn liền với những kỷ niệm trên từng góc phố, con đường của mảnh đất Hà Thành. Những ký ức của Hà Nội đã giúp chị hình thành nên không gian văn hóa ẩm thực mang đậm chất Hà Nội vừa truyền thống, vừa hiện đại, giúp thực khách Việt sống lại bao kỷ niệm và phần nào vơi đi nỗi nhớ quê nhà.   

Hiện tại chị Lan đã xây dựng được hệ thống cửa hàng TONKIN gồm 4 cơ sở chuyên bán các món ăn miền Bắc như: phở bò, phở gà, bún dọc mùng, bún cá, bún chả, nem quấn, nem rán, bò quấn lá lốt, bún ngan...

Mỗi món ăn là một câu chuyện về tâm huyết của chị Lan. “Tôi thường tự tay chọn thực phẩm tươi và nhập khẩu các gia vị khô từ Việt Nam để những món ăn giữ được hương vị truyền thống. Tôi hiện có 35 nhân viên, chủ yếu là người Việt Nam. Nhiều khi rảnh rỗi tôi vẫn vào bếp, nấu cho mọi người ăn, thậm chí rửa bát để thỏa niềm đam mê của mình”- chị Lan tâm sự.  

me am thuc viet, thanh cong tren quoc dao singapore hinh 1
Không gian nhà hàng do chính chị Lan thiết kế và đặt hàng từ Việt Nam

Tại mỗi cơ sở phục vụ những đối tượng khách hàng khác nhau nên không gian cửa hàng cũng được chị Lan tự thiết kế, bài trí cho phù hợp. Tuy nhiên, tất cả đều đậm nét văn hóa Việt Nam.

Không gì tuyệt hơn, khi thưởng thức những món ăn thuần Việt trong một không gian với hình ảnh 36 phố phường, cầu Long Biên, xích lô, đèn lồng và những bức họa nổi tiếng như “Em Thúy”, “Thiếu nữ bên hoa huệ… Ngay cả bát, đĩa, thìa… phục vụ thực khách, chị Lan cũng đặt mua từ làng gốm Bát Tràng và mỗi chiếc đèn lồng trong quán ăn cũng tự tay chị thiết kế và đặt tại Hội An.

Tất cả những nỗ lực, niềm đam mê và sự sáng tạo đã mang đến thành công. Khách hàng đến ăn tại các các cửa hàng TONKIN của chị ngày càng đông. Có thời điểm, thực khách xếp hàng dài chờ vào quán.

Chị Nguyễn Thị Ngà cùng chồng (người Canada) và 2 con gái định cư tại Singapore cho biết, 6 năm sống ở Singapore, gia đình chị thường xuyên đến quán ăn của chị Lan. Bởi, “đồ ăn ở đây rất ngon và thuần Việt... Cả nhà tôi thích nhất món phở tại cửa hàng Tonkin.”


“Lá lành đùm lá rách” nơi xứ người

Khách nhớ nhà hàng TONKIN, không chỉ bởi họ muốn thưởng thức những món ăn đậm bản sắc dân tộc Việt, giữ được hương vị truyền thống, mà còn vì họ muốn sống trong một không gian rất Hà Nội và được đón nhận từ chị Lan và những nhân viên sự cởi mở, chân thành, sự sẻ chia về cuộc sống, những câu chuyện về đất nước và con người Việt Nam.

Vì lẽ đó, cửa hàng của chị Lan từ lâu đã trở thành nơi kết nối những người con xa xứ, những người nước ngoài yêu thích món ăn và văn hóa Việt. Cũng từ những cuộc gặp gỡ tại Tonkin, ngày càng nhiều người Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn được giới thiệu đến chị Lan giúp đỡ, từ những du học sinh đến xin làm thêm đến những cô dâu người Việt có mâu thuẫn với chồng.

me am thuc viet, thanh cong tren quoc dao singapore hinh 2
TONKIN là địa chỉ quen thuộc của nhiều gia đình cô dâu Việt cũng như thực khách nước ngoài

Chị Hương, sinh sống tại Singapore 14 năm tâm sự: “Khi mới “chân ướt, chân ráo” sang đây, tôi được một người bạn giới thiệu đến làm tại của hàng của Lan. Lan rất nhiệt tình giúp đỡ tôi, từ việc đi làm các thủ tục hành chính đến công ăn việc tại làm và thu nhập để nuôi con ăn học”

“Tôi còn nhớ, có lần, một cô dâu Việt bị chồng ngược đãi đã tìm đến Lan, liền được Lan cưu mang cả mấy mẹ con tại nhà mình, rồi giúp đỡ tiền, công việc, giúp ra tòa để giải quyết mẫu thuẫn. Lan không chỉ giỏi kinh doanh mà còn là một “luật sư” nữa. Sự giúp đỡ đó không gì mua được nơi đất khách, quê người” - chị Hương cho biết thêm.


“Tôi sẽ về đầu tư tại Việt Nam”

Chị Jenny Mạc Mai Lan cho biết, trong tương lai Công ty của chị sẽ phát triển thêm nhiều cửa hàng, trong đó dự định năm 2017 sẽ bắt đầu công việc kinh doanh ẩm thực tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

“Lúc nào tôi cũng hướng về quê hương, muốn làm một việc gì đó để giúp bà con có của mình có công ăn việc làm ngay tại quê nhà, đầu tư về quê hương”, chị nói.

me am thuc viet, thanh cong tren quoc dao singapore hinh 3
Chị Lan thường xuyên trực tiếp chế biến các món ăn

Thành đạt trên một đất nước phát triển với sự cạnh tranh khốc liệt trong kinh doanh, chị Lan thường xuyên được mời đến những trường Đại học nổi tiếng tại Singapore để nói chuyện với các sinh viên, trong đó có những sinh viên Việt Nam về niềm đam mê công việc, về sự chân thành, về sự giúp đỡ mọi người trong cộng đồng và cách sống để không để lòng tham chế ngự...

Là người phụ nữ sắc sảo, hiện đại và bận rộn trên đất nước phát triển, nhưng với chị Lan, lưu giữ truyền thống văn hóa, ngôn ngữ Việt Nam luôn phải được đặt lên hàng đầu. Hai con trai của chị (cậu lớn 23 tuổi đang học Đại học Y chuyên ngành nghiên cứu vaccine, cậu bé học lớp 5) đều nói, viết thành thạo Tiếng Việt và am hiểu lịch sử Việt Nam.

“Buổi tối, trước khi ngủ, mình nói và dạy tiếng Việt từ những câu rất bình thường, khi ăn cơm cũng vậy”, chị Lan cho biết. Khi các con còn nhỏ, chị gửi về quê Hải Dương để học tiếng Việt và mỗi dịp nghỉ hè, gia đình chị cũng hay về quê.

me am thuc viet, thanh cong tren quoc dao singapore hinh 4
Tất cả nhân viên làm tại hệ thống nhà hàng TONKIN của chị Lan ở Singapore đều là người Việt

“Các cháu cần phải biết rõ về quê hương của mình, phải đi đến những vùng quê xa xôi còn nhiều khó khăn để thấy rằng mình đang may mắn có được cuộc sống đầy đủ, từ đó nỗ lực học tập hết mình để trưởng thành và có điều kiện giúp đỡ người khác”- chị Lan chia sẻ.

Mỗi người yêu đất nước bằng cách riêng của mình. Đem không gian ẩm thực quê nhà đến một đất nước phát triển, giúp những người Việt có công ăn, việc làm khi xa xứ, dạy các con học Tiếng Việt và am hiểu lịch sử dân tộc, về quê hương kinh doanh là cách mà chị Jenny Mạc Mai Lan hướng về Tổ quốc của mình.



Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu