Phóng viên VOV thường trú tại Australia đã phỏng vấn Phó giáo sư Chu Hoàng Long, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách Việt Nam tại Đại học Quốc gia Australia, Phó Chủ tịch Hội Trí thức và Chuyên gia Việt Australia về những thành tựu nổi bật của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để hiểu hơn về tâm tư tình cảm của kiều bào dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
PV: Là một kiều bào nhiều năm sinh sống tại Australia và có dịp gặp mặt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ông sang thăm Australia năm 2008 trên cương vị là Chủ tịch Quốc hội, ông có thể chia sẻ về kỷ niệm của cuộc gặp mặt này?
PGS Chu Hoàng Long: Xin cảm ơn VOV đã cho tôi có cơ hội để được trao đổi và trình bày những cảm nhận của mình về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trước hết, xin phép cho phép tôi được gọi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là bác Trọng. Lý do là bản thân tôi và gia đình tôi đã có dịp gặp gỡ và nói chuyện trực tiếp với bác Trọng nhân dịp bác sang thăm chính thức Australia năm 2008, lúc đó mới chỉ là trên cương vị Chủ tịch Quốc hội của Việt Nam. Vào năm đó, khi trò chuyện thấy tôi sử dụng cả tên và chức vụ cho trang trọng thì bác Trọng có thân mật nói với tôi là thôi, cứ gọi là bác hoặc chú là được rồi. Vì vậy từ đó, trong những cuộc nói chuyện của mình, tôi vẫn sử dụng cụm từ “bác Trọng” để nói về Tổng Bí thư.
Trước hết, cảm nhận của cá nhân tôi, kể cả từ việc tiếp xúc trực tiếp, cũng như qua thông tin báo chí, tôi thấy bác Trọng là người giản dị, không cầu kỳ. Bác giản dị từ phong thái, giản dị trong cách giao tiếp, cũng như giản dị trong trang phục. Là một người Việt Nam sống ở nước ngoài, tôi thấy bác Trọng rất quan tâm và thân mật với kiều bào. Bác hỏi thăm về cuộc sống, về hoàn cảnh gia đình, về công việc, và về hoài bão của từng cá nhân. Bác để ý thăm hỏi các cháu nhỏ và động viên các cháu học tiếng Việt cho giỏi. Gia đình chúng tôi vẫn còn nhớ rất rõ một kỷ niệm với bác, mà chúng tôi sẽ không bao giờ quên, là khi bác hướng tay về cậu con trai của tôi, lúc đó cháu mới được 3 tuổi và nói “Ra ông bế cháu chút nào”. Đến nay, mặc dù con trai tôi đã gần 20 tuổi, nhưng cháu vẫn nhớ và thỉnh thoảng vẫn nhắc là ngày bé con được ông Trọng bế - cháu gọi bác Trọng bằng ông.
Hôm nay đọc tin trên báo thấy Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, tôi thấy vô cùng thương tiếc. Xin thành thật chia buồn với gia đình bác, cầu mong bác an nghỉ nơi chín suối.
PV: Là một người gắn bó với Việt Nam và vẫn luôn theo dõi tình hình Việt Nam trong nhiều năm sống xa quê hương, ông đánh giá như thế nào về đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự phát triển của Việt Nam trong thời gian qua, đâu là thành tựu nổi bật nhất?
PGS Chu Hoàng Long: Tôi đánh giá bác Trọng là người làm việc không mệt mỏi để hướng tới mục tiêu và lý tưởng của mình. Có thể nói bác Trọng là một trong số những người lãnh đạo có tầm ảnh hưởng nhất đối với Việt Nam trong thời kỳ cận đại và hiện tại. Thành tựu nổi bất nhất của bác Trọng, mà có lẽ nhiều người cũng đồng ý với tôi, là bác đã làm nhân dân tin tưởng hơn vào quyết tâm làm trong sạch bộ máy cán bộ quản lý ở các cấp của Việt Nam. Bác Trọng đã khởi xướng chiến dịch chống tham nhũng, gần như có một không hai trong lịch sử hiện đại của Việt Nam.
Bác Trọng không chỉ là người đưa ra những định hướng chiến lược quan trọng cho chiến dịch chống tham nhũng, mà thực sự bác đã trở thành biểu tượng của chiến dịch này trong lòng người dân. Đối với tôi, củng cố được niềm tin của nhân dân vào mục tiêu và lý tưởng của mình theo đuổi là một trong những điều thành công nhất của bác Trọng.
PV: Một trong những dấu ấn đáng chú ý trong chính sách đối ngoại của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là chính sách ngoại giao cây tre. Là một nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Australia, ông đánh giá như thế nào về chính sách ngoại giao cây tre của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới hiện nay?
PGS Chu Hoàng Long: Theo đánh giá của tôi, bác Trọng là người có công rất lớn, và có thế nói là nhân tố quyết định, đặt được Việt Nam vào thế cân bằng, và ổn định trong quan hệ ngoại giao, đặc biệt là trong mối bang giao với các nước lớn như Hoa Kỳ, khối EU, Nga, và Trung Quốc. Tôi cho rằng điều này đặc biệt cần thiết và hữu ích cho tương lai của Việt Nam, và là một bài học quan trọng cho những thế hệ lãnh đạo kế tiếp. Thành tựu này về đối ngoại không hề kém phần quan trọng nếu so với những thành tựu đối nội của bác Trọng.
Trong thời gian bác Trọng nắm giữ vị trí là người lãnh đạo số 1 đất nước, tình hình thế giới khá phức tạp, và nhiều sự kiện ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, song bác Trọng đã đưa Việt Nam vào một vị trí vừa cân bằng, nhưng cũng rất hữu nghị với tất cả các bên. Không phải ngẫu nhiên mà người đứng đầu các cường quốc của thế giới như Tổng thống Hoa Kỳ, Tổng thống Nga và Tổng Bí thư Đảng cộng sản kiêm Chủ tịch Trung Quốc đều chính thức thăm Việt Nam và gặp các lãnh đạo Việt Nam trong một thời gian khá gần nhau. Cũng không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên đều đồng ý nói chuyện với nhau ở Hà Nội.
Chúng ta đều biết là chủ trương của Việt Nam là muốn làm bạn với tất cả, nhưng nếu không tỉnh táo, bình tĩnh, chúng ta có thể bị lôi cuốn vào những sự kiện của các nước lớn tạo ra, không có lợi cho đất nước Việt Nam. Tôi cho rằng bác Trọng đã đóng góp một vai trò quyết định, cùng với đội ngũ lãnh đạo cao cấp, tạo ra sự cân bằng chiến lược trong ngoại giao của Việt Nam.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.