Ngày 14/9, trung tâm văn hóa Mandapa (quận 13, thủ đô Paris – Pháp), đã khai mạc chương trình nghệ thuật đặc biệt “Passeport pour le Vietnam” nhằm giới thiệu văn hóa Việt Nam tới khán giả Pháp và quốc tế.
Lễ khai mạc “Passeport pour le Vietnam” (Hộ chiếu tới Việt Nam) gây ấn tượng với khán giả bằng những tiết mục nghệ thuật đặc sắc, mang đậm nét văn hóa truyền thống người Việt như “Cò lả” qua phần thể hiện của nghệ sĩ Trần Quang Khải và nghệ sĩ Bạch Yến, truyện cổ tích "Tấm Cám” qua lời kể của nữ nghệ sĩ Isabelle Genlis và nghệ sĩ đàn tranh Hồ Thụy Trang.
|
Tiết mục kể truyện "Tấm Cám". |
Khán giả cũng bị lôi cuốn với những phần biểu diễn và giới thiệu nhạc cụ của “vua muỗng Việt Nam” Trần Quang Hải (nhị, các loại đàn môi, muỗng) và nghệ sĩ trẻ Mai Thành Nam (sáo trúc, sáo Mông).
Tham dự lễ khai mạc, ông Nguyễn Thiệp, Đại sứ Việt Nam tại Pháp, hết sức ấn tượng với những nét văn hóa quen thuộc của người Việt được thể hiện dưới góc nhìn của các nghệ sĩ người Pháp và người Việt đang sinh sống tại Pháp.
Đại sứ Nguyễn Thiệp cho rằng, với những tiết mục này, khán giả có thể chưa đến Việt Nam nhưng cũng đã hình dung được khung cảnh, làng quê, tâm hồn, âm thanh của đất Việt. Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các hoạt động văn hóa nhằm tăng cường giao lưu giữa Việt Nam và Pháp. Văn hóa đã trở thành cầu nối, đưa hai đất nước, hai dân tộc đến rất gần nhau.
|
Tiết mục "Cò lả" của Nghệ sỹ Trần Quang Hải và Bạch Yến. |
Trung tâm văn hóa Mandapa được thành lập năm 1975, ban đầu tập trung giới thiệu văn hóa truyền thống của Ấn Độ, sau đó mở rộng ra các nền văn hóa trên khắp thế giới. Mandapa thường xuyên tổ chức các buổi biểu diễn, quy tụ các nghệ sĩ đến từ khắp các châu lục. Chương trình “Passeport pour le Vietnam”, một dự án hoàn toàn mới của Mandapa, sẽ giới thiệu các loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc (âm nhạc, nghệ thuật múa, nghệ thuật sân khấu, kể chuyện…), qua sự thể hiện của các nghệ sĩ người Việt sinh sống tại Pháp và những nghệ sĩ đến từ Việt Nam để thấy được sự giao thoa giữa hai nền văn hóa.
Bà Isabelle Anna, giám đốc trung tâm, nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn làm việc cùng những nghệ sĩ người Việt, những người hiện sinh sống tại Pháp, chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp và châu Âu nhưng vẫn giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam. Chúng tôi muốn thấy được cách mà họ dung hòa giữa hai nền văn hóa. Chúng tôi cũng đón tiếp các nghệ sĩ từ Việt Nam đến biểu diễn, những người tiếp xúc hằng ngày với văn hóa truyền thống Việt Nam, để họ gặp gỡ với những nghệ sĩngười Việt tại Pháp và với khán giả Pháp”.
“Passeport pour le Vietnam” sẽ kéo dài đến giữa tháng 6/2019 với nhiều buổi giới thiệu nghệ thuật truyền thống Việt như múa dân gian và nhạc cụ truyền thống, kể chuyện cổ tích Việt Nam (Truyện Kiều, Tấm Cám…), cải lương tuồng cổ, đờn ca tài tử, nhạc kịch Lục Vân Tiên… Các buổi triển lãm, hội thảo về chủ đề văn hóa Việt Nam và các khóa đào tạo nhạc cụ truyền thống cũng sẽ được tổ chức trong thời gian này.