Hương Tết xa

Thiều Quang
Chia sẻ
(VOV5) - Trong mênh mang tuyết trắng và cái lạnh đến tái tê, hình ảnh bập bùng ánh lửa của đêm ngồi luộc bánh chưng ngày giáp tết đã làm thổn thức tâm hồn những đứa con xa.

Mỗi năm khi tết nguyên đán đến, những người con đang sống xa quê lại bồi hồi nhớ về thời khắc đón năm mới ở quê hương. Hành trang kỷ niệm về tết của mỗi người tuy khác nhau nhưng đều giống nhau ở một điểm, buồn và muốn được về quê cùng đón tết với người thân ở trong nước. Nhiều người vì những lý do khác nhau không thể về nước vào dịp này, họ tụ nhau lại thành các nhóm cùng gói bánh chưng, cùng ôn lại kỷ niệm về ngày tết và quan trọng hơn, cùng dạy con em mình về văn hóa và truyền thống đón tết của Việt Nam.

Hương Tết xa - ảnh 1Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc đón Tết cổ truyền tại trung tâm thương mại Sapa. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Trong mênh mang tuyết trắng và cái lạnh đến tái tê, hình ảnh bập bùng ánh lửa của đêm ngồi luộc bánh chưng ngày giáp tết đã làm thổn thức tâm hồn những đứa con xa.

Nhóm của mấy gia đình anh chị Sơn Thủy, Mùi Thúy, Loan Quang, Hạnh Hiện đã sống ở Cộng hòa Séc mấy chục năm nay là một trong nhiều nhóm như thế. Cứ trước tết nguyên đán một tuần, mấy gia đình lại ngồi họp bàn cùng nhau xem năm nay đến lượt nhà ai và định ngày để gói sao cho phù hợp với lịch học của con mình. Phải là ngày nghỉ để các cháu tham gia công việc gói bánh cùng người lớn. Việc chọn mua lá, gạo, đỗ bây giờ cũng đơn giản hơn nhiều. Những nhà hàng bán đồ Châu Á trong các trung tâm thương mại của người Việt luôn chuẩn bị trước những sản phẩm này ngay từ đầu tháng để phục vụ nhu cầu của bà con. Đã thấy trên các kệ hàng những cành đào, những quả phật thủ và cơ man giò chả và tất nhiên không thể thiếu những đồ để thờ cúng trong lễ tất niên.

Hương Tết xa - ảnh 2Ở nơi xa nhưng vào những ngày giáp Tết, nhiều gia đình người Việt ở Séc lại sắp gạo, sắp lá gói bánh chưng đón Tết.

Khi chuẩn bị đầy đủ, đúng ngày đã định, tất cả có mặt tại gia đình được đăng cai. Người rửa lá, người vo gạo, người thái thịt. Các con cháu được phân công cụ thể rồi cùng gói bánh với bố mẹ. Chúng làm việc say sưa và bị mê hoặc bởi truyền thuyết bánh chưng do người lớn vừa làm, vừa kể. Cháu Ly con anh Mùi tâm sự: “Mấy năm, không được tham gia gói bánh vì bận học, bây giờ khi tận mắt chứng kiến chiếc bánh chưng được gói, được làm từ nguyên liệu gì và vì sao tết của người Việt phải có bánh chưng, cháu mới hiểu, ngày này có ý nghĩa thế nào với bố mẹ và các bác”. Rồi lò luộc bánh nhóm lên, ánh bập bùng của ngọn lửa chiếu lên khuôn mặt các thế hệ người Việt xa quê như hồng lên trong sắc tết.

Ngày hôm sau, tất cả con cháu đều tập trung để vớt và rửa bánh. Mỗi đứa mỗi việc, giữa khoảng sân đầy tuyết trắng xen lẫn tiếng nói cười là những chiếc bánh chưng vuông vức đang được bọn trẻ chuyền tay nhau háo hức. Bánh được chia ra, theo mỗi gia đình về để kịp dâng lên ban thờ cúng tổ tiên.

Hương Tết xa - ảnh 3

Nhà nào cũng lau dọn ban thờ, sắp đặt mâm mũ quả. Không khí vừa trang nghiêm, vừa thành kính ấy lan dần sang lớp trẻ vốn thấm đậm văn hóa Châu Âu. Con gái vào bếp giúp mẹ, con trai cùng bố sửa soạn hoa quả. Mâm cỗ cúng được bày ra và bọn trẻ biết, khi nào mùi hương trầm thoảng bay, ấy là lúc mùa xuân đã cận kề, thời điểm giao mùa đang đến, tết đã về.

Hương Tết xa - ảnh 4 Những em bé gốc Việt háo hức đón mừng năm mới.

Những lời chúc vang lên. Mỗi người đều cầu mong cho người thân yêu của mình sang năm mới có thêm nhiều sức khỏe, thành công, hạnh phúc. Và từ nơi xa, những người con đang sống xa quê luôn cầu mong cho Quốc thái dân an, cho đất nước mãi là tổ ấm để những đứa con đi xa luôn mong ngóng trở về.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu