Hướng mắt gởi lòng về nơi quê hương ông cha

Phi Hà
Chia sẻ
(VOV5)-Tên tuổi Võ Quang Yến từng xuất hiện nhiều trên báo chí xuất bản ở Sài Gòn trước 1975, với những bài viết về Huế, hoặc những bài viết về khoa học rất sinh động.

(VOV5)- Lớp hậu sinh như chúng tôi không được gặp ông nhiều, nhưng với nhiều báo chí trong nước, nhà nghiên cứu hoá học Võ Quang Yến là một cộng tác viên gắn bó rất lâu năm và ân tình.

Tôi biết ông từ những bài viết dài dạng ký hoặc tản văn về đất nước, về Huế, về những nhà khoa học nổi tiếng người Việt ở Pháp mà ông từng cùng làm việc hay cộng tác, về những danh nhân của Việt Nam. Tôi cũng biết ông bà từ những cánh thiệp Tết mỗi năm; từ câu chuyện của những nhà khoa học Việt Nam đã từng nhờ ông - thời còn làm ở Viện khoa học Pháp, giúp đỡ nghiên cứu các hoạt chất trong cây cỏ Việt Nam – giúp đỡ một cách vô tư, chí tình và hết lòng. Và biết danh cả người vợ thân thương của ông, bà Lilliane, dẫu không phải là người Việt mà đúng chất “dâu Việt”, từng làm luận án nghiên cứu về văn hoá Việt Nam, yêu quê chồng, luôn sát cánh cùng chồng. Cách đây chục năm, bà còn luôn cùng theo ông mỗi chuyến về thăm quê nhà.


Hướng mắt gởi lòng về nơi quê hương ông cha - ảnh 1
Võ Quang Yến thời trẻ -Ảnh: vietsciences.free.fr

Tên tuổi Võ Quang Yến từng xuất hiện nhiều trên báo chí xuất bản ở Sài Gòn trước 1975, với những bài viết về Huế, hoặc những bài viết về khoa học rất sinh động. Điều thú vị là những bài báo khoa học đó bao giờ cũng được viết lồng dưới dạng kể cùng những câu chuyện dân gian, vì Võ Quang Yến quan niệm: Viết cho nhà khoa học biết được những đặc tính mới của cây cỏ, nhưng cũng viết để cho dân gian hiểu được những cây thuốc thân thuộc của Việt Nam quý giá như thế nào. Còn sau này, bài viết của ông được các tạp chí ở Huế đăng nhiều và chọn vào tuyển tập, được đăng ở nhiều báo chí trong nước, phát trên làn sóng Đài Tiếng Nói Việt Nam. Cuối mỗi bài ký gửi cho chúng tôi, ông thường ghi chữ : Xô Thành, đó là đất Sceaux, nơi gia đình ông bà ở đó. Trong bài viết "Gửi rể đất khách", giáo sư Võ Quang Yến từng viết rằng: "Mặc dù không dự tính, cuộc sống đã giữ tôi lại làm rể nơi đất khách quê người này". Và trong tất cả những bài viết có chút hồi ức về quê hương, bao giờ Võ Quang Yến cũng nặng một ân tình về nỗi con cháu phải nhớ tới quê hương. Điểm xuất phát của những bài báo khoa học nhưng viết dưới dạng kể chuyện ấy, theo Võ Quang Yến, lại từ một lý do rất đơn giản: để không quên tiếng Việt. Những ngày đầu đi du học xứ người, một thân một mình bơ vơ nơi đất khách, cậu học trò nghèo Võ Quang Yến đã nghĩ ngoài việc học, ngày ngày mình phải viết một cái gì đó để vẫn sống trong tiếng nói, chữ viết của quê nhà.

Võ Quang Yến từng kể lại con đường học hành nhọc nhằn, chông gai của một cậu bé nghèo ở vùng nông thôn trong những trang tản văn thấm đẫm nỗi nhớ quê của mình. Ông sinh ra ở vùng Nam Phổ, đất trồng cau nổi tiếng, nhưng sau đó thì về quê mẹ ở Mỹ Cang, Phong Điền của Huế. Năm 1949, ông đã có một quyết định lớn khi mới 20 tuổi, khi tìm cách đi học ở Pháp để mở mang tri thức, mở rộng tầm nhìn. Đáp một chiếc tàu chở quân binh, ông đến Marseille rồi lên học ở Chambéry và Paris. Sau một thời gian làm chuyên viên hóa học, ông được cấp học bổng qua học những chứng chỉ cử nhân ở Thụy Sĩ  rồi Tây Đức. Hành trình không hề trải hoa hồng cho một chàng trai đi học tự túc, luôn luôn không có một túi tiền dồi dào, vừa học vừa chạy tiền để sống, Võ Quang Yến trở lại Pháp và theo học cao học trong phòng thí nghiệm của giáo sư Bửu Hội. Đến tuổi 34, Võ Quang Yến lấy học vị tiến sĩ hóa học tại trường đại học Sorbonne... Những ngày tháng vừa học vừa làm trong chái kho được dùng làm phòng thí nghiệm, giữa cái lạnh cắt da của mùa đông nước Pháp không làm người con Huế ấy nản lòng. Yêu Huế, nên ông đã từng tham gia sáng lập và làm Chủ tịch Hội người yêu Huế tại Pháp. Võ Quang Yến quan tâm đến quê hương theo cách của mình: Đó là giúp đỡ rất nhiều nhà khoa học trong nước nghiên cứu, tìm hiểu sâu về các hoạt chất hoá học trong cây cỏ, viết bài giới thiệu, và thậm chí cả cảnh báo về những điểm yếu của một số đề tài nghiên cứu khoa học trong nước. Yêu ghét thật rành rẽ, ông không ngại chỉ ra những điều ông còn thấy chưa được trong khoa học cũng như trong đời sống thường nhật ở quê nhà. Đến giờ, khi ông đã vào tuổi bát thập, bà Liliiane không còn đủ sức khoẻ theo chồng về Việt Nam, thì vẫn mấy năm một lần, Võ Quang Yến lặn lội về quê hương, mang theo cái máy ảnh, chụp lại những buồn vui dọc đường, và rải thương nhớ vào những trang văn.

Như lời đề từ trong cuốn sách “Gởi thương về Huế” do Trung tâm nghiên cứu Quốc học xuất bản, Võ Quang Yến đã ghi những lời đề từ thật giản dị, chân thành: “Thương mến tặng Liliane, người bạn đời đã biết chịu đựng tôi và đã cùng tôi chia sẻ vui buồn hơn một nửa thế kỷ nay. Thương mến tặng các con, dâu, rể, các cháu nội, ngoại, với niềm hy vọng từ phương trời Tây xa xăm chúng không quên hướng mắt gởi lòng về quê hương ông cha”.

Quê hương bao giờ cũng trong tim nhà khoa học ở nơi viễn xứ.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu