Hội thảo khoa học về biển Đông tại Ba Lan

Võ Văn Long/CTV - Ba Lan
Chia sẻ
(VOV5)- Chiều 3-7, Câu lạc Bộ Lê Quí Đôn cùng Viện khoa học và văn hóa Việt Nam thuộc Đại học Almamer đã tổ chức Hội thảo khoa học về Biển Đông.
(VOV5)- Chiều 3-7, Câu lạc bộ Lê Quí Đôn cùng Viện khoa học và văn hóa Việt Nam thuộc Đại học Almamer đã tổ chức Hội thảo khoa học về Biển Đông.

Đến dự buổi Hội thảo có nhiều nhà nghiên cứu về biển Đông của Ba Lan và Việt Nam, lãnh đạo Viện Khoa học và văn hóa Việt Nam, Câu lạc bộ Lê Quí Đôn cùng nhiều thính giả Ba Lan, Việt Nam  tới dự. Trong số các thính giả Ba Lan có một số quân nhân đã từng tham gia phái đoàn giám sát thi hành hiệp định đình chiến Genever 1954.

Đại sứ Phạm Kiến Thiết và một số cán bộ Đại sứ quán cũng đến dự Hội thảo.

Hội thảo khoa học về biển Đông tại Ba Lan - ảnh 1

Toàn cảnh Hội thảo.

Hội thảo khoa học về biển Đông tại Ba Lan - ảnh 2

Bàn thư ký ( bên phải) và bàn của những người có tham luận tại Hội thảo.

Tại buổi Hội thảo, sau lời khai mạc của Tiến sĩ Đào Duy Tiến, phó chủ tịch Câu lạc bộ Lê Quí Đôn và dưới sự điều khiên của anh Lã Đức Trung, Viện khoa học văn hóa Việt Nam, các diễn giả đã lần lượt đọc tham luận của mình.

Mở đầu buổi hội thảo, chị Nguyễn Thái Linh, một chuyên gia về biển Đông đã đọc bản tham luận trong đó nêu rõ những căn cứ lịch sử, pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, đồng thời nhắc lại những cuộc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa  và mới đây là việc hạ đặt giàn khoan HD981 trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Bản tham luận cũng nói rõ sự vô lý của đường 10 đoạn mà Trung Quốc dựng lên bao trọn gần hết biển Đông và vấn đề tranh chấp biển đảo của các nước với Trung Quốc trong quần đảo Trường Sa.


Có 7 diễn giả Ba Lan đã đọc tham luận. Giáo sư Małgorzata Pietrasiak, trường Đại học tổng hợp Łodz nhấn mạnh về tính chất quan trọng của khu vực này. Đây không chỉ là đường giao thông hàng hải quan trọng mà tầm quan trọng kinh tế cũng rất cao, bởi vỉ không chỉ giàu có về nguồn cá mà có cả dầu khí. Ngoài ra vùng biển này cũng đóng vai trò tạo ra sự an toàn cho cả khu vực. Hiện nay, rất khó tìm ra được một giải pháp thích hợp. Nguyên nhân chủ yếu là do phía Trung Quốc, bởi vì là họ vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc và Luật Biển. Trung Quốc đang tự cho mình là một cường quốc, quá mạnh so với các quốc gia còn lại. Nhưng dù sao thế giới đang mong các bên tìm ra được một giải pháp hòa bình cho vấn đề này.

Ông Rafał Tomański, biên tập viên báo Rzeczpospolitej nhấn mạnh về vấn đề là Trung Quốc đang "bắt nạt” Việt Nam và Việt Nam đang bị thiệt hại nhiều. Philippin cũng đang mạnh mẽ phản đối Trung Quốc. Bởi vì không thể chấp nhận chuyện xây dựng căn cứ quân sự hay những đảo nhân tạo ở khu vực này, gây ra sự bất ổn định lâu dài.

Hầu hết các tham luận của các diễn giả Ba Lan nêu ra những dẫn chứng thuyết phục khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông và phản đối hành động của nhà cầm quyền Trung Quốc.

Các tác giả đều đi đến kết luận: Trung Quốc đang lớn mạnh, nhưng có điều chắc chắn là thế giới lớn hơn Trung Quốc nhiều.

Hội thảo khoa học về biển Đông tại Ba Lan - ảnh 3

Ông Nguyễn Văn Thái giới thiệu hai quyển bản đồ quí.


Cũng tại buổi Hội thảo, ông Nguyễn Văn Thái giới thiệu với thính giả hai quyển bản đồ do nước Đức xuất bản vào năm 1896 và 1929. Trong hai quyển bản đồ này thể hiện lãnh thổ của Trung Quốc cực Nam là đảo Hải Nam và không có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hai quyển bản đồ này do anh Nguyễn Đức Thanh, tham tán thương mại Đại sứ quán trong 3 năm tìm kiếm và mua được ở Wrocław và Poznań. Đây là 2 tập bản đồ quí hiếm, "sắp tới chúng tôi sẽ tặng 2 quyển bản đồ này cho Ủy ban biên giới, Bộ ngoại giao”, anh Nguyễn Đức Thanh nói.

Hội thảo khoa học về biển Đông tại Ba Lan - ảnh 4

Đại sứ Phạm Kiến Thiết phát biểu ý kiến.

Hội thảo khoa học về biển Đông tại Ba Lan - ảnh 5

Chụp ảnh lưu niệm sau khi kết thúc Hội thảo.


Phát biểu tại buổi Hội thảo, Đại sứ Phạm kiến Thiết đánh giá cao kết quả cuộc hội thảo: "Đây là cơ hội để các học giả trao đổi thông tin, chứng cứ lịch sử về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.  Đại sứ đánh giá cao các bản tham luận và sẽ tham khảo các tham luận để bổ sung vào việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh hải Việt Nam, Đại sứ cũng gửi lời cám ơn Trường đại học Almamer và CLB Lê Quí Đôn đã tổ chức thành công buổi Hội thảo có ý nghĩa này./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu