(VOV5) - Hội thảo du học là một trong 4 dự án mùa hè 2016 mà VietAbroader – tổ chức của các du học sinh tại Mỹ triển khai tại Việt Nam. Với chủ đề “Cất cánh”, hội thảo năm nay tập trung vào 3 chủ đề chính là quá trình nộp đơn, cách chọn trường và cuộc sống đại học tại Mỹ. Các diễn giả - chính là những du học sinh đã mang đến cho Hội thảo một cái nhìn toàn cảnh về quá trình từ khi chuẩn bị cho đến những vấn đề đa dạng trong môi trường sống và học tập ở Mỹ. Và quan trọng hơn, Hội thảo đã theo sát mục tiêu “Truyền lửa cho tuổi trẻ Việt Nam” mà VietAbroader luôn hướng tới từ những ngày đầu.
|
Ban tổ chức Hội thảo du học VietAbroader 2016 miền Bắc |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
“Khi còn học cấp 3, tôi đã tham gia Hội thảo VA với tư cách là 1 người tham dự. Tôi đã nghe những chia sẻ rất có ích và truyền cảm hứng của các anh chị du học sinh. Những chia sẻ này đã giúp tôi rất nhiều trong quá trình chuẩn bị đi du học cũng như quá trình học tập bên Mỹ. Tôi thực sự muốn là 1 phần của VA, tiếp tục truyền lửa cho các em lứa sau. Và không chỉ mình tôi mà còn nhiều bạn khác cũng muốn giúp các em vượt qua quá trình khó khăn khi chuẩn bị du học Mỹ…”
Đó là lời tâm sự của Nguyễn Thùy Anh, cô sinh viên năm thứ hai trường Trinity College, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo du học VietAbroader 2016 miền bắc. Cũng với những suy nghĩ như vậy mà các thành viên khác trong Ban tổ chức của Hội thảo du học VietAbroader đã dành trọn vẹn mùa hè năm nay cho những hoạt động của nhóm. Bởi để có một ngày hội thảo trọn vẹn, các bạn đã phải làm việc tích cực từ khi còn ở bên Mỹ và đặc biệt là khi tất cả cùng về nghỉ hè tại Việt Nam.
Trước ngày hội thảo chính, các thành viên trong ban tổ chức cùng với các sinh viên khách mời đã cùng các em học sinh có một ngày Ice-Breaking sống động và vui vẻ. Sự kiện này đã tạo ra sự hiểu biết và gắn kết giữa những người tham gia, ngay từ khi Hội thảo chưa bắt đầu.
|
Các nhà tài trợ cho Hội thảo |
Tại hội thảo năm nay, các khách mời là những du học sinh xuất sắc và thành công trong quá trình nộp hồ sơ tại các trường đại học hàng đầu nước Mỹ, đã chia sẻ những kinh nghiệm về lựa chọn trường, đời sống sinh viên, năm chuyển tiếp, kỹ năng viết bài luận, quá trình nộp đơn… Đó có thể là niềm hứng khởi khi được lựa chọn những môn học mình yêu thích, như tâm sự Lê Anh Thư, Oberlin College: "Tôi đến đây để chia sẻ về những trường cao đẳng nghệ thuật. Thực chất đó là những trường có hệ thống học thuật rất mềm dẻo và cho học sinh nhiều không gian để chọn các môn học và ngành học theo sở thích và theo nhu cầu cá nhân của mình. Vì vậy tôi muốn chia sẻ vì tôi nghĩ rằng đây là hệ thống học thuật cực kỳ có giá trị mà các sinh viên Việt Nam nên có cơ hội thử và cảm nhận. Và càng nhiều người Việt Nam biết về hệ thống học thuật này thì khả năng phát triển của họ sẽ càng lớn hơn".
|
Chia sẻ về quá trình chọn trường |
Đó cũng là điều mà Trần Linh Chi, Đại học George Washington nói tới: "Từ bé đến giờ tôi luôn có niềm đam mê đọc sách, và khi sang Mỹ và tìm được những môn học mình thích như tôn giáo, chính trị, những môn xã hội… Khi đó niềm đam mê học hỏi càng có điều kiện để lớn mãi lên và chưa bao giờ tôi cảm thấy nhàm chán với việc học. Đó là điều tôi muốn truyền cảm hứng cho các bạn, rằng việc học không nhất thiết phải gian nan cực khổ, mà học có rất nhiều ý nghĩa khác nhau khi mình có niềm đam mê".
Linh Chi cũng chia sẻ những câu chuyện cá nhân, rất cụ thể và gần gũi mà có lẽ không ít du học sinh cũng gặp phải: "Cũng có khoảng thời gian tôi sống khép kín, chỉ biết đi học để đạt điểm tốt. Có một câu chuyện là vào tháng 3 năm vừa rồi, khi cơn bão lớn vào Wasington DC và tất cả các trường học đều đóng cửa, các ký túc xá cũng vậy và chúng tôi phải ở trong phòng trong suốt 3 ngày. Tôi đã cùng với 5 người bạn khác cùng phòng phải ở cùng nhau trong một căn phòng rất chật và đó chính là lúc tôi bắt đầu nói chuyện với các bạn. Tôi hiểu rằng các bạn cũng rất gần gũi, có những điểm giống mình, và cả hai bên đều chưa bước qua được sự ngại ngùng để có thể tiếp cận và hiểu nhau hơn. Thế nên tôi muốn chia sẻ rằng các du học sinh Việt Nam nên tự tin hơn, cởi mở hơn để hòa nhập vào cộng đồng du học sinh quốc tế".
|
Thảo luận nhóm |
Những khó khăn mà một du học sinh sẽ gặp phải khi ra nước ngoài cũng là điều được quan tâm nhiều tại Hội thảo. Với những trải nghiệm thực tế khi làm Phó chủ tịch Hội sinh viên quốc tế và trợ lý phòng tuyển sinh của College of Wooster, Vũ Tường Vy chia sẻ: "Khi ở Mỹ, tôi chứng kiến học sinh Việt Nam và các nước khác trải qua những khó khăn như thế nào ở quê người, chủ yếu là về rào cản ngôn ngữ và rào cản văn hóa. Khi mới sang Mỹ, vì mình không quen nói tiếng Anh nên nhiều từ phát âm không chuẩn, rồi nhiều khi không hiểu các bạn nói gì nên các học sinh Việt Nam cảm thấy thoải mái hơn khi chơi với các bạn Việt Nam. Nhưng khi đã vượt qua được khoảng thời gian đó, vẫn giữ được mối quan hệ chặt chẽ với người Việt Nam, đồng thời cố gắng trau dồi vốn tiếng Anh để hòa nhập với các bạn và tìm hiểu thêm về văn hóa của ban, điều đó sẽ giúp ích hơn nhiều".
Tường Vy cũng đề cập những vấn đề cụ thể về cuộc sống học tập tại Mỹ: "Học sinh Châu Á sang Mỹ thường được đối xử như thế nào? Đương nhiêu sự phân biệt này không quá rõ ràng nhưng nó vẫn có, và làm thế nào để phản ứng lại tình huống đó, làm thế nào để vừa vừa giúp mình, bảo vệ nền văn hóa của mình và đồng thời cũng giúp được những người đồng hương của mình. Còn về vấn đề học tập, làm thế nào khi nghe giảng mà không hiểu, làm thế nào để thân với Giáo sư, làm thế nào giữ được điểm cao mà vẫn tham gia hoạt động ngoại khóa… những cái đó giúp các em rất nhiều".
|
Quang cảnh Hội thảo |
Học sinh Việt Nam không chỉ học giỏi mà còn phải được đánh giá cao trong các hoạt động ngoại khóa. Đây cũng là một “lời nhắn nhủ” mà các du học sinh muốn gửi gắm tới các thế hệ tiếp sau. Vừa đạt thành tích cao trong học tập, vừa là Phó chủ tịch câu lạc bộ bóng đá nam và thành viên Hội đồng quản trị CLB đầu tư của trường, Nguyễn Đức Hòa, Lafayette College nhấn mạnh đến việc giữ bản sắc Việt khi ra nước ngoài: "Mỗi người Việt khi đi du học thì thường nghĩ là mình chỉ đi để học thôi. Nhưng thật ra mình đang đại diện cho cả nền văn hóa và đất nước mình. Một người bạn của tôi nói rằng khi người nước ngoài nhìn vào mình ở nước người ta thì mình chính là Việt Nam đối với họ. Chính vì vậy từng lời nói, từng hành động ứng xử của chúng ta khi ở xứ lạ đều có tầm quan trọng nhất định. Chính vì vậy nên mỗi người Việt khi ra nước ngoài đều có thể đại diện cho nền văn hóa Việt, và làm thế nào để xóa bỏ cái điện kiến có thể là tiêu cực về đất nước chúng ta. Vì vậy trách nhiệm của chúng ta là đại diện cho nền văn hóa và xóa bỏ đi những định kiến, đồng thời là thu hút mọi người đến với đất nước mình".
|
Tìm hiểu về các trường Đại học và Cao đẳng tại Mỹ |
VietAbroader luôn làm phong phú hoạt động của mình bằng các chương trình như Hội thảo nghề nghiệp VietAbroader – khích lệ tinh thần chủ động của thế hệ trẻ Việt Nam và khuyến khích các bạn vượt lên giới hạn bản thân, sẵn sàng trải nghiệm để chuẩn bị cho tương lai; Trại hè tân sinh viên với những chuyên đề thảo luận hay lớp học giả định về cuộc sống học tập và xã hội tại Mỹ; hay cuộc thi thử thách lanmhx đạo iLead khích lệ tinh thần hướng đến cộng đồng của giới trẻ Việt Nam… Cứ như thế, một cộng đồng VietAbroader gắn bó và đa dạng đã góp sức đem lại những điều hữu ích cho lớp trẻ Việt Nam.