Thiên tai, bão lũ đã gây ra những mất mát to lớn cho người dân miền Trung. Và trong khó khăn ấy, mọi người lại xích gần nhau hơn, sẻ chia với nhau để vơi bớt những nỗi đau, sớm trở về cuộc sống bình yên. Chừng nào chưa hết thiên tai, thì khi ấy những hành trình đến với bà con vùng lũ vẫn tiếp tục.
Chị Hồng Shurany (đứng thứ bên phải) cùng bà con làng Tùng Luật tặng quà cho bà con vùng lũ tại trụ sở đồn biên phòng Hướng Lập
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Khởi hành từ sáng sớm, tôi cùng những người con của làng Tùng Luật vượt gần trăm cây số để đến với các xã Hướng Lập, Hướng Việt của huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
Vào một ngày đẹp trời, cung đường với trùng điệp núi rừng, mây vờn trên những đỉnh núi xanh ngút tầm mắt, nhưng cách đoạn lại có một chiếc xe ủi dọn đất đá để xe cộ lưu thông. Cung đường ấy, chỉ tuần trước thôi vẫn còn sạt lở nghiêm trọng, khiến cho gần 4.000 cư dân bị cô lập hoàn toàn.
Đón đoàn tại trụ sở của đồn Biên phòng Hướng Lập, Thiếu tá Trần Thái Sơn, phó đồn trưởng đồn biên phòng cho biết: "Vừa qua, trên địa bàn xảy ra mưa lớn, lũ quét 2 đợt, đường sá bị sạt lở nghiêm trọng nhiều điểm. Địa bàn 2 xã bị cô lập hết. Khi ấy đơn vị và chính quyền địa phương đã khẩn trương hỗ trợ bước đầu, cung cấp cho người dân các nhu yếu phẩm, quần áo, vật dụng sinh hoạt đã bị cuốn trôi. Đến khi thông đường, các cơ quan ban ngành mới vào được, tiếp tục hỗ trợ cho bà con. Các điểm bị cô lập mà ở xa thì đến giờ cũng vẫn chỉ đi bộ, men theo rừng để đưa gạo, mì tôm, thuốc men… vào cho bà con".
Những người dân của vùng Hướng Lập, Hướng Việt - nơi từng bị cô lập bởi lũ quét đứng chờ đoàn tại trụ sở đồn biên phòng Hướng Lập
|
Trên chiếc xe tải chở hàng là hàng trăm gói quà gồm gạo, nước mắm, dầu ăn, bột canh, cá khô…, những chiếc máy phát điện và rất nhiều chăn ấm, quần áo. Đó là những đồ thiết yếu mà bà con ở đây – hầu hết là người Vân Kiều, rất cần sau đợt lũ quét và nhiều ngày bị cô lập.
Hàng trăm gói quà gồm gạo, nước mắm, dầu ăn, bột canh, cá khô…, những chiếc máy phát điện và rất nhiều chăn ấm, quần áo...
|
Để có đợt hàng cứu trợ này, chị Hồng Shurany – người con của làng Tùng Luật đã đứng ra kêu gọi mọi người cùng chung tay, góp sức. Cách đây chừng 1 tháng, chị Hồng tạm biệt gia đình nhỏ ở Israel để bay về Việt Nam. Sau 2 tuần trong khu cách ly theo đúng quy định, chị trở về làng. Tùng Luật của chị là một làng quê yên bình ven sông Bến Hải, nơi gần như duy nhất của Quảng Trị mà những trận lũ lụt không ảnh hưởng tới. Nhưng chị Hồng Shurany đã chứng kiến sự tàn khốc còn ở lại sau khi cơn bão đi qua các vùng lân cận. Và hành trình sẻ chia bắt đầu.
Chị Hồng cùng dân làng Tùng Luật mang cơm vào sẻ chia với bà con vùng ngập nước
|
Chị Hồng chia sẻ: "Khi về, đúng lúc quê hương đang bị lụt. Tôi nói chuyện với bên nhà chồng và cả bên nhà chồng tôi đều gửi tiền về cho tôi đi cứu trợ. Lúc đầu chỉ làm trong phạm vi gia đình thôi, nhưng sau này khi thấy tôi lăn xả với bà con vùng lũ thì bạn bè khắp nơi đã tin tưởng, họ lại tiếp tục gửi tiền về cho tôi đi làm từ thiện. Cho tới hôm nay là đã 15 – 16 ngày tôi đi cứu trợ cho bà con vùng lũ, từ Hà Tĩnh vào Quảng Trị".
Ban đầu, chị Hồng cùng với bà con Tùng Luật nấu cơm và hàng ngày chèo thuyền len lỏi vào từng ngôi nhà còn ngập trong lũ để sẻ chia từng bữa ăn nóng hổi. Từ ngôi làng này, hàng nghìn suất cơm đã đến tận tay bà con vùng ngập nước, giúp họ thêm ấm lòng để chống chọi với thiên tai khắc nghiệt.
"Có nhiều hình ảnh đã ám ảnh tôi, mang cho tôi cảm xúc rất khó diễn đạt. Ví như khi chúng tôi phát cơm buổi sáng, khi bà con vừa trải qua 1 đêm chống lũ. Khi ấy, tôi gặp hai ông bà già trên một căn nhà trơ trọi giữa vùng nước mênh mông, tôi biếu cơm cho ông bà mà nước mắt cứ chảy dài ra vậy…" - chị Hồng kể.
Chị em Tùng Luật nấu cơm để sẻ chia với bà con vùng lũ
|
Tiếp sau những suất ăn kịp thời đó, chị Hồng lại cùng các thành viên trong làng mua đồ cứu trợ để đến với các vùng sâu, vùng núi của Hà Tĩnh và Quảng Trị. Chị bảo, càng đường núi khó đi thì chị lại càng muốn đến, bởi ở đó người dân thực sự thiếu thốn và cần sự sẻ chia hơn lúc nào hết. Và thật may mắn khi bên cạnh chị luôn luôn có sự đồng hành của gia đình chồng ở Israel, cũng như dân làng Tùng Luật thân thương.
Chị Dương Thị Loan, chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Tùng Luật cho biết: "Từ khi bị lũ lụt, chúng tôi tổ chức trong làng quyên góp được 150 triệu để nấu cơm chia cho bà con vùng lũ. Sau đó chúng tôi đi tặng quà cho xã Vĩnh Long, lên Hướng Lập, Hướng Hóa và đi Tà Rụt, với tổng số khoảng 500 suất quà".
Những chiếc chăn làm ấm lòng người nhận
|
Việc cứu trợ các vùng lân cận có sự góp sức của toàn bộ bà con trong làng, như lời chị Lê Ánh Nguyệt: "Trong lúc lũ lụt hoạn nạn, đúng lúc đó chị Hồng về. Chị Hồng đứng ra kêu gọi mọi người trong làng chung tay với chị để giúp đỡ bà con vùng lũ. Tôi cũng cố gắng cùng với chị giúp mọi người đang gặp khó khăn".
Đoàn cũng đến tận nhà thăm hỏi, tặng quà những gia đình neo đơn
|
Còn ông Nguyễn Hữu Chung chia sẻ: "Kể không hết đâu. Bắt đầu từ ngày mưa bão đến giờ, người dân làng Tùng Luật từ già đến trẻ đều rất quan tâm, chia sẻ tình cảm của mình với bà con vùng lũ. Trong đợt này, Hồng là một trong những thành viên tích cực nhất. Hồng từ Israel về đây, cùng với bà con đi chia sẻ tình cảm với đồng bào vùng lũ. Trong các phong trào từ thiện, Hồng rất nhiệt tình. Tôi đi là bỏ chút công sức thôi, còn Hồng thì bỏ cả công sức và tài chính để lo cho bà con".
Đến với bà con Vân Kiều ở Hướng Lập. Thiên tai đã qua, nhưng nhọc nhằn vẫn còn đó...
|
Những ngôi nhà tan hoang lũ quét
|
Người cán bộ xã vẫn bàng hoàng khi kể về mực nước ngập nhà đợt mưa lũ vừa qua
|
Trên đường chúng tôi đi qua, vẫn còn những đoạn nước lũ chảy xiết thế này
|
Nơi đoàn đứng, cách đây vài ngày không phân biệt được đường đi bởi nước ngập tràn qua mênh mông
|
Thiên tai, bão lũ vẫn hàng năm gây biết bao thiệt hại cho bà con ở các tỉnh miền Trung. Khi cơn bão đi qua là những nỗi đau chồng chất, là những thiệt hại nặng nề mà khó khăn lắm mới khôi phục lại được. Chị Hồng tâm sự: "Tôi làm được việc này không thể thiếu người dân quê tôi. Mọi người rất đoàn kết và ủng hộ tôi hết lòng. Vì vậy tôi luôn muốn làm điều gì đó cho quê tôi, dù chỉ là những việc nhỏ thôi…".
Cùng đồng hành với chị Hồng Shurany, với những thành viên của làng Tùng Luật trong một hành trình không dài nhưng đã cho tôi đầy ắp cảm xúc và ấn tượng sâu đậm, bởi những tình cảm ấm áp mà chúng ta dành cho nhau – trong hành trình thiện nguyện không bao giờ dừng lại.