Gói bánh chưng giữ hương vị ngày Tết nơi phương xa

Lan Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Bà Phạm Quỳnh Nga, kiều bào Đức, bày tỏ: "Mỗi khi gói bánh chưng, chúng tôi nhớ nhà, nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ gia đình vô cùng".

Vào ngày Tết cổ truyền của dân tộc, người Việt thường hay đặt bánh chưng trên ban thờ gia tiên. Nhiều người Việt ở nước ngoài cũng mang theo phong tục ấy sang nước sở tại. Ở CHLB Đức, bà Phạm Quỳnh Nga, sinh sống tại Berlin, được biết đến là người gói bánh chưng vừa nhanh, vừa khéo và đều tăm tắp. Bà được nhiều người đặt một cái tên thân thương Nga bánh chưng.

Gói bánh chưng giữ hương vị ngày Tết nơi phương xa - ảnh 1Bà Phạm Quỳnh Nga, bìa trái, và bà con kiều bào bên những chiếc bánh chưng xanh.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
 
 

Phóng viên: Thưa bà, bà có thể kể về thời gian trước đây tham gia gói bánh chưng tại CHLB Đức phục vụ bà con cộng đồng vào dịp Tết Nguyên đán?

Bà Phạm Quỳnh Nga: Tôi là một phật tử. Theo truyền thống của gia đình, mẹ tôi theo đạo Phật, khi sang CHLB Đức, tôi đã vào chùa Phổ Đà và quy y với pháp danh là Quảng Huệ Châu. Chính vì thế, mỗi khi Tết đến, tôi thường phát tâm vào chùa Phổ Đà để gói bánh. Khoảng 15 năm nay, mặc dù đã sang nghề khác, tôi không còn gói bánh chưng để bán nữa nhưng vào dịp Tết, tôi vẫn hay vào chùa Phổ Đà để gói bánh chưng. Tất cả những bà con Phật tử vào phát tâm gói bánh công đức, không ai lấy tiền công.

Phóng viên: Tâm trạng của một người con xa quê khi gói bánh chưng ở nơi phương xa như thế nào, thưa bà?

Bà Phạm Quỳnh Nga: Cứ mỗi dịp Tết đến bà con Phật tử lại tổ chức gói bánh chưng trong chùa Phổ Đà. Bà con vào chùa rất hân hoan. Góc thì gói bánh, góc thì lau lá, góc thì vo gạo, góc thì thổi đỗ và góc khác thi gói bánh. Chúng tôi nói chuyện với nhau, chia sẻ những kỷ niệm về Tết quê hương. Khi ấy trào dâng nhiều cảm xúc vì Tết đến, chúng tôi nhớ nhà, nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ gia đình vô cùng.

Gói bánh chưng giữ hương vị ngày Tết nơi phương xa - ảnh 2Bà Phạm Quỳnh Nga gói bánh chưng bằng tay, không cần khuôn, nhưng chiếc nào cũng vuông vắn và đẹp.

Phóng viên: Bà có thể kể một số hoạt động tham gia gói bánh chưng cùng cộng đồng người ở Đức?

Bà Phạm Quỳnh Nga: Là một nhà báo, tôi thường xuyên có mặt tại các sự kiện, đặc biệt là ở các ngôi chùa trong dịp Tết. Cũng là một niềm rất vinh dự, tại đêm hội bánh chưng do chùa Phúc Lâm tổ chức, tôi được mời biểu diễn gói bánh chưng và trình bày trước tất cả bà con. Nhiều người đã xem video về cách gói bánh chưng hai lá của tôi tại đêm hội bánh chưng, về nhà, họ có thể gói bánh chưng được. Điều đó tạo cho tôi niềm vui rất lớn.

Bằng nghề hội nhập khi mới sang Đức là nghề gói bánh, nghề này đã mang lại cho tôi nhiều vinh dự. Tôi đã được Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức tặng nhiều giấy khen và được cộng đồng gọi là Nga bánh chưng tại CHLB Đức. Một điều vinh dự nữa là trong một sự kiện vào dịp Tết, tôi đã được cựu đại sứ Đoàn Xuân Hưng và bà con cộng đồng gọi tôi là nghệ nhân gói bánh chưng tại CHLB Đức. Đấy là một điểm rất vinh dự.

Chiếc bánh chưng do Nga gói đã được nhiều người biết đến, sang cả nhiều nước ở châu Âu trong đó có Cộng hoà Séc. Tôi cũng đã từng sang Cộng hoà Séc biểu diễn gói bánh chưng cho mọi người xem và hướng dẫn cách gói bánh chưng hai lá. Rất là vui.

Gói bánh chưng giữ hương vị ngày Tết nơi phương xa - ảnh 3

Phóng viên: Việc giữ gìn phong tục của quê hương đặc biệt là những phong tục trong ngày Tết đã được cộng đồng người Việt ở CHLB Đức thực hiện như thế nào, thưa bà?

Bà Phạm Quỳnh Nga: Mặc dù bận mưu sinh nhưng hàng năm cứ mỗi dịp Tết đến, bà con Phật tử đến chùa để lễ Phật, đặc biệt có nhiều cháu thanh thiếu niên theo bố mẹ đến chùa và tham gia những chương trình văn nghệ. Các cháu sinh ra tại CHLB Đức nhưng được học tiếng Việt nên các cháu hát múa, biểu diễn bằng tiếng Việt trong những tà áo truyền thống của Việt Nam rất đáng yêu.

Gói bánh chưng giữ hương vị ngày Tết nơi phương xa - ảnh 4

Tết đến, chúng tôi nhớ nhà lắm. Đến chùa cúng Phật, lễ Phật, thưởng thức bánh chưng. Phút giây  đó rất nhớ nhà, không thể về được, lại khóc.

Việt Nam và Đức cách nhau 6 tiếng. Việt Nam là 12 giờ đêm thì ở Đức là 6 giờ tối. Bản thân Quỳnh Nga đều chuẩn bị trước ở nhà một mâm cơm thắp hương. Năm nào tôi cũng làm một mâm cơm có đầy đủ tất cả các món ăn quê hương, không thiếu một món gì trong dịp Tết. Và sau đó thì tôi đến chùa.

Phóng viên: Xin cảm ơn bà.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu