Là một nhạc viện nổi tiếng của Nga, đặc biệt là trong lĩnh vực đào tạo thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Gnesinye (mang tên dòng họ Gnesinyi) đã đào tạo không biết bao nhiêu thế hệ ca sỹ, nhạc sỹ, nghệ sỹ tên tuổi cho nước Nga và nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều nghệ sỹ của Việt Nam cũng từng tốt nghiệp đại học hoặc cao học ở đây và sau này trở thành những nghệ sỹ, giảng viên rất xuất sắc. Họ cũng đạt nhiều thành tích ngay từ khi còn theo học ở đây… Trong số họ có ca sỹ, giảng viên thanh nhạc Phương Mai và ca sỹ, giảng viên thanh nhạc Tùng Lâm. Cả hai đều là giảng viên của Đại học Văn hóa – Nghệ thuật Quân đội, và đã nên duyên vợ, chồng khi cùng công tác trong môi trường nghệ thuật ấy.
|
Phía cổng ra vào hàng ngày của hàng nghìn sinh viên các bộ môn âm nhạc tại học viện
|
Phương Mai, được biết đến là người đoạt Giải Nhất cuộc thi hát Thính phòng - Nhạc kịch lần thứ 4 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kết hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức vào năm 2009. Rồi, khi sang Nga tu nghiệp cao học tại Nhạc viện Gnesinye, cô còn tham dự và trở thành ca sĩ Việt Nam đầu tiên giành giải Nhì Cuộc thi hát cổ điển quốc tế “Concours Mùa thu” lần thứ 14, mang tên nhạc sỹ thiên tài Nga Rachmanninov, diễn ra tại Matxcơva, năm 2013. Đây là cuộc thi vô cùng uy tín được tổ chức 3 năm một lần và việc nữ ca sĩ Phương Mai giành giải Nhì khi đó được đánh giá là niềm tự hào lớn cho nền âm nhạc “bác học” của Việt Nam. Ở cuộc thi năm ấy, giải Nhất và giải Ba đều thuộc về 2 thí sinh người Nga.
|
Ca sỹ - Giảng viên thanh nhạc quân đội Phương Mai trong một giờ luyện giọng với bà giáo Dmitrievna
|
Còn Tùng Lâm từng là một thí sinh của giải ca nhạc “Sao Mai”, cũng là một cuộc thi lớn ở Việt Nam và anh đã khá nổi tiếng với nghề ca hát và người dẫn chương trình ca nhạc từ khi còn công tác tại “Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ Việt Nam” nay là “Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam”, trước khi về “đầu quân” cho Đại học Văn hóa – Nghệ thuật Quân đội.
Mang theo “hành trang” ấy của mình đến với nước Nga, hai vợ chồng Mai - Lâm lại được học ở Học viện Âm nhạc Gnesinye danh tiếng, với một bà giáo có trình độ sư phạm cao và cũng là một nghệ sỹ lớn của Nga, bà Natalia Dmitrievna, nên tiếp tục phát triển tốt khả năng của mình. Giáo sư Temirlan Djandarov, Nhà hoạt động nghệ thuật Công Huân Nga, Nghệ sỹ Nhân dân nước Cộng hòa Đaghestan (Nga), Lãnh đạo 5 khoa chuyên môn, trong đó có khoa Thanh nhạc, chỉ huy và phụ trách công tác đối ngoại của Nhạc viện Gnesinye cho biết những nguyên tắc rất nghiêm ngặt để một người được vào học tại đây, đó chính là những thành tích “tối thiểu” như của Mai và Lâm. Ông cũng đánh giá cao thành tích của 2 vợ chồng Mai - Lâm và nhận xét:
“Tôi vẫn so sánh thế này: các ca sỹ giỏi như một viên kim cương thô, một món quá tặng của trời… thế nhưng nó sẽ chỉ là một viên kim cương thô như thủy tinh thôi nếu vẫn cứ để thô như thế. Nếu ta chế tác, ta rèn rũa nó thì nó trở thành một vật rất quý giá. Ca sỹ Mai của các bạn cũng như thế và cô ấy đến đây như một viên kim cương thô mà giờ đây đã trở thành một viên kim cương lấp lánh. Tùng Lâm cũng vậy và chúng tôi hy vọng con cái của họ sau này cũng sẽ tới đây học tập. Tôi tin rằng, khi trở về Tổ quốc của mình, các bạn sẽ mang theo về những trình độ học thuật cao ở trường chúng tôi để sử dụng trong công tác của mình”.
|
Bà giáo Dmitrievna rất tình cảm nhưng cũng rất nghiêm khắc với các học sinh của mình, trong đó có vợ chồng Mai - Lâm, những sinh viên Việt Nam đầu tiên mà bà rèn cặp ở Học viện.
|
Chúng tôi đã được chứng kiến một giờ lên lớp của hai vợ chồng Mai và Lâm cùng bà giáo giỏi bên cây đàn piano lớn… Họ tập trung, chăm chú luyện tập từng kỹ năng lấy hơi, mở khẩu hình, đẩy, nén âm thanh… với những cao độ, trường độ hết sức tinh tế, tỉ mỉ… Bà giáo Natalia Dmitrievna, người trực tiếp đào tạo cả hai vợ chồng Mai - Lâm là một nhà sư phạm rất giỏi. Bà là Trưởng khoa Thanh nhạc của Nhạc viện, nhưng vẫn tham gia công tác đào tạo sinh viên Nga và sinh viên các nước. Hai vợ chồng Lâm – Mai là hai sinh viên Việt Nam đầu tiên mà bà rèn cặp mấy năm nay. Bà rất hài lòng với kết quả mà cả hai học trò “cưng” của bà vừa đạt được. Bà Natalia Dmitrievna nói:
“Điều rất quan trọng là chúng tôi đã có được sự thấu hiểu lẫn nhau. Khi đến với tôi, các em lập tức hiểu ngay những gì tôi đặt ra và đề nghị thực hiện. Chỉ khi một giảng viên và học viên của mình hiểu nhau, cùng nhau nỗ lực hết mình thì khi ấy mới có thể gặt hái thành công. Họ đã trưởng thành rất nhiều và đã giành giải thưởng lớn”.
|
Quà lưu niệm cùng bằng Giải Nhất của Tùng Lâm và thư cảm ơn người đã hướng dẫn anh trong cuộc thi hát Cổ điển mang tên Shubert tại Moskva hồi cuối tháng 3, đầu tháng Tư này.
|
Khi biết có cuộc thi Âm nhạc Quốc tế lần thứ 5 dành cho giáo viên tại Vacsava, Balan, dù thông tin đến hơi muộn, nhưng cả hai vợ chồng quyết định cùng đăng ký tham dự và phải vượt qua không ít khó khăn về các thủ tục bắt buộc. Họ biết, đây là cuộc thi rất danh giá, được tổ chức hàng năm ở Balan. Cuộc thi năm nay có 35 thí sinh đến từ các nước Balan, Nga, Ucraina, Việt Nam, Belarút, Latvia, khối các nước Liên minh Châu Âu… Ban giám khảo cuộc thi là 8 vị giáo sư, nghệ sỹ nổi tiếng của Balan, Nga, Sec, Mỹ, Ucraina, Latvia. Đăng ký thi rồi, cả hai vợ chồng gấp rút chọn bài, luyện tập … và để đến được với cuộc thi họ đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ bà giáo, từ các cơ quan chủ quản và nhiều đơn vị khác, trong đó có cả những người đồng hương Việt Nam ở Nga, ở Balan… Cuối cùng, không phụ lòng tất cả, họ đã giành giải cao: Tùng Lâm giải Nhất, Phương Mai giải nhì bảng thanh nhạc.
|
Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi âm nhạc quốc tế ở Balan mà Tùng Lâm đoạt giải Nhất, Phương Mai đoạt giải Nhì.
|
Nói về kết quả Cuộc thi, Tùng Lâm khẳng định: “Trước hết tôi phải nói rằng, chúng tôi đã được học trong một ngôi trường rất có chất lượng và với một bà giáo rất giỏi. Thêm nữa, cuộc thi nào cũng cần có một chút may mắn và ở cuộc thi này chúng tôi đã có phần may mắn đó. Bởi tham gia cuộc thi là 35 thí sinh đến từ các nước cũng đều rất giỏi. Họ ở những lứa tuổi rất khác nhau, từ những giáo viên trẻ, mới ra trường đến những người nhiều tuổi hơn. Tham gia cuộc thi chúng tôi đã được học hỏi rất nhiều những kinh nghiệm và sự hiểu biết của các bạn”.
|
Tùng Lâm trình diễn tại Cuộc thi "Âm nhạc Cổ điển Quốc tế" tại Bala.
|
Cũng ngay trong tháng Tư, trước cuộc thi đó mấy hôm, Tùng Lâm đã tham dự một cuộc thi khá danh tiếng của Nga là “Âm nhạc Cổ điển Quốc tế” lần thứ 21, vinh danh Nhạc sỹ thiên tài Shube (Franz Schubert), tổ chức tại Mát-xcơ-va từ 28/3 đến 4/4 và tại đây, Tùng Lâm đã đoạt giải cao nhất của cuộc thi. Niềm hạnh phúc như gấp bội khi cả hai vợ chồng vẫn quyết tâm “mang chuông đi đánh xứ người” ở tận Balan và kết quả cũng thật mỹ mãn. Phương Mai chia sẻ:
“Mục tiêu của chúng tôi là muốn học được những kiến thức sư phạm tốt của trường Gnesinye, bởi đây là một trường hàng đầu về âm nhạc cũng như phương pháp sư phạm. Chúng tôi muốn mang những kinh nghiệm trong phương pháp sư phạm của trường Gnesinye về trường Đại học Văn hóa – Nghệ thuật Quân đội để giảng dạy. Trong thời gian học tập ở đây, chúng tôi cũng rất muốn tham gia các cuộc thi để có thêm dịp cọ sát và học hỏi thêm kinh nghiệm từ các bạn”.
|
Hai vợ chồng Phương Mai, Tùng Lâm với những năm tháng gắn bó với Nhạc viện Gnesinye.
|
Chỉ còn ít tháng nữa là Tùng Lâm tốt nghiệp khóa học nâng cao với bằng Thạc sỹ, còn Phuong Mai sẽ kết thúc muộn hơn với tấm bằng Tiến sỹ. Hỏi có tiếp tục học lên nữa không thì Tùng Lâm cho biết, có thể chưa thực hiện ngay vì cả hai vợ chồng đang phải xa hai cô con gái sinh đôi bé bỏng rất cần sự chăm sóc của bố, mẹ và nhiều lúc cảm giác không chịu nổi nỗi nhớ, sự lo lắng… mặc dù chúng vẫn đang được ông bà Nội, Ngoại hai bên thay họ chăm sóc chu đáo. Thế nhưng, khi có thể, nhất định Tùng Lâm sẽ trở lại đây để nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn của mình. Và biết đâu, đúng như lời Hiệu phó Nhà trường hy vọng, các con của cặp vợ chồng Mai - Lâm sau này cũng sẽ là những sinh viên giỏi của Việt Nam theo học tại đây