(VOV5) - Đến từ 13 ngôi chùa Việt Nam tại Thái Lan, Đoàn đại biểu các sư trụ trì chùa Việt tại Thái Lan về thăm Việt Nam từ ngày 24-30/3/2017. Hoạt động do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức.
|
Đoàn thành kính vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Sáng ngày 26/3, trong không khí trang nghiêm, Đoàn Phật giáo Thái Lan, các Hòa thượng trụ trì chùa Việt tại Thái Lan cùng đại diện kiều bào đến từ Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Thái Lan đã thành kính vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong nhiều thập niên qua, không chỉ cộng đồng Việt kiều mà cả người dân Thái vẫn còn nhắc mãi với tấm lòng thương yêu và trân trọng về một nhà hoạt động cách mạng có tên là Thầu Chín - bí danh của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh khi Người hoạt động ở Thái Lan. Những tình cảm, kỷ niệm sâu sắc về Người luôn được nhân dân Thái Lan giữ gìn và ngày càng được vun đắp, góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước.
Hòa thượng Phrabrahmapundit, trụ trì chùa Watprayurawongsawat, thành viên Hội đồng Tăng già Thái Lan cho biết: “Tôi rất xúc động khi thấy hàng đoàn người từ các nước khác nhau cùng trật tự xếp hàng vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều đó cho thấy tầm ảnh hưởng của Người rất lớn đến cộng đồng thế giới, gắn kết con người từ các quốc gia hướng đến hòa bình trên mọi lãnh thổ. Thái Lan là địa bàn Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sinh sống, học tập và hoạt động cách mạng. Trên tinh thần đó, các Hòa thượng đều nguyện cầu cho mối quan hệ giữa hai nước ngày càng được củng cố và phát triển tốt đẹp”.
|
Đoàn thắp hương và làm lễ cầu siêu trước hương linh của Hòa thượng Bình Lương tại Chùa Hoằng Ân (Quảng Bá) |
Đoàn đại biểu các nhà sư Phật giáo Thái Lan về thăm Việt Nam lần này có 50 người, trưởng đoàn là Đại lão Hòa thượng Thích Kính Chiếu, Tăng trưởng Phật giáo Việt Tông tại Thái Lan, trụ trì chùa Phổ Phước. Ngoài ra, còn có các Hòa thượng là đại biểu Giáo hội Phật giáo Thái Lan, trường Đại học Phật giáo Maha Chulalongkron Rajavidyalaya; các Hòa thượng trụ trì của 13 chùa Việt Nam tại Thái Lan.
Sau khi vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn đã đến thăm Chùa Pháp Vân nằm tại cửa ngõ phía Nam của Hà Nội. Đoàn cũng đến thăm chùa Trấn Quốc, một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Hà Nội và Việt Nam. Từng là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long vào thời Lý và thời Trần với những giá trị về lịch sử và kiến trúc, chùa Trấn Quốc nổi tiếng là chốn cửa Phật linh thiêng.
|
Đoàn thăm chùa Một Cột |
Đặc biệt, Đoàn đã đến chùa Hoằng Ân (Quảng Bá) thăm hỏi sư trụ trì và thắp hương cho Hòa thượng Phạm Ngọc Đạt (hiệu Bình Lương) là Trưởng Việt Tông tại Thái Lan đời thứ 8, người đã cưu mang và che chở cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn Người bị thực dân Pháp lùng bắt. Thật xúc động trong đoàn lần này có Hòa thượng trụ trì chùa Phổ Phước là Đại lão Hòa thượng Thích Kính Chiếu, Trưởng Việt Tông tại Thái Lan đời thứ 11. Đại diện cho các Hòa thượng, Đại đức Thích Thiện Bảo - trụ trì chùa Hưng Thạnh tại Thái Lan - chia sẻ: “Được về đây thắp nén nhang cho người thầy của mình, cảm giác như được trở về nhà, bình yên và an lành; tâm nguyện trong đời được một lần nhìn thấy di nguyện của thầy đã thành hiện thực. Chúc cho các tăng ni Phật tử hai nước sẽ tiếp nối truyền thống của cha ông để gìn giữ những điều tốt đời đẹp đạo cho các thế hệ mai sau”.
|
Đoàn thăm chùa Pháp Vân |
Trụ trì chùa Hoằng Ân - Hòa thượng Thích Đạo Minh cho biết, ông rất xúc động và tự hào khi được đón tiếp các Hòa thượng tại ngôi chùa là nơi an nghỉ của các bậc Hòa thượng, Cao tăng Thạc đức có công trong sự nghiệp bảo vệ và giải phóng đất nước, những tình cảm cao quý đó thật đáng trân trọng. Hòa thượng cũng bày tỏ mong muốn và cầu chúc cho quan hệ Việt Nam - Thái Lan sẽ tiếp tục được gìn giữ và phát huy trong tương lại.
|
Đoàn thăm chùa Trấn Quốc |
Cũng trong thời gian ghé thăm chùa, Đoàn Phật giáo Thái Lan đã quyên góp hơn 30.000 Bạt Thái để chùa Hoằng Ân tu sửa trong thời gian tới.
Tại Thái Lan hiện nay có khoảng 21 ngôi chùa Việt Nam được xây dựng tại 8 tỉnh thành, phân bố trên toàn lãnh thổ. Các chùa của người Việt đều nhận được sự quan tâm bảo trợ của các đời Vua Thái Lan, được Nhà Vua ban tên và sắc phong sư trụ trì. Các chùa như Cảnh Phước, Khánh Vân, Khánh Thọ, Long Sơn… đều là những ngôi chùa cổ, được bà con Phật tử người Việt hoặc các Hòa thượng trụ trì gốc Việt xây dựng cách đây hơn 200 năm. Ngày nay, dân chúng Thái Lan đã tiếp nhận Phật giáo Việt Nam như một tín ngưỡng trên đất nước mình. Không ít người Thái xuất gia trở thành những tu sĩ làm rường cột để truyền bá Phật giáo Việt Nam cho đến hôm nay.
Chùa Phổ Phước do Đại lão Hòa thượng Thích Kính Chiếu trụ trì, còn gọi là Học Viện Tăng Già Phổ Phước và cũng là văn phòng của Việt Tông. Nơi đây thanh quy của thiền môn vẫn đang được gìn giữ nghiêm mật, chư tăng được khuyến tấn tu học, Hòa thượng trụ trì vẫn luôn khao khát tái hiện toàn bộ sinh hoạt của Phật giáo Việt Nam, những gì mà Ngài được học từ các vị tiền Tôn túc.
Để gìn giữ Tiếng Việt, các chư Sa di thường xuyên được Hòa thượng hướng dẫn cách đọc kinh tiếng Việt cho đúng và luôn được chỉnh đốn chính xác; đây là công việc không mệt mỏi của Hòa thượng Tăng trưởng, một tấm gương gìn giữ Phật giáo Việt Nam đáng khâm phục. Cùng với công việc Phật sự, các nhà sư gốc Việt ở Thái Lan tham gia tích cực các hoạt động từ thiện, công tác xã hội là công việc chính của chư Tăng Phật giáo Việt Nam hiện nay tại Thái Lan.