Đem phương pháp y học cổ truyền chữa bệnh tại Ba Lan

Mai Liên
Chia sẻ
(VOV5) - Bà Thu Dung cho rằng nếu bản thân thực sự mong muốn thì sự cống hiến cho đất nước dù ở đâu cũng có giá trị.

Chọn một ngành nghề thích hợp khi lập nghiệp ở nước ngòai là việc rất quan trọng bởi đó là yếu tố quyết định sự thành công trong tương lai. Bà Đỗ Thu Dung, từng là bác sĩ ở bệnh viện Bạch Mai, Hà nội đã chọn Ba Lan làm nơi định cư và sau nhiều năm mưu sinh nơi xứ người với nhiều công việc đã trở lại với nghề chữa bệnh cứu người của mình. Bà Thu Dung cho rằng nếu bản thân thực sự mong muốn thì sự cống hiến cho đất nước dù ở đâu cũng có giá trị.

Nghe âm thanh tại đây:

Gặp bà Đỗ Thu Dung trong lớp Tập huấn giảng dạy tiếng Việt do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức tại Hà Nội giữa mùa thu tháng 8, ấn tượng đầu tiên của với tôi về bà là một phụ nữ nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, giọng nói nhẹ nhàng và luôn nở nụ cười đôn hậu.Tôi nghĩ bà là một cô giáo, nhưng không, ở Ba Lan bà đang hành nghề bác sĩ châm cứu, bấm huyệt.

Bà Thu Dung kể trước đây, tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội chuyên ngành đa khoa, bà vào làm việc tại Viện y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới thuộc bệnh viện Bạch Mai. Năm 1993, bà được mời sang Ba Lan tham gia hợp tác cùng với các đồng nghiệp ở Học viện Quân y trong đề tài nghiên cứu về bệnh nhiễm trùng máu. Sau 3 năm thực tập tại Vác-xa-va, bà trở về bệnh viện Bạch Mai rồi lại quay lại Ba Lan một lần nữa để bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ trong 3 năm tiếp. “ Khi tôi bảo vệ xong luận án Phó tiến sĩ năm 1999, năm 2000 cơ quan gọi tôi về nước, nhưng lúc bấy giờ các con tôi đang học dở ở Ba Lan. Khi sang cùng với còn rất mẹ, các cháu còn rất nhỏ.Nếu về nước thì tiếng Việt của các cháu lại không rành trong khi  tiếng Ba Lan lại rất thành thạo. Trong hoàn cảnh đó, thực sự vì các con mà tôi viết đơn xin được nghỉ hưu chờ vì chưa đến tuổi.”

Đem phương pháp y học cổ truyền chữa bệnh tại Ba Lan - ảnh 1Bà Thu Dung, đứng thứ 5 từ phải qua trái 

Ở lại Ba Lan những năm sau đó, kinh tế gặp nhiều khó khăn hai vợ chồng bà cùng nhiều người Việt khác phải buôn bán kinh doanh để bươn chải cuộc sống và, quyết nuôi con ăn học “đến nơi đến chốn”. Nhiếu năm loay hoay mưu sinh, năm 2002 bà quyết định quay trở lại ngành nghề được đào tạo bài bản, nhưng theo một hướng đi khác.:

“ Để tồn tại lâu dài được ở nơi đất khách quê người thì phải tìm một con đường chắc chắn. Với khả năng bản thân và truyền thống gia đình làm ngành y, tôi quyết định trờ lại Việt Nam học lại nghề nhưng theo chuyên ngành y học cổ truyền, bấm huyệt châm cứu ở Viện châm cứu của lương y Nguyễn Tài Thu để có giấy tờ hợp pháp hành nghề tại Ba Lan. Tôi chọn y học cổ truyền phương Đông trong đó có mảng châm cứu, bởi vì phương pháp chữa bệnh tự nhiên hoàn toàn không dùng đến thuốc tây y được nhiều người Ba Lan và châu Âu rất thích”.

Phòng khám cùng với một số đồng nghiệp người Ba Lan chuyên chữa bệnh bằng bấm huyệt châm cứu kết hợp cùng các phương pháp trị liệu không dùng thuốc khác của Ba Lan. Bà Thu Dung tâm sự càng hiểu về nghề  đông y, bà thấy rằng liệu pháp châm cứu, bấm huyệt có những tác động tích cực trong chữa  trị rất nhiều bệnh bệnh. Trở lại nghề y để kiếm sống, bà còn thấy vui vì đã giúp được nhiều người Ba Lan, người Việt mình chữa bệnh theo cách ít tốn kém nhất. Bởi bà thấy người Việt Nam mưu sinh ở Ba Lan rất vất vả và nhiều người không có bảo hiểm y tế. Đối với bà, những bó hoa tươi thắm, những ánh mắt cám ơn của bệnh nhân luôn là động lực giúp bà thêm gắn bó với công việc cao quý này.Và, chính sự nỗ lực lao động không mệt mỏi của ông bà là tấm gương để các con bà phấn đấu vươn lên thành đạt trong cuộc sống.

“Tôi nghĩ rằng, cuộc đời của tôi có bước ngoặt để đến đời con con cháu đi làm tự lập. Có hai việc mà tôi vẫn nói với các con tôi rằng, các con đi làm ăn lương, nếu các con có khả năng sẽ có tiền để sinh sống. Đồng tiền đó xứng với trí tuệ cũng như sức lực mình bỏ ra. Nếu mình giỏi giang thì đóng góp nhiều hơn. Dù con ở bất cứ nơi đâu thì đó cũng là sự cống hiến cho xã hội. Các con hãy cố gắng làm cho tốt”

Bà chia sẻ dù sống xa quê hương nhưng bà vẫn cảm thấy ấm áp vì bà vẫn tham gia những hoạt động chung cùng các hội đoàn của người Việt, vẫn luôn hướng về Tổ quốc. Và cũng đó là lý do bà muốn được đồng hành cùng những người đi trước trong việc gìn giữ văn hóa và ngôn ngữ dân tộc cho thế hệ con cháu. Sau khóa tập huấn về giảng dạy tiếng Việt ở Hà Nội vừa qua, bà Thu Dung rất vui khi sẽ được tham gia giảng dạy tiếng Việt cho con em kiều bào tại Ba Lan, như một cách đóng góp thiết thực, hữu ích cho cộng đồng xa xứ.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu