Đêm giao lưu thắm tình thày trò Việt - Lào

Mỹ Bình/VOV-Vientiane
Chia sẻ
(VOV5)- Đại sứ quán Việt Nam tại Lào tổ chức buổi giao lưu đúng vào dịp kỷ niệm 21 năm ngày nhà giáo Lào.
(VOV5)- Đại sứ quán Việt Nam tại Lào tổ chức buổi giao lưu đúng vào dịp kỷ niệm 21 năm ngày nhà giáo Lào.


Tối qua (6/10), tại thủ đô Viêng chăn (Vientiane)-Lào đã diễn ra cuộc giao lưu gặp gỡ giữa các thày cô giáo Trường Đại học Quốc gia Lào và các thế hệ lưu học sinh Việt Nam từng học tập tại trường Đại học Quốc gia Lào hiện đang công tác tại các cơ quan đại diện của Việt Nam tại thủ đô Viêng chăn. Tham dự có Ủy viên Bộ chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ giáo dục và thể thao Lào Phăn khăm vị pha văn (Phankham Viphavan). Chương trình do Đại sứ quán Việt Nam tại Lào tổ chức nhân dịp kỷ niệm 21 năm ngày nhà giáo Lào (7/10/1994-7/10/2015).


Đêm giao lưu thắm tình thày trò Việt - Lào - ảnh 1
Các thày cô giáo cùng thế hệ cựu lưu học sinh Việt Nam tại Lào

Thay mặt các thế hệ cựu lưu học sinh, Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ cảm ơn đối với các thầy cô giáo đã dìu dắt, dạy dỗ trong suốt những năm tháng học tập tại trường Đại học Quốc gia Lào. Đại sứ cho biết hiện nhiều cán bộ ngoại giao, cán bộ các cơ quan bên cạnh đại sứ quán, các doanh nghiệp đã từng là học trò của các thầy cô giáo không chỉ đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam mà với công việc hiện nay, các thế hệ lưu học sinh cũng đang góp phần vun đắp và phát triển mối quan hệ đoàn kết truyền thống đặc biệt giữa hai đất nước.

Đêm giao lưu thắm tình thày trò Việt - Lào - ảnh 2
Giao lưu văn nghệ


Thày Khăm Hùng Sẻn ma ni, nguyên trưởng khoa Văn học Ngôn ngữ Lào-Đại học Quốc gia Lào chia sẻ niềm xúc động khi dự cuộc gặp mặt có ý nghĩa này: 
Là một thày giáo tôi rất xúc động khi gặp lại các học trò cũ của mình, giờ đã là những cán bộ, sang làm nhiệm vụ vun đắp và phát triển mối quan hệ Việt Lào ngày càng đơm hoa kết trái. Là thày giáo đã dạy lứa học trò Việt Nam đầu tiên từ những năm 1980, rất xúc động khi gặp lại học trò, họ vẫn chưa quên tôi, nếu là phụ nữ tôi đã khóc rất nhiều. Thày giáo cũng như cha mẹ thôi, khi thấy con cái của mình trưởng thành, có kiến thức, góp phần của mình vào nhiệm vụ chung của hai đất nước, tôi rất vui mừng, đó là phần thưởng lớn nhất mà những người thày như chúng tôi nhận được.


Chị Nguyễn Thị Hà, Tham tán công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, cựu sinh viên Đại học Quốc gia Lào những năm 1980 rất xúc động khi được gặp lại các thày cô đã dạy dỗ mình hơn 20 năm trước: 
Tôi học ở Viêng chăn hai năm thôi nhưng thời gian đó rất đáng quý, các thày cô Lào gắn bó thân thiết hiền hậu như những người thân, như bố mẹ mình, như người ruột thịt của tôi, thời gian đó rất là khó khăn thiếu thốn, nhưng tình thày trò rất thắm thiết, tình cảm của các thày cô giáo Lào thật quý giá, sâu đậm, nhờ có vốn tiếng Lào mà tôi có thể làm chuyên môn tốt, các thày cô không những có đóng góp cho việc xây dựng con người, truyền đạt kiến thúc cho sinh viên các thế hệ, mà còn có vai trò quan trọng trong việc vun đắp mối quan hệ Việt Lào, vốn tiếng Lào mà tôi học được rất có ích cho công việc của tôi và tôi luôn ghi nhớ công ơn của các thày cô.


Thay mặt các thầy cô tham dự buổi giao lưu, ông Xúc-công-xẻng Xay-nha-lợt (Succongseng Sayaloth)- Giám đốc Đại học Quốc gia Lào, cảm ơn Đại sứ quán Việt Nam tại Lào đã tổ chức buổi giao lưu đúng vào dịp kỷ niệm 21 năm ngày nhà giáo Lào; đồng thời cảm ơn những tình cảm tốt đẹp của các thế hệ lưu học sinh Việt Nam tại Lào dành cho những người thầy của mình.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu