Cộng đồng Việt ở Campuchia chung vui gói bánh chưng, lưu giữ nét văn hóa cổ truyền dân tộc

Văn Đỗ/VOV-Phnom Penh
Chia sẻ
(VOV5) - Không có kỳ nghỉ dài, vẫn phải đi làm, nhưng Tết vẫn luôn là một ngày trọng đại, không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi bà con gốc Việt tại Campuchia.

Đối với bà con, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, trong nhà mà không có bánh chưng hoặc  bánh tét hẳn như sẽ thiếu đi cả cái không khí Tết cổ truyền. Và hôm nay, các gia đình gốc Việt lại cùng nhau tập trung để cùng gói bánh chưng như cách duy trì phong tục ngày Tết - nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt trên đất nước chùa Tháp.

Cộng đồng Việt ở Campuchia chung vui gói bánh chưng, lưu giữ nét văn hóa cổ truyền dân tộc - ảnh 1

Bác sỹ Hoàng Kỳ.

Mấy ngày hôm nay, trên một góc phố nhỏ, đường 217, thủ đô Phnom Penh bỗng trở nên náo nhiệt và rực rỡ hơn mọi ngày. Những tiếng nói rộn ràng, gọi nhau í ới, khuôn mặt ai cũng háo hức, vui vẻ. Người vo nếp, người chuẩn bị lá dong, người làm nhân bánh, người chuẩn bị nồi, củi,… mỗi người một việc để chuẩn bị làm ra những chiếc bánh chưng ngon nhất cho ngày Tết.  

Định cư ở đất nước Campuchia cũng mấy chục năm, con cái sinh ra lớn lên và đã trưởng thành. Nhưng với bà con thì những nét văn hóa Việt vẫn in đậm trong trái tim mỗi người.   

Cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về thì những nỗi nhớ quê hương, kỷ niệm năm xưa được đón Tết cùng ông bà, cha mẹ, người thân lại dâng trào trong tâm tưởng mỗi người, để rồi họ lại nao nức chuẩn bị để cùng nhau đón Tết, duy trì nét đẹp văn hóa của quê hương, giữ gìn bản sắc của dân tộc cho con cháu mình.

Cộng đồng Việt ở Campuchia chung vui gói bánh chưng, lưu giữ nét văn hóa cổ truyền dân tộc - ảnh 2

Cộng đồng người Việt cùng nhau đón Tết Tân Sửu 2021.

Bác sỹ Hoàng Kỳ, một người đã sống và làm việc tại thủ đô Phnom Penh được hơn 30 năm, cho biết: “Năm nay do dịch bệnh Covid 19 nên anh em người Việt làm việc ở đây, cũng như bà con gốc Việt đều không về Việt Nam. Chính vì vậy chúng tôi đã cùng nhau tổ chức chương trình gói bánh chưng nhằm tăng cường tình đoàn kết, gắn bó với nhau và cũng là một cách để lưu giữ văn hóa Việt Nam cho các thế hệ con cháu sau này”.

Dù những món ăn đặc trưng của các vùng miền được các gia đình chuẩn bị để dâng cúng, thắp hương trên ban thờ và mâm cơm ngày Tết phong phú đến đâu cũng sẽ không có được hương vị Tết nếu thiếu bánh chưng. Vì vậy năm nay dù khó khăn trong đi lại, vận chuyển, nhưng bà con nơi đây vẫn cố gắng mang những chiếc lá dong từ Việt Nam qua để gói cùng những hạt gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, hạt tiêu… tạo thành những chiếc bánh vuông vắn, mang trọn hương vị Tết cổ truyền của dân tộc tới các gia đình.

Cộng đồng Việt ở Campuchia chung vui gói bánh chưng, lưu giữ nét văn hóa cổ truyền dân tộc - ảnh 3

Những chiếc bánh vuông vắn được hình thành.

Tại Campuchia, để có được khung cảnh cùng gói bánh chưng, cùng ngồi quây quần bên nhau bên nồi bánh chưng sôi sùng sục như ở nơi quê nhà là rất khó bởi hầu như các gia đình đều sống rải rác khắp nơi. Vì vậy bánh chưng thường được gói, luộc ở nhà riêng có điều kiện đun nấu hoặc một số nhà hàng rồi giao lại theo đặt hàng của những đơn vị tổ chức Tết chung cho cộng đồng hoặc các công ty dùng làm quà biếu Tết cho nhân viên.

Cộng đồng Việt ở Campuchia chung vui gói bánh chưng, lưu giữ nét văn hóa cổ truyền dân tộc - ảnh 4Bạn Thạch Hà Thục Hiền mới sang Campuchia được 3 tháng.

Bạn Thạch Hà Thục Hiền, mới sang Campuchia được 3 tháng, chia sẻ: “Đối với em, năm nay là một cái Tết đặc biệt vì đây là lần đầu tiên em ăn Tết tại Campuchia. Em rất hạnh phúc khi được hòa cùng không khí đón Tết nơi đây, em được tham gia gói bánh chưng, chuẩn bị tất niên và đón năm mới... Em thực sự cảm thấy rất vui, như đang được đón Tết ở Việt Nam vậy”.

Đêm khuya, nồi bánh chưng cũng sôi ùng ục, lửa vẫn đỏ hồng lấp ló bên hè phố. Mọi người vẫn tập trung đông đủ để cùng canh lửa, chờ bánh chín và hít căng lồng ngực mùi thơm đặc trưng của những ngày Tết nơi quê nhà. Ký ức đẹp đẽ về từng con phố, làng quê gắn bó, thân thương, những kỷ niệm và những câu chuyện về Tết xưa được ôn lại cùng những người thân trong gia đình… và họ tin rằng Tết cổ truyền của dân tộc sẽ luôn được gìn giữ, duy trì và trường tồn trong đời sống thế hệ kế tiếp của những người con xa xứ.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu