Cộng đồng người Việt tại Ba Lan xây dựng phương án cứu trợ đồng bào chạy nạn từ Ukraine

Quang Dũng/VOV-Paris
Chia sẻ
(VOV5) -  Ba Lan là nơi tiếp nhận đông nhất người Việt từ Ukraine sang lánh nạn trong hơn 10 ngày qua.
Tiếp theo những nỗ lực khẩn cấp ban đầu đón nhận và cung cấp đồ dùng thiết yếu cho bà con, giờ đây, cộng đồng người Việt tại Ba Lan phải lên phương án hỗ trợ lâu dài.

“Chưa ai có kinh nghiệm đón nhận, chăm sóc và giải quyết ngần ấy con người một lúc, bọn mình phải vừa làm, vừa vỡ ra …”,  đó là những chia sẻ thật lòng từ anh Phan Châu Thành – quản trị trang Uwaga (nghĩa là Chú ý) – Cộng đồng người Việt tại Ba Lan - một trong những trang facebook hoạt động hiệu quả nhất trong kết nối, liên lạc và hỗ trợ bà con chạy nạn từ Ukraine sang. Sau chuyến bay đầu tiên chở bà con về nước ngày hôm qua, anh Thành cũng thông báo tổ chức, sắp xếp lại trang facebook để hoạt động quy củ và hiệu quả hơn.

Những ngày đầu tiên, trong tình huống khẩn cấp do xung đột, khi dòng người chạy nạn đổ từ Ukraina sang, trong đó có nhiều người Việt, bà con tại Ba Lan ngay lập tức đã mở rộng vòng tay giúp đỡ. Nhiều người tạm gác công việc hàng ngày; nhiều gia đình dọn dẹp trụ sở công ty, nhà xưởng và nhà riêng để làm nơi tá túc cho bà con; nhiều chị em để lại cửa hàng, công ty cho chồng lo toan, tình nguyện tham gia các hoạt đông cứu trợ ngày đêm; ai có xe thì lên biên giới để đón, đưa đồng bào về…

Cộng đồng người Việt tại Ba Lan xây dựng phương án cứu trợ đồng bào chạy nạn từ Ukraine - ảnh 1

Chùa Nhân Hòa hiện đang quá tải

Ngay từ những ngày đầu, người Việt Nam tại Ba Lan phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam thành lập ngay các nhóm hoạt động chuyên biệt về hậu cần, kết nối liên lạc và tìm hiểu thông tin chính sách của Ba Lan và các quốc gia châu Âu lân cận trong việc hỗ trợ những người chạy nạn chiến tranh. Tuy nhiên, sau hơn 10 ngày triển khai và cuộc xung đột tại Ukraine dự kiến còn kéo dài với nhiều hậu quả nặng nề, thì rất cần các phương án dài hạn và tổ chức sắp xếp bài bản.

“Hiện nay điều bà con lo lắng nhất là vấn đề an toàn. Tuy nhiên, sau khi đã sang Ba Lan an toàn rồi thì câu hỏi đặt ra là tiếp theo sẽ làm gì? Một số đông bà con quan tâm đến việc làm sao về được Việt Nam, vì dù tài sản của họ vẫn còn ở Ukraina nhưng thời gian qua họ đã chịu vất vả, áp lực quá lớn nên họ rất muốn về Việt Nam. Nhưng ở một góc độ khác , một số nước chấp nhận người tị nạn có quốc tịch hay giấy tờ Ukraine, đặc biệt, trẻ con và gia đình. Hiện vấn đề này vẫn đang được cập nhật và việc chúng tôi cung cấp thông tin cho bà con nắm được. Rất mong bà con theo dõi trang báo Quê Việt của Hội người Việt Nam tại Ba Lan để nắm được các thông tin”, ông Trần Trọng Hùng, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan cho biết.

Thời gian đầu, địa điểm đón nhận bà con đầu tiên và đông đảo nhất là Chùa Nhân Hòa – Trung tâm văn hóa Phật giáo người Việt trực thuộc Hội người Việt Nam ở Ba Lan. Tuy nhiên, khi lượt người đến và đi qua chùa lên tới hơn 1.000 người, số người tá túc thường trực lên tới vài trăm, thì hai tầng của ngôi chùa đã quá tải; nhiều vấn đề được đặt ra, nhất là vệ sinh ăn ở…
Hội người Việt Nam tại Ba Lan liên tục họp để có những giải pháp, từ thuê nhà vệ sinh lưu động; kêu gọi và sắp xếp các chỗ ở tại các gia đình, các địa điểm tập trung khác cũng như lên phương án dài hạn đón đưa bà con, hướng dẫn bà con tận dụng tốt các dịch vụ trợ giúp của nước sở tại để giảm bớt sức ép cho cộng đồng ở Ba Lan vốn có nguồn nhân lực và vật lực có hạn.

Cộng đồng người Việt tại Ba Lan xây dựng phương án cứu trợ đồng bào chạy nạn từ Ukraine - ảnh 2

Bà con tá túc tại văn phòng Công ty Pitaya

Hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Việt Nga và anh Nguyễn Văn Lâm, Chủ công ty thực phẩm Pitaya, cho dọn dẹp văn phòng công ty và đã đón nhận khoảng 150 lượt người qua tá túc trước khi di chuyển đến nơi khác hoặc về Việt Nam. Chị Nguyễn Thị Việt Nga chia sẻ: “Chúng em nghĩ đến cảnh bà con sang không có nơi ở, không biết bấu víu vào đâu nên rất thương và quyết định phải làm gì đó giúp đỡ bà con. Trong 3 ngày đầu, hoàn toàn hỗ trợ thực phẩm là huy động từ đồ của công ty em và mua thêm đồ ăn tươi như thịt… và sau đó khi lượng người tới đông và dự kiến sẽ còn dài ngày. Hôm qua, em đã kêu gọi cộng đồng nếu mọi người có thể giúp đỡ những người đang ở đây thêm chút thực phẩm thì có thể mang đến chỗ công ty em”.

Nhận định tình hình hiện nay chưa thể sớm kết thúc, ông Nguyễn Hùng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ba Lan kêu gọi sự hỗ trợ cho cộng đồng người Việt tại Ba Lan để triển khai hiệu quả và lâu dài công tác cứu trợ: “Trong những ngày qua, Hội người Việt cũng như các cơ sở đón tiếp có gặp những khó khăn thách thức nhất định. Rất mong các nhà hảo tâm trong và ngoài nước hỗ trợ bà con và tài khoản của Hội người Việt tại Ba Lan đã đăng công khai trên trang Quê Việt để chung tay giúp hội có thể hoàn thành tốt nhất kế hoạch của mình”

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu