Miền Trung khi những cơn bão lũ đi qua, để lại sau lưng biết bao khó khăn, đổ nát. Bão chồng bão, nỗi đau chồng nỗi đau… Và trong cơn hoạn nạn ấy, người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài lại hướng về khúc ruột của quê hương bằng những sẻ chia thiết thực.
Ngay khi nhận được thông tin về những thiệt hại do bão lũ ở miền Trung, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các cấp chính quyền Trung ương cũng như địa phương Việt Nam, Hội người Việt Nam tại Ba Lan đã ra Lời kêu gọi toàn thể bà con cộng đồng người Việt quyên góp để gửi về ủng hộ trong nước. Sau đó, một Ban điều phối hỗ trợ đồng bào miền Trung bị lũ lụ đã được thành lập, thay mặt cho cộng đồng giải ngân số tiền đã góp được đúng với mục đích đã đề ra.
Hội người VN tại Ba Lan trao quà cho các em nhỏ mồ côi tại Thừa Thiên Huế
|
Trong thời gian từ ngày 17 – 21/11 vừa qua, đại diện cộng đồng người Việt tại Ba Lan đã có hành trình đến với các tỉnh miền Trung, sẻ chia khó khăn với đồng bào vùng lũ. Bà Nguyễn Việt Triều, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan thông tin về hành trình này.
Nghe âm thanh chương trình tại đây:
Sau những đợt lũ quét liên tiếp, con đường từ Thành phố Tam Kỳ đến với Nam Trà My – huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam trở nên khó khăn và nguy hiểm bởi rất nhiều đoạn bị ngập nước và nguy cơ sạt lở. Chiếc xe ô tô gầm cao đôi chỗ như bị dừng hẳn lại bởi những vũng bùn còn chưa khô, đất dẻo quánh dính chặt lấy lốp xe, thử thách tay nghề của người cầm lái.
Đường lên Nam Trà My
|
Dẫn đường cho chúng tôi hôm ấy là Nhật, cán bộ ủy ban huyện đã từng có thời gian dạy học tại Nam Trà My. Nhật kể, mặc dù đã được trải thảm nhựa, nhưng vào mùa mưa, con đường huyết mạch duy nhất dẫn tới Nam Trà My là những câu chuyện “suýt chết” kinh người của cánh lái xe chuyên chạy đường này. Chỉ cần một trận mưa lớn quét núi sạt đất đá xuống đường, tuyến huyết mạch rơi ngay vào tình trạng “cô lập”. Và năm nay, từ chiều 3/11, Nam Trà My gần như đã bị cô lập hoàn toàn do tình hình sạt lở nghiêm trọng chia cắt giao thông tại con đường mà chúng tôi đã đi hôm ấy...
Đường lên Nam Trà Mỹ - vốn là cung đường yêu thích của những người yêu du lịch, nơi xa xác, tan hoang
|
Khi đoàn chúng tôi đến trường mầm non Hoa Mai, vì đúng ngày 20/11 nên các bé được nghỉ học sớm. Cô hiệu trưởng Trịnh Thị Thanh đứng đón đoàn trước cổng, rơm rớm nước mắt dắt chúng tôi xem những gì còn lại sau khi cơn lũ đi qua.
Phòng học ở điểm chính trường mầm non Hoa Mai, nhiều ngày sau cơn lũ đi qua nhưng vẫn còn để lại ngấn nước trên những bức tường
|
Cô Thanh cho biết: "Trường Hoa Mai có 8 điểm trường, 1 điểm trường chính và 7 điểm trường lẻ. Trong những đợt bão lũ vừa qua, trường có nguy cơ sạt lở ở nhiều điểm trường, đến hôm nay học sinh vẫn nghỉ học. Học sinh ở đây phần lớn là người dân tộc Ka Dong, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, cộng thêm bão lũ, tốc mái nhà không có chỗ ăn ở…Nhờ chính quyền địa phương quan tâm cũng đã khắc phục nhưng vẫn nhiều khó khăn lắm. Vì vậy chúng tôi mong mỏi có thêm những sự hỗ trợ để các em có được tấm áo tấm quần để các cháu đi học".
Tại Nam Trà My cũng đã xảy ra những vụ sạt lở đất nghiêm trọng vùi lấp nhà cửa, lán trại, khiến hàng chục người bị vùi lấp. Đã có những ngày, 28.000 người dân Nam Trà My sống trong cảnh không điện, không nước sạch và lương thực dần cạn kiệt. Tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo bằng mọi giá phải băng rừng vào hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân Nam Trà My.
Cũng có mặt ngày hôm đó, cô giáo Võ Thị Sang, Phó hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trà Vân cho biết: "Trong cơn bão số 12, nhà trường đã bị sụp một phòng học, 3 phòng khác đất và nước tràn vào. Điều đáng buồn nhất là trường đã mất 2 em học sinh, khi các em về nhà với gia đình ở trong ngôi làng bị sạt đất, cả làng mất 8 người. Trường hiện có 360 em học sinh, dân tộc Ka Dong, gia đình khó khăn lắm. Nhà nước và một số tổ chức cũng đã đến hỗ trợ cho các em. Hôm nay lại nhận được sự sẻ chia của cộng đồng người Việt ở Ba Lan, tôi rất cảm ơn và trước mắt sẽ dùng số tiền này để sửa lại phòng học cho các em đến lớp được an toàn".
Khu phòng học bị sập bởi lở núi
|
Đoàn tặng quà cho nhà trường ngay trên đống đổ nát
|
Trong hành trình hỗ trợ miền Trung lần này, Hội người VN tại Ba Lan dành toàn bộ số tiền quyên góp được để tặng cho các ngôi trường đã bị thiệt hại do bão lũ ở các tỉnh từ Nghệ An vào tới Quảng Nam. Và Nam Trà My là điểm trường cuối cùng mà đoàn công tác số 1 tới trao tiền hỗ trợ.
Chuyến đi đã để lại nhiều ấn tượng thật khó quên, như lời ông Trần Công Diện, kiều bào tại Ba Lan, vừa hết thời hạn cách ly sau khi nhập cảnh và tham gia hành trình cùng đoàn: "Được ủy quyền của Hội người VN tại Ba Lan, tôi cùng chị Việt Triều đến với đồng bào ở vùng sâu, vùng xa bị thiệt hại do bão lũ, sạt lở. Trên đường đi, xe bị lún do bùn mới nhưng cả đoàn đã rất quyết tâm đi đến tận nơi. Tôi cũng quê miền Trung, nhưng đây là lần đầu tiên được tai nghe mắt thấy những thiệt hại nặng nề của bà con mình. Thực ra, cộng đồng người Việt tại Ba Lan đã nhiều lần ủng hộ đồng bao bị bão lụt ở miền Trung, với phương châm lá lành đùm lá rách. Tôi nghĩ người Việt ở nước ngoài cần chia sẻ và lan tỏa những tình cảm đó đối với người dân bị bão lụt ở trong nước".
Những thiết bị học tập bị hư hỏng nặng...
|
Các cô giáo trong những tà áo dài - quà tặng của VOV5
|
Bà Việt Triều: "Chúng tôi may mắn có sự đồng hành của Ban đối ngoại VOV5. Các bạn đã mang những chiếc áo dài để tặng cho các cô giáo vùng lũ. Và giữa những cảnh tượng tan hoang, bùn đất, sạt lở như thế, có một hình ảnh rất đẹp là các cô giáo mặc những chiếc áo dài dân tộc với đủ sắc màu... Hình ảnh đó để lại một ấn tượng khó quên, bởi nó mang lại một màu sắc tươi mới, một không khí mới để át đi sự u ám của những ngày tháng đã qua. Các cô giáo đã rất vui và xúc động trước sự quan tâm dù nhỏ nhưng rất ý nghĩa này".