Ngày 09/09, Đại sứ quán Việt Nam tại Australia phối hợp với Thương vụ Việt Nam, Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia và Công ty Green Path tổ chức sự kiện “Ngày Nhãn tươi Việt Nam” và lễ phân phối sản phẩm lần đầu tiên ra thị trường tại thành phố Melbourne (bang Victoria).
Bà con người Việt đến siêu thị sớm để được mua những quả nhãn tươi đầu tiên được nhập khẩu vào Australia. - Ảnh: VOV |
Chỉ chưa đầy một giờ đồng hồ sau khi chào bán sản phẩm cho các đại lý hơn 500kg nhãn tươi đã được đăng ký mua hết. Nhãn tươi có xuất xứ Việt Nam đồng loạt xuất hiện trên kệ hàng của 26 siêu thị và cửa hàng bán lẻ tại thành phố Melbourne và một chuỗi siêu thị tại thành phố Adeilaide với giá bán cạnh tranh.
Lô hàng đầu tiên là giống nhãn cổ Hà Nội chín muộn có cùi dầy, ngọt thanh và mùi thơm đặc trưng của nhãn miền Bắc. - Ảnh: VOV |
Phát biểu tại sự kiện, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia Nguyễn Phú Hòa nhấn mạnh Australia là một thị trường có tiêu chuẩn cao đối với các sản phẩm nông nghiệp, song tới nay đã có 4 loại quả tươi của Việt Nam được nhập khẩu vào thị trường này: “Khi chứng kiến quả nhãn của chúng ta được chào đón tại thị trường Australia, tôi rất tự hào và suy nghĩ rất nhiều về người nông dân ở trong nước, những người đã nỗ lực lao động để sản xuất ra sản vật đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe nhất thế giới. Điều này khẳng định Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất ra những sản phẩm có thể đáp ứng tiêu chuẩn cao nhất thế giới. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại, chúng ta càng phải nỗ lực hơn nữa để đưa sản phẩm của Việt Nam đi xa hơn”.
Từ sáng sớm, Douglas Keruish, đại diện Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Australia (đứng giữa) và ông ông Nguyễn Phú Hòa, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia (đứng phía trái ông Douglas) và ông Trần Bá Phúc (đứng phía phải ông Douglas), Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam tại Australia đã có mặt tại chợ đầu mối Melbourne Market để tận mắt đánh giá lô nhãn tươi đầu tiên của Việt Nam được nhập khẩu vào nước này. - Ảnh: VOV |
Trước Australia, Việt Nam đã xuất khẩu nhãn tươi vào nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu (EU).