Trịnh Hoàng Minh, nghiên cứu sinh tiến sỹ chuyên ngành tự động hóa ở Viện Khoa học công nghệ Gwangju, hiện là thành viên của Quỹ Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam tại Hàn Quốc. Vừa cùng đoàn kiều bào ra thăm các cán bộ, chiến sĩ Trường Sa và nhà giàn DK1, anh Trịnh Hoàng Minh ghi lại những xúc cảm mộc mạc của mình khi đến đảo Đá Nam, điểm đặt chân đầu tiên của anh ở quần đảo Trường Sa.
Trịnh Hoàng Minh chụp ảnh cùng một chiến sỹ trên đảo Đá Nam |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Trưa 27/4/2017, sau hai ngày dài đi trên tàu Kiểm ngư 491, tôi háo hức và hồi hộp khi thuyền trưởng thông báo tàu sắp đến đảo đầu tiên. Ở phía xa xa là đảo Song Tử Tây, một đảo nổi nằm ở phía bắc quần đảo Trường Sa. Từ trên tàu, tôi có thể thấy ẩn trong tán lá cây xanh trên đảo là một ngọn hải đăng, một bức tượng lớn, một ngôi chùa nhỏ hướng ra Biển Đông. Đoàn đại biểu kiều bào được chia thành hai nhóm. Một nhóm sẽ thăm đảo Song Tử Tây còn một nhóm sẽ thăm đảo Đá Nam gần đó. Theo phân công của đoàn công tác, tôi đến đảo Đá Nam. Thời gian đi tàu từ đảo Song Tử Tây đến đảo Đá Nam khoảng chừng nửa tiếng. Tôi tranh thủ kiểm tra lại các món quà mà Quỹ Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam tại Hàn Quốc mang tặng đảo, bao gồm một hệ thống máy phát điện năng lượng mặt trời 3KVA, một máy phát điện cơ động từ năng lượng mặt trời và một thùng nhu yếu phẩm. Tôi vừa háo hức với lần đặt chân lên đảo đầu tiên xen lẫn với một chút lo lắng khi nghĩ tới nhiệm vụ của đoàn Hàn Quốc là cần lắp đặt nhanh chóng hệ thống máy phát điện 3KVA tại đảo trong thời gian khoảng một giờ đồng hồ do yếu tố thủy triều.
Đúng hai giờ ba mươi phút, mọi chuẩn bị cho việc dời tàu đến đảo đã hoàn tất. Các thành viên trong đoàn Hàn Quốc gồm anh Giáp, anh Kiên, chị Thi và tôi cùng xuống chiếc xuồng đầu tiên vào thăm đảo. Chiếc xuồng máy lướt trên mặt biển xanh dời tàu, lòng tôi dâng trào cảm xúc hân hoan được lần đầu thăm đảo. Ngoái lại nhìn tàu KN-491, tôi nhìn mọi người trên xuồng và thấy ai nấy đều lặng im, đôi mắt hướng đến ngôi nhà nhỏ nổi lên giữa biển trời bao la. Biển đẹp quá, mênh mông một màu xanh thẫm. Càng lại gần đảo, màu xanh của nước dần chuyển qua màu xanh ngọc. Nước biển trong đến độ nhìn được nền đá san hô. Chiếc xuồng máy rẽ nước, từ từ giảm tốc khi đến gần đảo. Lên đảo, bắt tay và chào hỏi các chiến sỹ, tôi cảm nhận được sự chân thành và nhiệt huyết của các anh dù cho cuộc sống ở đảo chìm thật nhiều gian khổ. Do đảo không có cây xanh, từ sáng đến tối mặt trời thiêu đốt căn nhà bê tông. Nước sạch hoàn toàn không có, chỉ có thể thu từ nước mưa và giữ lại để dùng dần. Điện sinh hoạt của các anh lấy từ năng lượng mặt trời, nhưng phần nhiều ắc quy đã không còn dùng được. Thật khó tưởng tượng ra cuộc sống của người lính đảo, thiếu điện, thiếu nước, nhưng vẫn ngày đêm canh gác, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ đảo. Đời sống trên đảo dẫu thiếu thốn nhưng mọi thứ giữ rất ngăn nắp, trật tự.
Lắp tủ điều khiển máy phát điện mặt trời |
Sau khi thăm không gian sinh hoạt của các anh, chúng tôi bắt tay ngay vào việc lắp đặt máy phát điện. Trèo lên trên mái nhà của đảo giữa trưa để lắp pin năng lượng mặt trời, tôi chỉ kịp dành một phút chiêm ngưỡng cảnh tượng huy hoàng của bầu trời, biển cả và con tàu kiểm ngư đằng xa rồi bắt tay ngay vào việc lắp ráp giá đỡ pin mặt trời. Trời nắng như đổ lửa nhưng ai cũng hối hả khẩn trương. Việc đi dây từ trên tấm pin xuống bộ ắc quy và nghịch lưu gặp chút khó khăn do địa thế. Lúc này, tôi nghe văng vẳng tiếng hát của đoàn văn công cùng các chiến sỹ từ một khu vực sân nhỏ dưới tầng. Tiếng hát giữa đảo nhỏ xa xôi, tiếng hát cất lên từ một sân khấu nhỏ vây quanh là kiều bào, các anh chiến sỹ và biển trời làm tôi thật xúc động. Giá mà đảo lớn hơn một chút, để các anh có một nơi để giao lưu văn nghệ. Giá mà chúng tôi có thể làm được nhiều hơn để giảm bớt sự khó khăn của cuộc sống nơi đây.
Đội tôi lại tiếp tục công việc, từ việc đi dây điện đến phiên lắp điện vào tủ điều khiển và hồi hộp xem công tắc đóng lại. Dòng điện từ mặt trời đã sạc được vào ắc quy, chiếc quạt đã quay sau khi chạy tải thử. Mồ hôi nhễ nhại nhưng chúng tôi ai nấy đều rạng rỡ. Anh sĩ quan phụ trách điện của đảo nói rằng bộ máy phát điện này sẽ ưu tiên dùng cho chiếc tủ bảo quản thực phẩm, để giữ lạnh cá biển mà các anh bắt được làm lương thực.
Các thành viên Quỹ Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam sau khi lắp đặt xong hệ thống pin năng trên mái nhà của đảo Đá Nam. |
Bàn giao xong hệ thống điện thì trên đảo cũng chỉ còn có bốn người khách đội tôi, mọi người đều đã về tàu. Chúng tôi còn bao điều muốn nói với các anh nhưng thời gian sắp hết, cả đội đành vội vàng chụp chung một tấm hình với các anh và lên xuồng dời đảo. Chính vào lúc chia tay này, một anh chiến sỹ đã làm tôi nhớ mãi Đá Nam. Anh chạy vào nhà xách ra một thùng nước mang ra xuồng và nói: “Mọi người vất vả quá, ở đảo không có gì, xin tặng nước để mọi người uống đỡ khát.” Chúng tôi sao dám nhận món quà của anh, vì ai cũng hiểu nước ở ngoài đảo là quý giá đến mức nào. Cả ngày, mỗi người lính đảo chỉ có 9 lít nước cho mọi sinh hoạt cá nhân. Tình cảm qua món quà của anh khiến chúng tôi ai nấy đều cảm động, nghẹn ngào. Đó là món quà quý giá nhất mà cá nhân tôi được nhận từ Đá Nam.
Lưu lại bức ảnh kỷ niệm với các chiến sỹ trước khi về tàu. |
Cả xuồng vẫy tay chào đảo, các chiến sỹ trên đảo cũng đứng vẫy tay chào xuồng. Con xuồng CQ lướt giữa biển xanh, đưa chúng tôi về tàu kiểm ngư KN-491. Qua cảm giác nghẹn ngào chia tay, tôi thấy tự hào và hạnh phúc vì đã tự tay làm một điều có ý nghĩa cho đảo Đá Nam nói riêng và quần đảo Trường Sa nói chung. Ánh điện sáng ở đảo Đá Nam giữa biển đêm sẽ có một phần nhỏ đóng góp từ chúng tôi - Quỹ Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam tại Hàn Quốc.