Chiều 30-8, tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức bế mạc Khóa tập huấn tiếng Việt cho giáo viên Việt Nam ở nước ngoài. Dự tập huấn có ông Mai Phan Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, ông Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, đại diện lãnh đạo Bộ giáo dục đào tạo, các thầy cô giáo Khoa ngữ văn trường Đai học sư phạm Hà Nội cùng 60 thầy cô giáo kiều bào từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Thay mặt các thầy cô giáo kiều bào, cô Phạm Thị Việt, từ Thái Lan chia sẻ cảm xúc được tham dự tập huấn tại quê hương, được sự quan tâm của các ban, ngành, ở Việt Nam đã tạo điều kiện cho các thầy cô giáo kiều bào hoàn thành khóa tập huấn với kết quả tốt nhất. Cô Phạm Thị Việt cho biết:“ Sau đợt tập huấn này, chúng tôi sẽ báo cáo cho Tổng hội Người Việt Nam toàn Thái làm thế nào để mở rộng thêm nữa việc dạy tiếng Việt, chữ Việt và bổ sung áp dụng phương pháp giảng dạy ngôn ngữ cho phù hợp với từng địa phương”.
Ông Mai Phan Dũng,Phó Chủ nhiệm UBNN về NVNONN phát biểu tại buổi lễ |
Cùng với cảm xúc như vậy, cô Trần thị Hồng Hạnh, đến từ vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) cảm ơn các thầy cô giáo trường Đại học sư phạm đã chia sẻ những kiến thức, hiểu biết và kinh nghiệm cho các giáo viên kiều bào, đồng thời có những hoạt động ngoại khóa ý nghĩa và thú vị. Cô Hồng Hạnh chia sẻ:“Đối với chúng tôi, đây là những kiến thức vô cùng quý giá và chúng tôi nhận thức được trọng trách của mình là truyền đạt cho con cháu tại nước ngoài những kiến thức đó, duy trì tiếng việt, chính là duy trì hồn cốt của dân tộc, duy trì bản sắc văn hóa của dân tộc, yêu tiếng việt, yêu văn hóa Việt Nam và yêu đất nước Việt Nam”.
Cô giáo Hồng Hạnh, từ vùng lãnh thổ Đài Loan(Trung Quốc)chia sẻ cảm xúc sau khóa tập huấn |
Phát biểu tại lễ bế mạc, ông Mai Phan Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài khẳng định giá trị của tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngài đồng thời khẳng định, Ủy ban luôn coi trọng công tác này:“ Chúng ta đều biết ngôn ngữ là công cụ truyền tải văn hóa, truyền tải tri thức, nhu cầu kết nối, nhu cầu duy trì tiếng mẹ đẻ, ưu tiên trong công tác của Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. Đặc biệt, đáng quý là sự tham gia của cộng đồng, tình nguyện viên, giáo viên tình nguyện”.
Việt Nam ơi- tiết mục biểu diễn của các cô giáo kiều bào |
Tại buổi bế mạc, các thầy cô giáo kiều bào đã biểu diễn những tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc quê hương, thể hiện mong muốn được gìn giữ tiếng nói dân tộc.