Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga đối đáp trong vở diễn |
Vở cải lương Lục Vân Tiên của nữ nghệ sỹ Trúc Tiên trên sân khấu Studio Raspail Paris, Pháp vừa qua đã gây ấn tượng sâu sắc với công chúng yêu nghệ thuật tại Pháp. Điều đặc biệt, vở cải lương được trình diễn qua phong cách nghệ thuật đờn ca tài tử. Lần đầu tiên một vở diễn dài và hoàn chỉnh được các nghệ sĩ dàn dựng công phu và biểu diễn chứ không phải các trích đoạn như trước đây.
Diễn viên tham gia vở diễn |
Đó cũng là tâm huyết của nghệ sĩ Trúc Tiên và nhóm của chị. Với kịch bản được xây dựng sát với nguyên bản, những làn điệu cải lương tha thiết, câu chuyện cổ của người Việt đã đến với người xem Pháp và cộng đồng người Việt ở đây một cách đầy lắng đọng. Nghệ sĩ cải lương Trúc Tiên chia sẻ: "Trúc Tiên và các bạn đã chuẩn bị vở kịch này từ rất lâu rồi. Trước tiên là phải viết kịch bản và đã phải chuẩn bị từ mấy năm trước, nhưng chúng tôi không có điều kiện gặp nhau.
Ở bên này ai cũng đi làm, không có chuyên nghiệp, nên gặp nhau rất khó, thế nên quá trình chuẩn bị rất lâu, cũng mất mấy năm. Chúng tôi cùng nhau diễn tập trong suốt ba tháng gần đây, tuần nào cũng tập để có được buổi biểu diễn ngày hôm nay, chúng tôi rất vui".
Khán giả Pháp và kiều bào rất yêu thích nhạc dân tộc Việt Nam |
Ông Nguyễn Tài, một khán giả người Việt hiện đang sinh sống tại Pháp bộc bạch: "Với cá nhân tôi thì rất quan trọng, là người Việt thì các nền nếp văn hóa cổ truyền của mình, mà nhất là ở tại nước ngoài thì không được phổ biến như trong nước được. Vì lí do đó nên khi có một anh chị em nào đứng ra tổ chức bảo tồn văn hóa cổ truyền của dân tộc Việt Nam mình thì chúng tôi cũng kêu gọi nhau cùng đến ủng hộ. Tôi rất cảm ơn Trúc Tiên, người trẻ mà biết giữ gìn văn hóa cổ truyền của dân tộc Việt Nam".
Tại buổi tập với những nhạc cụ dân tộc Việt Nam của mẹ con nữ nghệ sĩ Hồ Thụy Trang, những âm thanh đậm tình quê hương Việt qua đàn tranh, đàn nhị, đàn bầu được chị Thụy Trang truyền lại cho thế hệ trẻ với những tâm huyết lưu giữ và phát huy nghệ thuật âm nhạc cổ truyền của dân tộc. Nghệ sĩ Hồ Thụy Trang chia sẻ: "Làm sao để con em chúng ta ở Pháp yêu mến và tìm đến nhạc cụ Việt Nam, điều đó cần đến sự định hướng và giúp đỡ của các vị phụ huynh. Trong gia đình cha mẹ nói tiếng Việt với con thì con mới hiểu ngôn ngữ Việt Nam, mới biết hát tiếng Việt và thích nghe nhạc Việt. Mà khi đã thích nghe thì các cháu sẽ tìm hiểu, học hỏi. Đó là điều mong muốn mà tôi luôn tâm đắc".
Khán giả luôn đến kín hội trường để cổ vũ buổi diễn |
Còn cô bé Thùy An, con gái Nghệ sĩ Hồ Thụy Trang tâm sự: "Tôi muốn âm nhạc Việt Nam cũng như văn hóa Việt Nam được truyền bá rộng rãi hơn và gần gũi hơn với cộng đồng người Việt xa xứ cũng như các con em sinh ra ở nước ngoài, để cùng chung tay gìn giữ văn hóa Việt Nam".
Với những nghệ sĩ Việt Nam tại Pháp, những buổi biểu diễn không chỉ là sự thăng hoa về nghệ thuật mà còn là hoạt động đầy ý nghĩa khi mang đến cho khán giả Pháp những ấn tượng về sân khấu nghệ thuật truyền thống Việt Nam, thể hiện sức sống trường tồn của văn hóa Việt Nam qua sự lưu giữ của nhiều thế hệ người Việt nơi xa xứ.
CTV Trương Lâm Tuyết - Lê Thị Hiệu/VTC10