Trước thông tin về thiệt hại nặng nề do đợt mưa lũ vừa qua gây ra đối với người dân ở các tỉnh miền Trung và miền núi phía Bắc, nhiều tổ chức hội đoàn thể người Việt ở nước ngoài lại phát động chương trình quyên góp“tương thân tương ái” giúp sẻ chia khó khăn cho bà con bị ảnh hưởng tại quê nhà.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Những cảnh tượng tàn phá do liên tiếp gây ra ở khu vực miền Trung, miền núi phía Bắc cùng hình ảnh cơ cực của người dân, một lần nữa thôi thúc cộng đồng người Việt ở Đức phát động đợt quyên góp tiếp theo để gửi về quê nhà. Ngoài khoản đóng góp riêng, chị em tiểu thương ở Trung tâm thương mại Đồng Xuân tại Berlin còn đặt một thùng tiền từ thiện lớn giữa chợ để quyên tiền giúp đỡ bà con miền Trung.
Trung tâm thương mại Đồng Xuân ở Berlin, Đức - Ảnh: Nguyễn Thanh Hòa |
Ông Nguyễn Văn Hiền, Giám đốc TTTM Đồng Xuân, trưởng ban tổ chức vận động quyên góp cho biết, mỗi khi phát đi lời kêu gọi hướng về quê hương, bà con gốc Việt tại Berlin nhất là giới doanh nghiệp luôn tham gia nhiệt tình và đầy đủ.
Bà con tiểu thương trong chợ luôn tham gia đầy đủ các đợt quyên góp từ thiện - Ảnh: Nguyễn Thanh Hòa. |
Năm ngoái, kiều bào Đức đã gửi về nước ủng hộ 4 tỉnh miền Trung là Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh và Quảng Trị số tiền gần 3 tỷ đồng (125 nghìn euro) cùng nhiều suất học bổng toàn phần cho con em miền Trung sang Đức học nghề.
Chị Nguyễn Thanh Hòa, tiểu thương ở chợ Đồng Xuân cho biết bà con luôn dõi theo tình hình bão lũ ở quê nhà - Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Tại Pháp, Hội huynh đệ Âu Á ở Paris thành lập cách đây hơn 50 năm cũng luôn tham gia các hoạt động cứu trợ khẩn cấp những vùng gặp thiên tai ở quê nhà. Đặc biệt 2 năm gần đây, Hội có thêm sự đồng hành của Quỹ học bổng FEA Ketterle dành cho học sinh các vùng khó khăn ở Việt Nam. Mới đây nhất, quỹ đã gửi về hơn 100 triệu đồng giúp một xã ở Hương Khê, Hà Tĩnh sau đợt lũ vừa qua. Chị Sông Hương, sáng lập viên quỹ học bổng FEA Kettele cho biết :
“Quỹ sẽ dành các suất học bổng cúa năm nay cho học sinh các trường trung học ở những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất sau cơn bão số 10 vừa qua. Chương trình được thực hiện vào học kỳ hai và sẽ trao ít nhất 20 suất học bổng, mỗi suất trị giá 1,5 triệu đồng cho học sinh lớp 12 để giúp và động viên các em chuẩn bị tốt cho kỳ thi phổ thông trung học và đại học. Những giúp đỡ thế này là rất nhỏ bé nhưng chúng tôi hy vọng có thể động viên được phần nào tinh thần cho đồng bào mình để vượt qua khó khăn sau cơn bão lũ và ổn định lại cuộc sống."
Số tiền thu được từ các đợt quyên góp sẽ được chuyển vào Quỹ Nhịp cầu Nhân Ái để hỗ trợ nạn nhân lũ lụt (Ảnh UGVF) |
Hướng về vùng lũ tại quê nhà, Cô Thu Dung việt kiều Ba Lan cho rằng những món quà tuy không lớn về vật chất nhưng chứa đựng tấm lòng đáng trân trọng, thể hiện tình cảm, sự quan tâm của những người con nơi phương xa đối với quê hương ruột thịt:
“Tại Ba Lan, phong trào quyên góp rất mạnh mẽ ở các Hội như hội Phụ nữ, hội Người cao tuổi, hội Khiêu vũ và nhiều hội đồng hương khác. Bất cứ khi nào có hô hào quyên góp gì về bão lũ, chất độc da cam, trẻ em khuyết tật ở Việt Nam.. thì, hội người cao tuổi luôn đi đầu cùng với những nhóm từ thiện trong các cuộc vận động kêu gọi quyên góp”
Kiều bào ở tỉnh Hyogo, Nhật Bản tổ chức đá bóng gây quỹ ủng hộ lũ lụt tại quê nhà |
Mặc dù đời sống của nhiều kiều bào ở nhiều nơi còn khó khăn song bà con vẫn nhiệt tình tham gia các đợt vận động quyên góp, dù ít dù nhiều sự sẻ chia của mình. Tìm mọi cách để phát triển quỹ, chị Bùi Thị Oanh, phó chủ tịch Hội người Việt ở thành phố Kobe, Nhật Bản cùng các chị em thường xuyên tham gia, tổ chức các sự kiện cộng đồng ở địa phương để kêu gọi sự ủng hộ:
“Ngoài kêu gọi đóng góp trực tiếp, Hội kiều bào Kobe còn tổ chức những chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ, bán hàng từ thiện, nấu ăn, bán đấu giá để gây quỹ hỗ trợ đồng bào thiên tai miền Trung ở quê nhà. Chúng tôi cũng đã về Quảng Bình, đến vùng Vân Kiều, cầm số tiền mọi người gom góp được đến bà con bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.”
Ngoài quyên góp trực tiếp, kiều bào còn gây quỹ thông qua các chương trình giao lưu văn hóa tại địa phương. |
Bác Nguyễn Trường Thi, sống ở tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan chia sẻ đối với kiều bào Thái Lan cũng vậy, mỗi khi có thông tin thảm họa thiên tai gây thiệt hại lớn ở quê nhà, các Hội đoàn thể kịp thời phát động quyên góp, rồi tự tay chuyển về các địa phương cần được giúp đỡ:
“Chúng tôi đang tiếp tục kêu gọi ủng hộ, quyên góp để làm vơi bớt khó khăn cho người dân 6 tỉnh như Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa bị thiệt hại nặng nề bởi trận bão lũ hồi tháng 10 vừa qua. Nói chung, Năm nào chúng tôi cũng có những hoạt động như vậy và đều thông qua các tổ chức, chính quyền các tỉnh địa phương.”
Nhóm thiện nguyện của kiều bào Thụy Điển và các nhà hảo tâm trong nước chở gạo đến ủng hộ đồng bào lũ lụt ở Hương Khê Hà Tĩnh - Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Không chỉ tham gia đóng góp từ thiện thông qua các tổ chức hội, đoàn thể… nhiều kiều bào Việt còn kết nối với những nhóm thiện nguyện, các nhà hảo tâm trong nước, để đi trao quà cho các địa phương miền Trung.
Niềm vui của một gia đình khi nhận được gạo ở Hương Khê - Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Chị Đinh Lan Phương, một doanh nhân Việt kiều Thụy Điển là một trong những người như thế:
“Trước những thiệt hại mà đồng bào miền Trung phải hứng chịu do bão lũ gây ra. Là một Việt kiều sống tại Thụy Điển, tôi cùng một số các anh chị em là nhóm thiện nguyện, đã đóng góp một phần nhỏ bé của mình để ủng hộ và mong bà con sớm ổn định, tái thiết cuộc sống. Chúng tôi đã cùng nhau góp được hơn 9 tấn gạo gửi cho bà con ở Hà Tĩnh. Dù ở đâu thì chúng tôi vẫn luôn nhớ về quê hương và đồng bào ruột thịt của mình”
Nhóm thiện nguyện của chị Lan Phương góp được hơn 9 tấn gạo ủng hộ bà con ở Hương Khê, Hà Tĩnh. - Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Bằng những hành động, việc làm ý nghĩa và đầy thiết thực, kiều bào ta dù ở nơi đâu đều muốn được đóng góp phần công sức nhỏ bé của mình để gửi trao tấm nghĩa tình về nơi quê nhà.
Những em bé ở vùng lũ miền Trung. - Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Và những sự sẻ chia đáng quý đó luôn là nguồn động viên tinh thần và làm ấm lòng những hoàn cảnh khó khăn.