Cuốn sách "Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở Liên xô (1923-1938) của nhà xuất bản Sự thật. Nguồn: VOV |
Quãng thời gian Người ở Liên Xô (LB Nga ngày nay) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với cuộc đời hoạt động cách mạng của Người mà cả với phong trào giải phóng dân tộc của Việt Nam.
Theo các chuyên gia, bước chuyển biến cơ bản nhận thức về con đường cứu nước giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc là đọc được bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lenin trên báo L’Humanité (Nhân đạo), xuất bản ngày 16 và 17/7/1920.
Trong Luận cương, Lenin đã chỉ ra cho các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc và các nước kém phát triển con đường để giải phóng dân tộc mình. Đó là con đường cách mạng vô sản.
Nhà khoa học chính trị, giám đốc Viện Hồ Chí Minh thuộc Đại học Tổng hợp Saint.Peterburg-Nga, GS.TSKH Vladimir Kolotov cho rằng: "Khi Hồ Chí Minh đến Liên bang Xô Viêt, trước hết Người học được học thuyết cách mạng, tư tưởng Mác-Lenin và con đường dựng nước, xây dựng Đảng, đào tạo cán bộ và những giai đoạn quan trọng nhất của cách mạng là tổng khởi nghĩa giành chính quyền và quản lý đất nước sau khi giành được chính quyền. Cho nên việc Hồ Chí Minh đến Liên xô vào năm 1923 là một sự kiện quan trọng cho cách mạng Việt Nam."
GS.TS V.Kolotov - Giám đốc Viện Hồ Chí Minh thuộc Đại học Tổng hợp Saint.Peterburg. Nguồn: VOV |
Mặc dù chỉ lưu lại 6 tháng nhưng thời gian hoạt động ở Moscow có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc và với phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam.
Tiến sĩ sử học Evgeny Kobelev, chuyên gia nghiên cứu khoa học cao cấp của Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN, Viện nghiên cứu Trung quốc và Châu Á đương đại, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, khẳng định: "Nguyễn Ái Quốc đã tận dụng thời gian ở Liên Xô học tập ở rất nhiều học viện chính trị của Liên Xô. Người đã học tập kinh nghiệm Cách mạng Tháng Mười một cách sáng tạo."
Nhà Việt Nam học E.Kobelev tại lễ ra mắt sách “65 năm cùng với Việt Nam” của ông (tháng 12/2022). Nguồn: VOV |
Sau chuyến đi lần đầu tiên ấy, Nguyễn Ái Quốc còn trở lại Liên Xô để học tập và hoạt động trong phong trào quốc tế cộng sản. Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh dần hoàn thiện cơ sở lý luận và thực tiễn, xác định đúng con đường đưa Cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn.