Vườn tuổi thơ trong “Nhớ thương ở lại”

Hoài Hương
Chia sẻ
(VOV5) -Tất cả rồi sẽ qua đi, chỉ “Nhớ thương ở lại”, như nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ luôn tâm niệm và chia sẻ. 

Ấn tượng đầu tiên là trang bìa tập thơ “Nhớ thương ở lại” của nhà thơ PGS,TS. Nguyễn Thế Kỷ - NXB Kim Đồng và Nhà sách Liên Việt xuất bản, in hình cụm tượng điêu khắc búp bê nho nhỏ xinh xinh 5 ông cháu quây quần ấm áp bên nhau. Càng ấn tượng hơn khi tôi được biết cụm tượng búp bê này là có thật, được thực hiện phỏng theo ông cháu nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ, được bày trang trí trong phòng ông, như ông nói, là để lúc nào cũng cảm thấy có các cháu yêu của mình bên cạnh, để đỡ nhớ khi chúng xa ông lúc đi học, về quê…

Vườn tuổi thơ trong “Nhớ thương ở lại” - ảnh 1

Qua những bài thơ, có thể nhận biết 5 ông cháu và những người thân quen bên cạnh, từ cha mẹ đến hàng xóm hay những người họ hàng, bạn bè: Ông Tân, ông Vinh, ông Hiện, ông Dũng, bà Nga, bà Thế, anh Thọ, anh Thìn, bố Dương, mẹ Hằng, bác Thanh, bác Chi Phùng, cô Thảo Phương, cô Vân Dung...., như một cách ông nhắc các cháu mình những mối dây thắt kết tình thân gia đình, làng quê, chòm xóm…, một cách kín đáo dạy cho các cháu tình yêu quê hương, yêu con người, xa rộng hơn tình yêu đất nước.

Hai bài thơ ông viết cho con trai và con gái, những người đã làm cha làm mẹ, những tưởng viết cho “người lớn”, nhưng thật ra, ông để lại “nhớ thương” cho các cháu sau này: “…Dồn nhựa sống vững cành, xanh lá/ Tình yêu con, kiếp nữa, hao gầy”- Cùng con trai trên facebook, “… Bình an khi về bên ba mẹ/ Ôn cảnh xưa khó nhọc nhiều bề/ Với gia đình em trai vẫn thế/ Tình chị em máu mủ, sắt son”- Với con gái ngày sinh.

Và không dừng ở đó, ông viết “Buổi sáng mẹ thợ cấy/ Buổi chiều mẹ thợ cày…/ Bây giờ về thăm mẹ/ Di ảnh khói hương bay/ Nhà mình qua cảnh khó/ Càng thương mẹ những ngày”- Thương me, “Nhớ cha những tháng những ngày/ Áo sờn, xe đạp, đường lầy, hố bom…/ Công danh nhẹ phủi, cha về quê hương/… Theo con đường lớn cha đi/ Nước ra biển cả, mưa thì về nonLắng trong cọng cỏ hạt cơm/ Có hồn cha mẹ thảo thơm muôn đời”- Nhớ cha, là ông cố bà cố của các cháu yêu, nhắc lại những gian khổ hy sinh mà họ đã trải qua, nhắc lại cuộc sống thanh bạch của họ như một cách để các cháu yêu tiếp nối sợi dây dòng tộc gia đình, biết trân trọng, biết trân quý cuộc sống được thừa hưởng hôm nay.

Hay một loạt những bài thơ Nơi ấy cội nguồn, Tình quê, Quê mình, Quê ơi…, cũng là một cách “nhớ thương ở lại”, ông gửi gắm tình yêu quê hương, nơi chôn rau cắt rốn, truyền tới các cháu của mình, để khi lớn lên, các cháu không chỉ làm rạng danh dòng tộc gia đình mà còn biết nguồn cội: “Đất quê mình nâng bước cha đi/ Để có con hôm nay trở lại/ Như sông suối về nơi biển ấy/ Lại góp mưa xanh mát mạch nguồn”- Quê mình

Vườn tuổi thơ trong “Nhớ thương ở lại” - ảnh 2

Nhưng để “Nhớ thương ở lại” nhiều nhất chính là những bài thơ dành riêng cho các cháu yêu của mình, giống như một khu vườn tuổi thơ hồn nhiên trong trẻo và thấm đẫm yêu thương.

Từ cái tên ông đặt để gọi yêu các cháu trong nhà, nghe là thấy ngọt ngào chất vị miền quê Việt, những Na, Mía, lại cũng có phần rất “Đôrêmon” theo đúng trend của trẻ như Xu Ka, và với cháu trai lớn nhất là cái tên Lâm Phong - nghĩa là gió rừng, mang thật nhiều ý nghĩa.

Hình ảnh “Ông nội cũng vò đầu, cấu tóc/ Tên gọi nào cho cháu rượu ông đây”, sao mà thương chi lạ, ông thương cháu chăm chút từ cái tên khi cháu mới ra đời. Cái tên vận vào cuộc đời, cái tên như ước nguyện tương lai của gia đình, của dòng tộc hai bên nội ngoại…

Và rồi ông đặt tên cho cháu:  “Mỗi sáng mặt trời là cháu đấy thôi/… Chỉ mong sao đất nước mãi thanh bình/ Cháu không phải qua tuổi thơ khó nhọc…”- Cháu rượu, không chỉ là cái tên mà còn là một ước nguyện tương lai cho cháu mình, cho đất nước, từ cái riêng sang cái chung.

Có những bài thơ ông thay mặt cháu bày tỏ cảm xúc, vui nhộn mà chứa chan tình yêu, không chỉ là tình yêu mà còn là sự ngắm nhìn tinh tế, cảm nhận được từng hơi thở, từng tiếng nói của cháu dù chỉ “nói” bằng ánh mắt, bằng tiếng khóc, tiếng cười, hay cái ngọ nguậy tay chân…,

Thua em, mới tháng tuổi/ Bình sữa vừa pha xong/ Ngửa cổ, tu một mạch/ Anh liếm mép, đừng hòng”- Chuyện của Xu Ka, “Na chẳng hiều gì cả/ Lại buồn ngủ bỏ xừ/ Ngúc ngoắc tìm ti mẹ/ Họ uống , ta cũng tu”- Lễ chẵn tháng,  “Em Na còn đỏ hỏn/ Ông nội đã tặng thơ/ Lâm Phong những tám tuổi/ Sao ông ngoại làm ngơ?” - Bắt đền.

Làm sao không khỏi xúc động, khi đọc những dòng thơ ông viết nhớ thương các cháu của mình khi phải xa chúng, dù chỉ thời gian ngắn, dù bây giờ liên lạc luôn thông suốt, dù có 4G, hay 4.0, online, livestream…, để có thể nghe được giọng nói xem được hình ảnh, dù ở bất cứ đâu trên địa cầu… Nhưng nhớ thương thì vẫn nhớ thương không để đâu cho hết.

Na, Mía về bên ngoại/ Thành Vinh mấy chờ mong/…Lâm Phong và Bảo Chi/… Yên Bái đường xa thẳm/ Ông bà nội ngóng trông/… Quê ngoại và quê nội/ Ấm áp giữa muôn người”- Nhớ thương ở lại, “Cháu lại về bên ngoại/ Sân ga muôn vạn người/… Chỉ còn ông thao thức/ Thương quá cháu yêu ơi”- Thương cháu, “Năm nay cháu về ngoại/ Nơi xa nhớ bội phần/… Tình ông gửi muôn vàn”- Gửi muôn vàn..

Có một bài thơ trong tập thơ mà khi đọc lên không khỏi thầm mỉm cười vì cái vẻ dí dỏm đáng yêu của mấy ông cháu, mà khái quát hình ảnh diễn ra thành ngôn từ một cách thú vị là ông, nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ. Một cuộc bầu chọn “người đẹp” của mấy ông cháu, để sau cùng là “Giải Dáng ngừoi đẹp nhất/ Bốn cháu liếc mắt cười/ Rồi đồng thanh hô lớn/ Ông đẹp nhất, ông ơi”- Cuộc bầu chọn vui nhất.

Vườn tuổi thơ trong “Nhớ thương ở lại” - ảnh 3

Cũng từ tình thương yêu cháu muôn vàn, không bờ bến, mà ông trở thành một ngừoi ông đa nghệ, đảm đang: “Ông cởi bỏ lễ phục/ Làm giúp việc không tiền..? Dỗ chị Na ngồi học/.. Nhắc em Mía đừng nghịch/… Rồi làm nghề ý tế/ Tắm táp và gội đầu/ Bấm móng tay, ngoáy mũi/… Khi mặt trời xế bóng/ Ru cháu ngủ à ơi…”- Ngày lễ.

Yêu thương các cháu, ông luôn hướng các cháu cũng luôn lấy yêu thương nhau để tạo một sự kết nối bền vững trong một đại gia đình hai bên nội ngoại. Từ sự ví von ẩn ý đến những đứa cháu lớn của mình “Lâm Phong và Bảo Chi nữa/ Con chị, con cậu kề vai/ Cụ mình sinh thời ao ước/ Quế hòe rợp bóng nay mai/ Các cụ giờ đã đi xa/ Chốn quê, nguyên vẹn nếp nhà..”- Bên cháu.

Đến cách ông quả quyết để minh định tình cảm yêu thương đồng đều: Ai phân chia nội ngoại/… Nội ngoại khác gì nhau/ Bốn con, con ông cả/ Bốn cháu, đều quý yêu/ Ông không chia nội, ngoại/ Chỉ con yêu, cháu yêu…”- Sao là nội, là ngoại.Cháu nội và cháu ngoại/ Tranh nhau ai xinh hơn/ Mãi bất phân thắng bại/ Để lâu, kể cũng phiền/ Ông vuốt ... cằm, vui vẻ/ Cháu nào cũng giống ông…”- Ai xinh hơn. 

Gọn gàng và xinh xắn, mộc mạc, chân phương, nhưng như một khu vườn tuồi thơ đầy cảm xúc, 28 bài trong “Nhớ thương ở lại” của nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ như một sợi dây đan kết tình yêu gia đình bền chắc, mà ở đó tình thương của ông đối với các cháu của mình thật đằm sâu, thật tha thiết, thật trìu mến ngọt ngào, và cũng thật tỉ mỉ chăm chút….

Là yêu thương muôn vàn, là cách ông tỏa năng lượng tích cực đến các cháu yêu của mình, là cách ông hướng các cháu đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống từ sự giản dị nhất, là cách ông nuôi dưỡng tâm hồn các cháu từ tuổi thơ, luôn lấy yêu thương là cánh cửa để vào đời, để sẻ chia, để cống hiến…

Tất cả rồi sẽ qua đi, chỉ “Nhớ thương ở lại”, như nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ luôn tâm niệm và chia sẻ. Tập thơ này tác giả viết riêng tặng những người thân của mình, nhưng ở một góc khác, tập thơ cũng có thể là một trải nghiệm đến các gia đình trẻ, đền những ông bố bà mẹ, để giáo dục trẻ từ yêu thương./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu