“Vũ trụ học và các hành tinh ngoài hệ Mặt Trời”: Khích lệ niềm đam mê khám phá khoa học

Nguyễn Thị Vân Nga, Giám đốc Trung tâm Thông tin – Tư liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Chia sẻ
(VOV5) - Tại hội thảo, rất nhiều sinh viên quan tâm đến cách phát hiện ra sự sống của các hành tinh. 

Ngày 19/6/2020, Hội Vật lý Việt Nam cùng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Trung tâm Thông tin - Tư liệu và Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức Hội thảo phổ biến kiến thức về "Vũ trụ học và các hành tinh ngoài hệ Mặt Trời". Hội thảo đã thu hút đông đảo các nhà khoa học, sinh viên và giới truyền thông tham gia.

“Vũ trụ học và các hành tinh ngoài hệ Mặt Trời”: Khích lệ niềm đam mê khám phá khoa học - ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Vân Nga, Giám đốc Trung tâm Thông tin – Tư liệu khai mạc Hội thảo.

Diễn giả chính của hội thảo gồm các nhà khoa học: PGS.TS. Đinh Văn Trung (Viện trưởng Viện Vật lý), TS. Đỗ Quốc Tuấn (Đại học Phenikaa) và PGS.TS. Phạm Ngọc Điệp (Trung tâm Vũ trụ Việt Nam).

Trong phần trình bày bài giảng đại chúng "Tìm kiếm các hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời”.  PGS.TS Đinh Văn Trung cho biết: “Trong quá trình tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất, việc phát hiện và quan sát các hành tinh ngoài hệ Mặt Trời nơi tồn tại các điều kiện phù hợp cho sự sống hình thành và phát triển là bước đi đầu tiên vô cùng quan trọng nhưng cũng đầy thách thức. Hai mươi lăm năm trước đây Michel Mayor và Didier Queloz đã phát hiện được ngoại hành tinh đầu tiên quay quanh ngôi sao tương tự Mặt Trời là 51 Pegasi trong chòm sao Phi Mã. Phát kiến quan trọng này làm đảo lộn mọi lý thuyết vật lý về sự hình thành và phát triển của hành tinh và M. Mayor cùng D. Queloz đã được trao Giải thưởng Nobel về Vật lý năm 2019.”

“Vũ trụ học và các hành tinh ngoài hệ Mặt Trời”: Khích lệ niềm đam mê khám phá khoa học - ảnh 2PGS.TS Nguyễn Hồng Quang, Tổng thư kí Hội Vật lý Việt Nam, điều hành Hội thảo. 

Bài nói chuyện đã tóm tắt được lịch sử quá trình tìm kiếm hành tinh ngoài hệ Mặt Trời, các nguyên lý vật lý và phương pháp được sử dụng hiện nay như hiệu ứng Doppler, hiện tượng thiên thực, hiệu ứng vi thấu kính hấp dẫn cũng như các đối tượng được quan sát như sao giống với Mặt Trời, sao lùn. Các xu hướng nghiên cứu trong tương lai cũng được đề cập đến bao gồm tìm kiếm các ngoại hành tinh tương tự Trái Đất, tìm kiếm chỉ dấu của hoạt động sinh học.

TS. Đỗ Quốc Tuấn đã trình bày tại hội thảo bài giảng "Kỷ nguyên vàng của Vũ trụ học". Theo TS Tuấn, vũ trụ học là một lĩnh vực của Thiên văn cũng như Vật lý, nghiên cứu sự hình thành và phát triển của Vũ trụ ở các thang khoảng cách rộng lớn nhất. Nhờ vào sự phát triển của khoa học-công nghệ, mà đặc biệt là Vật lý, sự hiểu biết của con người về Vũ trụ ngày càng trở nên rõ nét và chính xác. Thuyết tương đối rộng của Einstein là công cụ lý thuyết tuyệt vời, đã và đang giúp cho các nhà Vật lý cũng như Vũ trụ học đạt được những thành tựu nghiên cứu về Vũ trụ học rất đáng kinh ngạc trong suốt thế kỷ 20 và những thập niên đầu thế kỷ 21.

“Vũ trụ học và các hành tinh ngoài hệ Mặt Trời”: Khích lệ niềm đam mê khám phá khoa học - ảnh 3Toàn cảnh hội thảo. 
“Vũ trụ học và các hành tinh ngoài hệ Mặt Trời”: Khích lệ niềm đam mê khám phá khoa học - ảnh 4 Đại biểu đặt câu hỏi cho diễn giả.
“Vũ trụ học và các hành tinh ngoài hệ Mặt Trời”: Khích lệ niềm đam mê khám phá khoa học - ảnh 5

Những kết quả nghiên cứu đã làm thay đổi hoàn toàn cách con người quan sát, tưởng tượng về Vũ trụ. Có thể nói rằng chúng ta đang sống trong kỷ nguyên vàng của Vũ trụ học. Các giải thưởng lớn nhất về Vật lý như giải Nobel hay huy chương Dirac gần đây đều đã được trao cho các nhà Vũ trụ học.

Bài nói chuyện này như một bản tổng kết ngắn gọn những kết quả nghiên cứu quan trọng con người đã và đang đạt được trong kỷ nguyên vàng này.

Tiếp theo, bài giảng "Vật lý thiên văn trong kỷ nguyên mới" của PGS.TS Phạm Ngọc Điệp đã khái quát được những câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp của Vật lý thiên văn, bình luận về xu hướng, cách tiếp cận để giải quyết những câu hỏi lớn này. Qua đó hy vọng bài trình bày sẽ mang lại cho người nghe một góc nhìn về Vật lý thiên văn trong thế kỷ mới.

Theo TS Phạm Ngọc Điệp, thiên văn học là một trong những ngành khoa học ra đời sớm nhất của loài người tưởng chừng như đã già cỗi. Tuy nhiên, Vật lý thiên văn - một nhánh của thiên văn học nghiên cứu về vật lý của vũ trụ - lại là một trong những ngành đang phát triển năng động nhất của khoa học. Vật lý thiên văn chứa đựng những câu hỏi hóc búa nhất của vật lý hiện nay.

Sau phần trình bày của các nhà khoa học, cử tọa đã có những câu hỏi thú vị, quan tâm sâu hơn đến những kiến thức về Vũ trụ, Thiên văn. Ví dụ như, liệu có phải chúng ta đang hít và thở với vật chất tối? Bởi, theo TS Đỗ Quốc Tuấn, có tới 70% vật chất tối trong không gian sống của chúng ta.

“Vũ trụ học và các hành tinh ngoài hệ Mặt Trời”: Khích lệ niềm đam mê khám phá khoa học - ảnh 6Các diễn giả chụp ảnh với Ban Tổ chức Hội thảo (từ trái sang) : PGS.TS. Phạm Ngọc Điệp (Trung tâm Vũ trụ Việt Nam).  PGS.TS. Đinh Văn Trung (Viện trưởng Viện Vật lý) , TS. Đỗ Quốc Tuấn (Đại học Phenikaa) PGS.TS Nguyễn Hồng Quang (Tổng thư kí Hội Vật lý Việt Nam), PGS.TS Chu Đình Thúy (Phó Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam) và Bà Nguyễn Thị Vân Nga ( Trung tâm Thông tin – Tư liệu). 

Liên quan đến thiên văn và biến đổi khí hậu, một cử tọa đưa ra vấn đề: Vũ trụ, thiên văn ảnh hưởng như thế nào đến biến đổi khí hậu, đến môi trường? Trả lời cho câu hỏi này, TS Đinh Văn Trung cho biết, giữa thiên văn và khí hậu có sự ảnh hưởng rõ ràng. Ông cũng đưa ra biểu đồ lượng mưa và mối liên hệ với các triều đại của Trung Quốc.

Tại hội thảo, rất nhiều sinh viên cũng quan tâm đến cách phát hiện ra sự sống của các hành tinh. Theo TS Đinh Văn Trung, đây là vấn đề khó của khoa học và chúng ta cần có khoa học liên ngành để nghiên cứu.

“Vũ trụ học và các hành tinh ngoài hệ Mặt Trời”: Khích lệ niềm đam mê khám phá khoa học - ảnh 7Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. 

Nhân dịp Giải thưởng Nobel về Vật lý năm 2019 được trao cho các nhà thiên văn - vũ trụ học, các bài nói chuyện đại chúng đã trình bày những thành tựu xây dựng nền tảng lý thuyết của Vũ trụ học và sự phát hiện ra ngoài hành tinh quay quanh ngôi sao giống Mặt Trời. Đây cũng là hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ của Hội Vật lý Việt Nam phối hợp với Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Trung tâm Thông tin - Tư liệu và Viện vật lý tổ chức.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu