Tháng Tư - Mùa Ô Môi hoài niệm tuổi thơ miền Tây

Hoài Hương
Chia sẻ
(VOV5) - Nhớ lần đầu tiên nhìn thấy bông Ô Môi ở quê nội Cần Thơ, tôi đã bị mê hoặc sắc hồng lộng lẫy…
Tháng Tư - Mùa Ô Môi hoài niệm tuổi thơ miền Tây - ảnh 1Hoa Ô Môi choáng ngợp trên những cung đường ở An Giang. Nguồn: Thế giới trẻ

“Bông Ô Môi, gió cuốn rụng đầy trên sông. Nhìn mây trời mêng mông, kẻ ly hương nay đã quay về, sao trong dạ não nề. Hồi chuông buồn từ xa vẳng đưa, trong khói sương thêm tái tê hồn ta. Ngồi bên bờ nhìn hoa lá rơi, cơn gió đưa theo nước sông buồn trôi…Ô Môi rụng cánh ngoài sân. Mấy mùa hoa nở mấy năm đợi chờ… Ô Môi rụng cánh tơi bời. Chuông tắt lâu rồi, tôi còn đứng mong ai...”

Tôi đã thở một nhịp dài thăm thẳm,thả mắt dọc bờ kinh bắt gặp vài cây Ô Môi trổ bông hồng rực rỡ, khi chợt nghe giọng ca tài tử miệt vườn đang vừa chèo chiếc ghe nhỏ vừa buông câu hát vọng cổ “Bông Ô Môi” của cố soạn giả Viễn Châu, nghe sao xa vắng, the thắt nhớ lại những mùa Ô Môi tuổi thơ ngày tháng xưa được về quê ở miền Tây vùng châu thổ sông Mekong.

Tháng Tư - Mùa Ô Môi hoài niệm tuổi thơ miền Tây - ảnh 2Khung cảnh làng quê Nam Bộ đẹp dịu dàng nhờ sắc hồng của hoa Ô Môi. Ảnh: kenhhomestay.com

Nhớ lần đầu tiên nhìn thấy bông Ô Môi ở quê nội Cần Thơ, tôi đã bị mê hoặc sắc hồng lộng lẫy, tạo nên không gian xung quanh rực rỡ tỏa sáng ánh như mộng, như mơ rất thần tiên, gần như trái ngược với khung cảnh quê có phần đơn sơ, dung dị, phảng phất buồn bàng bạc bởi sự tĩnh lặng, êm ả. Và cái vị ngòn ngọt hơi gắt nhẹ, chan chát ngây ngây của trái Ô Môi chín cũng như cái màu tím rịm cả răng miệng sau khi ăn trái, cho tới giờ, mấy mươi năm vẫn luôn là kỷ niệm đầy cảm xúc trong tôi, có thể ví như mối tình đầu không bao giờ quên.

Tháng Tư - Mùa Ô Môi hoài niệm tuổi thơ miền Tây - ảnh 3Từng chùm hoa nở ra sắc hồng mộng mơ. Ảnh: Người Lao động
Tháng Tư - Mùa Ô Môi hoài niệm tuổi thơ miền Tây - ảnh 4Hoa Ô Môi hồng rực khiến lòng người xao xuyến. Nguồn: Thế giới trẻ

Nhiều năm sau này, cứ vào quãng tháng Tư, trong những đợt công tác về miền Tây, đặc biệt là vềTháp Mười, Lấp Vò, Cao Lãnh, Hồng Ngự, Tân Hồng, Tam Nông, Sa Đéc (Đồng Tháp); Phú Tân, Châu Phú, Hồng Ngự, Tân Châu, Tịnh Biên (An Giang), cho dù bận rộn công việc gần như chiếm trọn thời gian, tôi cũng nhín chút buổi trưa, không quản nắng như thả lửa thiêu đốt nóng hừng hực, chỉ để tranh thủ ngắm cho thỏa nỗi tương tư những hàng Ô Môi vào mùa trổ bông.

Tháng Tư - Mùa Ô Môi hoài niệm tuổi thơ miền Tây - ảnh 5Hàng cây Ô Môi đổ bóng xuống dòng kênh. Ảnh: baogiaothong.vn

Ô Môi mùa trổ bông như từng dải mây bồng bềnh sắc hồng, như từng tấm khăn lụa mềm mại hồng rực của thần tiên thượng giới thả xuống dọc liếp vườn, bờ ruộng, đường quê, bến sông, ven con kinh con rạch, hay đứng chơ vơ đơn côi một góc cánh đồng lúa mênh mông…

Tháng Tư - Mùa Ô Môi hoài niệm tuổi thơ miền Tây - ảnh 6Hoa Ô Môi trên cánh đồng quê. Nguồn: Thế giới trẻ

Cũng không hiểu cây Ô Môi du nhập vào Việt Nam lúc nào, khi gốc gác của nó tận Nam Mỹ xa xôi cách hơn nửa bán cầu, qua mấy đại dương. Phải chăng cây theo chân những người Pháp có mặt từ thế kỷ 16-17? Hay một thần tích nào đó đầy bí ẩn của thiên nhiên trời đất không thể giải mã mà “lạc” sang tận phương Đông, ở xứ Việt?

Mà cũng thiệt lạ, cả dải đất hình chữ S dài thế, Ô Môi chỉ ưng “đậu” lại vùng châu thổ sông Mekong miền Tây Nam bộ, để sinh sôi đàn đàn lớp lớp, rồi trở thành loài cây gây thương gây nhớ cho những người xa quê, gây thổn thức bao trái tim người miền Tây mỗi khi nhớ lại thời niên thiếu gắn với sắc hồng Ô Môi, với sắc tím đen trái Ô Môi, cả vị ngọt thơm của ly chè hột Ô Môi dai dai, dẻo dẻo nấu đường thốt nốt bỏ thêm nước cốt dừa…

Tháng Tư - Mùa Ô Môi hoài niệm tuổi thơ miền Tây - ảnh 7Nguồn: Thế giới trẻ

Ờ, mà sao khi vào Nam bộ, cái loài cây gỗ cao 10 - 20 m, có tên khoa học là Cassia grandis L.f., thuộc phân họ Vang, vỏ thân nhẵn màu nâu đen, cành lớn mọc ngang thẳng, cành non có lông tơ ánh sắc vàng nâu, lá kép như lông chim với 8 - 20 đôi lá thuôn dài tròn cả hai đầu phủ lông mịn xanh bóng nổi vân gân lá, khi lá rụng cũng là vào mùa bông nở rộ… Bông nhỏ như đầu ngón tay quần tụ lại nở thành từng chùm, rồi những chùm nhỏ hợp thành cụm dài, thả mình mềm mại. Bông rụng cũng là lúc những đọt lá non bung ra, cùng những trái Ô Môi như trái đậu đũa tí hon cứng quèo xanh ngắt, và phải đợi tới sang mùa hoa năm sau, trái mới chín, đen thui hình trụ dẹt dài cả nửa thước, nhiều trái cong như lưỡi liềm, tách ra có 50-60 ô, mỗi ô chứa một hột dẹt màu vàng cứng, bao quanh có cơm màu nâu đen óng ánh, vị ngọt, hơi nồng, thơm thơm, là lạ…- Nó lại có tên “Ô Môi” nghe rất kỳ lạ, hư ảo?

Tháng Tư - Mùa Ô Môi hoài niệm tuổi thơ miền Tây - ảnh 8Cây Ô Môi cao khoảng 10 - 20m. Ảnh: Người Lao động
Tháng Tư - Mùa Ô Môi hoài niệm tuổi thơ miền Tây - ảnh 9Trái Ô Môi lúc chín có màu đen. Ảnh: Người Lao động

Tương truyền, cây Ô Môi gắn liền với câu chuyện tình chung thủy của người Khmer vùng Tây Nam bộ? “Ô muôi”, theo tiếng Khmer, “ô” là cây, “muôi” là số 1, sau đọc trệch thành “Ô Môi”, nghĩa là cây số một, đứng đầu, quan trọng nhất, cũng như tình yêu dành cho nhau.

Nhưng dân gian Nam bộ vùng châu thổ sông Mekong giải thích có phần đơn giản, “ô” là màu đen, “môi” là miệng. Khi ăn trái môi biến thành đen thui, vì thế mà gọi là “Ô Môi”- môi đen? Có nguồn giải thích khác, bởi trái khi tách ra có nhiều ô, mỗi ô chứa một “môi” cơm - thịt của trái bao quanh hạt, vì thế gọi là “Ô Môi”? Nhưng cho dù giải thích theo kiểu nào, thì Ô Môi đã là loài cây, loài hoa thương nhớ miền Tây Nam bộ của bất kỳ ai ở miền này, hay đã từng tới đây vào mùa Ô Môi trổ bông.

Tháng Tư - Mùa Ô Môi hoài niệm tuổi thơ miền Tây - ảnh 10Tháng Tư, miền Tây ngập sắc hoa Ô Môi. Ảnh: flickr.com

Tháng Tư năm nào tôi cũng tìm dịp về quê một lần.Trong nắng đầu mùa hạ, khi những cơn mưa trái mùa xuất hiện là lúc cây Ô Môi trút hết lá, trái chín rụng lộp độp, và bắt đầu bông Ô Môi khoe sắc rực rỡ nhất. Tôi ngắm hàng cây với dải bong xếp thành từng chùm dày đặc, phủ đầy trên những thân cao lớn, nhuộm hồng cả  khoảng không gian miền quê. Một cơn gió từ sông ngang qua, xao xác cơn mưa hoa bay rợp trời, phút chốc, xung quanh là những cánh hoa phủ hồng mặt đất, đẹp đến thắt lòng.

Mê mải hút mắt vào cái thảm bông hồng như xác pháo đó mà bỗng dưng rưng rưng thương. Đã từng ngắm hoa anh đào Đà Lạt, đã từng ngắm hoa anh đào Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu…, nhưng  cảm xúc khi ngắm hoa Ô Môi, đã được mọi người ví là “Hoa anh đào miền Tây”, có một chút nao nao chênh chao khó tả.

Tháng Tư - Mùa Ô Môi hoài niệm tuổi thơ miền Tây - ảnh 11Hoa Ô Môi còn được gọi với cái tên mỹ miều “Anh đào của Việt Nam”. Nguồn: baogiaothong.vn

Không biết có phải vì những cây Ô Môi chỉ sống ở những nơi bình dị, mộc mạc, chân quê hiền lành, mà không ai mang nó vào công viên, vào phố thị, hay trồng làm cây cảnh, ít được nhắc tới…, nên dù rất đẹp, vẫn man mác chống chếnh gợn buồn, vì chỉ như một loài bông hoa dại tự nhiên, nhanh nở, nhanh tàn, mùa đi qua rất nhanh, nếu không có bông có trái, thường khi nhiều người không biết cây gì.

Tháng Tư - Mùa Ô Môi hoài niệm tuổi thơ miền Tây - ảnh 12Ô Môi gắn liền với tuổi thơ trẻ em miền Tây Nam bộ. Nguồn: Thế giới trẻ

Những người bạn miền Tây Nam bộ của tôi chắc ít nhất một lần ở cái thời “sửu nhi” có kỷ niệm với bông Ô Môi. Mùa bông nở, bạn gái kết bông thành vương miện đội trên đầu như công chúa, tiên nữ, rồi chơi trò xuyên không trở về cổ tích trăm năm. Mùa trái chín rụng, bạn trai tinh nghịch hơn lấy trái làm kiếm chơi trò hiệp sĩ trừ gian diệt bạo…, kết quả kiếm gẫy, là lúc “thu trận”, cả bầy trẻ “bày tiệc”, tách trái ra, chia nhau từng mảnh trái ăn đến tím đen cả môi, răng, lưỡi…

Tháng Tư - Mùa Ô Môi hoài niệm tuổi thơ miền Tây - ảnh 13Trẻ em rất thích ăn trái Ô Môi. Ảnh: Người Lao động

Chưa hết, đám con trai lượm hột Ô Môi, rửa sạch rồi trút vô lon cất trữ, để khi hết mùa trái, năm bảy đứa trong xóm rủ nhau ra gốc cây vườn nhà, bờ đất trống, chơi trò búng hột Ô Môi. Còn đám con gái sau đó thu lượm hột, mang về nhà, ngâm nước, cho hột mềm ra, và hôm sau hay vài hôm sau, thì bọn trẻ được thưởng thức thêm món chè hột Ô Môi…, món chè chỉ có trẻ miền Tây - nơi có những cây Ô Môi - mới được thưởng thức món ngọt dân dã nhưng như cực phẩm có một không hai này.

Tháng Tư - Mùa Ô Môi hoài niệm tuổi thơ miền Tây - ảnh 14Vẻ đẹp của cây Ô Môi rực nở bên Búng Bình Thiên. Ảnh: langthang.angiang

Còn người lớn, nhất là dân nhậu, cũng không thờ ơ với trái Ô Môi. Khi trái còn xanh, vị trái hơi đắng pha ngọt, và thêm một chén muối ớt, thì xem như cóc, ổi, xoài cũng chỉ ngang bằng, có khi còn thua xa, bởi bốn vị đắng, ngọt, mặn, cay hòa vào, ra những vị rất khó tả, chỉ biết là từng xị đế cứ vơi đi, và câu hát vọng cổ theo các điệu Nam Xuân, Nam Ai, Lưu Thủy, Xuân Tình, Bình Bán, Tây Thi, Phụng Cầu Hoàng, Văn Thiên Tường, Bình Sa Lạc Nhạn, Thanh Dạ Đề Quyên…càng thênh thang, chơi vơi, diệu vợi sông nước.

Tháng Tư - Mùa Ô Môi hoài niệm tuổi thơ miền Tây - ảnh 15Trái Ô Môi gắn liền với tuổi thơ của người dân miền Tây. Ảnh: dulichvietnam.com.vn

Dưới quê bạn gửi quà lên thành phố, là mấy bó trái Ô Môi chín đen cùng lời nhắn, về đi, bông Ô Môi đang mùa, hai tuần nữa là không có mà ngắm đâu…Và trước khi sắp xếp một chuyến về miền Tây ngắm Ô Môi trổ bông, tôi lục lại ký ức, hồi sinh một thời tuổi thơ với bao hoài niệm về Ô Môi, loài hoa tháng Tư của miền sông nước Tây Nam bộ./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu