Lần đầu tiên Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh phối hợp Bảo tàng tỉnh Hải Dương và Bảo tàng tỉnh Bắc Giang tổ chức trưng bày chuyên đề “Văn hóa nhà Trần và Phật giáo Yên Tử” tại TP Hạ Long, Quảng Ninh. Không gian gây ấn tượng nhất là khu vực trưng bày các bảo vật quốc gia.
Bảo vật quốc gia Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được trưng bày là bản mô phỏng có tỷ lệ 1:1 với tượng gốc, hiện bài trí tại tháp Huệ Quang (Tháp Tổ) chùa Hoa Yên, Khu di tích danh thắng Yên Tử, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Tượng biểu thị hình tướng của vị vua anh minh đã “cởi hoàng bào khoác áo cà sa”, sáng lập dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử và hoá Phật.
Tượng tác ở tư thế thiền buông thư, mắt nhìn thẳng, khuôn mặt thanh tú. Bệ tượng trang trí cầu kỳ với hoa sen, rồng, phượng, hoa và sư tử. Tượng cao 83,8 cm, được tạc từ một khối đá nguyên khối có niên đại thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVII. Tuy vậy, nhà nghiên cứu tin rằng khối đá dùng để tạc tượng vốn là cấu kiện của tháp Huệ Quang được xây dựng dưới thời Trần. Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2020.
Hiện vật gốc độc bản mà những người yêu văn hoá lịch sử có thể chiêm ngưỡng tận mắt là Bảo vật quốc gia Hộp vàng Ngoạ Vân – Yên Tử. Hộp vàng được phát hiện ngày 21/6/2012 tại thôn Trại Lốc, xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, khi đang thi công mở rộng con đường hành hương lên di tích Ngoạ Vân – nơi Đức vua Trần Nhân Tông hoá Phật.
Hộp cao 4,2 cm, trọng lượng 56,44 gram, có thành phần vàng chiếm từ 81-87%, dạng hình cầu, thân tạo nổi 11 múi, mỗi múi giống như hình cánh sen cong tròn. Tất cả hoạ tiết trang trí trên hộp được tạo tác bằng kỹ thuật khắc và gò với những đường nét hoa văn cực kỳ tinh xảo, phức tạp như hoa sen, liên tiền, vân mây, bông mai… có giá trị đặc biệt về khoa học, lịch sử, phản ánh giá trị tư tưởng của thời đại nhà Trần.
Trong số gần 200 tài tài liệu, hiện vật, hình ảnh tại triển lãm có những hiện vật lần đầu được trưng bày như Cặp đôi móng tay của Phật (bằng vàng nguyên chất), tượng phượng (bằng đồng) có niên đại thế kỷ XIV tại đền An Sinh (Đông Triều, Quảng Ninh)…
Người xem có cái nhìn toàn cảnh về các giá trị đặc trưng của Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc. Đây là Quần thể di tích đầu tiên nằm trên địa bàn 3 tỉnh ở nước ta được xây dựng hồ sơ trình UNESCO để đề nghị công nhận và ghi vào Danh mục Di sản thế giới.
“Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc có cảnh quan văn hoá dạng chuỗi liên hoàn, tiến triển hữu cơ trên địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương thuộc Đông Bắc Việt Nam. Yên Tử nổi bật ở châu Á và trên thế giới với tư cách là nơi khởi xướng Thiền phái Trúc Lâm độc đáo của Việt Nam, đồng thời là quê hương của họ Trần […] Bằng sự kết hợp nhuần nhuyễn, chặt chẽ giữa tư tưởng tôn giáo và quyền lực Nhà nước, các sư tổ Phật giáo Trúc Lâm và các vị vua Trần đã làm thay đổi đời sống tinh thần, xã hội, kinh tế, chính trị và quân sự của đất nước, tạo nên một quốc gia Đại Việt vững mạnh, độc lập và có chủ quyền” (trích dự thảo hồ sơ trình UNESCO).
Những hình ảnh nổi bật của 6 Khu di tích quốc gia đặc biệt, 32 di tích thành phần của Quần thể đều được giới thiệu khá rõ nét, trong đó nổi tiếng nhất là hệ thống chùa tại Yên Tử (chùa Lân, Giải Oan, Hoa Yên, Vân Tiêu, chùa Đồng…), khu di tích nhà Trần (đền An Sinh, chùa Ngoạ Vân…), tại Bắc Giang (chùa Bổ Đà, Vĩnh Nghiêm), tại Hải Dương (Côn Sơn - Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai...) là các điểm đến du lịch văn hoá lịch sử - tâm linh đặc sắc, liên tục được bảo tồn, trùng tu.
Đặc biệt, khách tham quan có trải nghiệm “chạm tay vào ký ức” khi được tận tay thử in, rập mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm - Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương được UNESCO công nhận năm 2012.
Chùa Vĩnh Nghiêm, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang là 1 trong 4 trung tâm của thiền phái Trúc Lâm (Yên Tử, Quỳnh Lâm, Vĩnh Nghiêm, Thanh Mai). Nơi đây hiện lưu giữ 3.050 tấm mộc bản bằng chữ Hán và Nôm, số ít bằng chữ Phạn được khắc từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX.
Học sinh tới tham quan thích thú trải nghiệm in mộc bản trên giấy dó. Đây là các kinh sách do Tam tổ Trúc Lâm cùng các hệ phái kế tiếp biên soạn, có các giá trị nhiều mặt về lịch sử, khoa học, mỹ thuật, văn hoá, y học…
Qua các hình ảnh, tài liệu, hiện vật mang giá trị lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, khảo cổ học nổi bật “tận mắt, tận tay”, triển lãm mong muốn giáo dục lòng tự hào dân tộc, nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn, phát huy truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc.
Các màn hình tương tác, trình chiếu video cũng giúp nâng cao trải nghiệm của du khách với câu chuyện sinh động về lịch sử phát triển của nhà Trần và hoằng dương Phật pháp của ba vị Tam Tổ Trúc Lâm. Triển lãm sẽ kéo dài hết ngày 25/12 tại Bảo tàng Quảng Ninh.