Nghệ nhân chế tác độc bản mèo chào Xuân Quý Mão duy nhất ở xứ Đoài

Nguyễn Hà/VOV.VN
Chia sẻ
(VOV5)-Để chào xuân Quý Mão, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát sẽ chế tác tất cả 2.023 con mèo. Hiện tại, anh đã hoàn thiện khoảng 1.500 sản phẩm mèo, dự kiến trước Tết Nguyên đán sẽ hoàn tất bộ sưu tập.

Nghệ thuật sinh ra là để phục vụ con người. Với phương châm đó, ngay sau khi bước chân vào nghề, anh Nguyễn Tấn Phát (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) đã lựa chọn lối đi riêng cho mình bằng cách biến những tác phẩm thành độc bản và có công năng sử dụng nhất định. Và trong bộ sưu tập mèo độc bản chào xuân Quý Mão cũng vậy, anh Phát đều "cài cắm" những giá trị riêng trong từng sản phẩm.

Để chào xuân Quý Mão, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát sẽ chế tác tất cả 2.023 con mèo. Hiện tại, anh đã hoàn thiện khoảng 1.500 sản phẩm mèo, dự kiến trước Tết Nguyên đán sẽ hoàn tất bộ sưu tập để phục vụ mọi người thưởng lãm.

Theo nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát, bộ sưu tập mèo năm nay mang đầy đủ những tư tưởng, hàm ý của tác giả muốn gửi gắm vào đây.

Chẳng hạn như bộ bàn ghế mèo và cá, được tác giả đặt tên là "bữa ăn ngày Xuân". Bộ này gồm 6 chiếc ghế hình mèo và 1 chiếc bàn hình con cá.

Thông qua bộ sưu tập này, tác giả đã lồng ghép bức tranh dân gian Đông Hồ với hình ảnh đám cưới chuột, bức phù điêu chú bé cưỡi trâu thả diều... mang đậm bản sắc Việt. Qua "Bữa ăn ngày Xuân", chủ nhân tác phẩm hy vọng sang năm Quý Mão 2023, mọi người sẽ vượt qua nhiều khó khăn để đạt được thành công và có những bữa tiệc chiến thắng.Bộ sưu tập này cũng thể hiện bữa tiệc chào đón năm 2023 của người Việt.

Ngoài ra, đó còn là tác phẩm độc bản mèo đơn lẻ vừa mang tính trang trí nhưng cũng đem đến giá trị về công năng sử dụng.

Chẳng hạn như những sản phẩm khay trà, bức tượng đốt trầm hương, những chiếc đèn ngủ kết hợp hình tượng mèo, rất tinh tế.

Bắt tay vào chế tác các sản phẩm sơn mài điêu khắc, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát là một họa sỹ, nhưng anh đã kham phần việc của một nhà điêu khắc. Theo anh, khó khăn lớn nhất để tạo ra tác phẩm đó là việc thể hiện sơn mài lên các tác phẩm điêu khắc.

Để làm được một tác phẩm sơn mài trên gỗ, việc đầu tiên là lên ý tưởng trên giấy. Sau đó, phác hình mẫu trên đất, rồi chế tác đục từ khúc gỗ mít tự nhiên.

Khi bức tượng gỗ đạt độ khô thì bắt đầu quá trinh sơn mài theo quy trình truyền thống, đó là khảm chất liệu vỏ trứng, vỏ trai, hay vàng bạc, được sơn thành nhiều lớp.

Từ lúc làm sơn mài đến lúc hoàn thiện sản phẩm mất 15 ngày. Tổng thời gian lên ý tưởng đến khi hoàn thiện mất khoảng từ 30-40 ngày, tùy thuộc vào thời gian các lớp sơn khô. Thông thường các bức tượng đều được phủ 10 lớp sơn.

"Khó nhất là công đoạn mài bề mặt, vì tác phẩm điêu khắc sẽ có nhiều bề mặt cao thấp, lồi lõm, đòi hỏi người mài sẽ mất nhiều thời gian vào đó", anh Phát cho biết.

Với những sản phẩm được chế tác theo hướng độc bản và sáng tạo mẫu, các thiết kế của anh Phát mang đến nhiều giá trị trong cuộc sống và được thị trường đón nhận.

Theo nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát, mèo chỉ là một trong những chủ đề của anh, rất nhiều các con giáp khác cũng được anh thể hiện. Ngoài đề tài làm theo hướng điêu khắc, anh Phát cũng cho ra đời những sản phẩm mang tính ứng dụng khác như chiếc vòng tay, vòng cổ, hoa tai, chiếc lọ được làm từ sơn mài...

Điều đặc biệt trong mỗi tác phẩm của mình, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát luôn nhấn mạnh yếu tố dân gian truyền thống và văn hóa xứ Đoài.

Bởi với anh đó cũng là cách để tri ân mảnh đất quê hương của mình. "Bởi hơi thở của quê hương ngấm vào tôi nhiều nhất và tôi hiểu được điều đó nhất, nên tôi mang vốn hiểu của mình vào trong mỗi tác phẩm. Ngoài ra, tôi cũng mong muốn và cố gắng đưa được nhiều những tác phẩm mang yếu tố vùng miền vào các sản phẩm sơn mài của mình để qua đó giới thiệu đến các vị khách trong và ngoài nước", anh Phát cho biết.

Là nghệ nhân duy nhất làm sơn mài ở thị xã Sơn Tây, anh Nguyễn Tấn Phát tự thấy bản thân mình phải có trách nhiệm phát triển nghề sơn mài, phát triển những nghề thủ công truyền thống của Việt Nam, cũng như là của địa phương. Thông qua đó khích lệ mọi người cố gắng duy trì và phát triển nghề mang tính truyền thống của quê hương. Qua đó, mọi người có thể thể hiện được văn hóa vùng miền của địa phương, mà rất khó tìm kiếm được điều này ở các địa phương khác./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu