Trung úy Nguyễn Phùng Chương (SN 1995) là một trong số 40 cán bộ, chiến sĩ từ BĐBP tỉnh Bình Định đến tăng cường tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên trong đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19. |
Tháng 3/2020, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên tiếp nhận ca F0 đầu tiên là kiều bào về nước khi Campuchia bùng phát dịch bệnh. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ từ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, lực lượng CSCĐ, BĐBP Đà Nẵng, Bình Định… đổ quân về tăng cường, chia lửa cùng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên giữ biên, ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép và buôn bán hàng lậu. |
Tính đến thời điểm hiện tại, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên đã tiếp nhập khoảng 6.000 kiều bào về nước, trong đó có 105 người mắc COVID-19. |
Tại thời điểm dịch bệnh bùng phát, từ số lượng hơn 30 chốt ban đầu, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh và Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên đã thần tốc thi công thêm hơn 22 chốt mới; tăng cường điểm chốt tại những khu vực quan trọng. Tới thời điểm hiện tại, Đồn đang quản lý 9 chốt biển và 44 chốt bộ dọc tuyến biên giới Hà Tiên, Kiên Giang giáp với Kampot, Campuchia. |
Chốt 20 là một trong 22 chốt mẫu được Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh xây dựng. Mỗi chốt có trị giá khoảng 220 triệu đồng, (đã bao gồm cả công trình phụ khép kín.) |
“Trước khi hệ thống chốt kiên cố này được xây dựng, anh em ở đây rất vất vả. Dọc biên giới là khu vực có gió thổi mạnh. Vào mùa mưa bão, đêm ngủ, sáng ra thấy nóc nhà bay mất là chuyện bình thường.” – Trung tá Nguyễn Tấn Dương, Phó Đồn trưởng, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên cho biết. |
"Lá chuối lúc nào cũng te tua do gió thổi. Mấy cây leo thì không bao giờ bò ngược được chiều gió. Mùa bão ở đây, đường xá còn lầy lội nữa.” - Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên vừa chỉ giàn mướp chỉ leo được một nửa mà các cán bộ, chiến sĩ tăng gia ngay tại chốt. |
Vào mùa mưa, đường lầy lội, các chiến sĩ phải dùng thân cây lớn làm thành “cây cầu cạn” để qua đường. |
Cái khó của mùa mưa là nhà mất nóc thì cái khó của mùa nắng là nhà… mất nước. “Hiện tại, một số chốt khó khăn vẫn chưa có đường ống dẫn nước. Ban Chỉ huy Đồn phải tìm và mua nước rồi chở lên chốt để anh em sinh hoạt. Nếu bình thường một khối nước chỉ có giá 80.000 đ thì mùa khô một khối nước có thể đội lên tới…400.000! Nước đắt như vậy mà không phải lúc nào cũng có.” – Trung tá Đỗ Thanh Tùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên chia sẻ. |
Bắt đầu từ thời điểm dịch bệnh bùng phát, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên Nguyễn Tấn Dương thường xuyên đem khẩu trang tặng cho bà con dọc biên giới. Trên mảnh đất giáp ranh này, không ít gia đình có vợ hoặc chồng là người Campuchia, đã kết hôn và sinh sống nhiều năm trên lãnh thổ Việt Nam. |
Bà Châu Thị Sửu – người Campuchia đã về làm dâu Việt Nam từ nhiều năm trước. Hiện gia đình bà đã có 3 thế hệ sinh sống tại Việt Nam. Con gái bà có một quán nước nhỏ ngay biên giới. Khi dịch bệnh ập đến, kế sinh nhai này phải tạm đóng lại. |
Những cuộc hôn nhân xuyên biên giới như bà Châu Thị Sửu đã tạo nên mối quan hệ thân tộc giữa các gia đình dọc đường biên Việt Nam – Campuchia. Việc thăm nom, qua lại đường biên giữa các gia đình này đã trở thành một tập quán. Tuy nhiên, ngay sau khi Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội, việc di chuyển qua đường biên buộc phải dừng lại. Trong ảnh, một người dân Campuchia ở bên kia biên giới đang mang đồ gửi cho người nhà. |
Nếu muốn gửi đồ cho người nhà ở phía bên kia biên giới chỉ có thể đặt đồ ở cột mốc rồi nhờ BĐBP nhận và chuyển giúp. |
Lá cờ đỏ sao vàng tung bay khắp các ngả đường biên ải. |
Trong ảnh là “Vùng nước lịch sử của Việt Nam và Campuchia”. Hiệp định về vùng biển đặc biệt này được ký vào ngày 07/7/1982. Theo đó, tại vùng biển nằm giữa bờ biển tỉnh Kiên Giang, đảo Phú Quốc và quần đảo Thổ Chu của Việt Nam với bờ biển tỉnh Kampot và nhóm đảo Poulowai của Campuchia, hai nước có quyền áp dụng quy chế pháp lý trên vùng nước lịch sử như chế độ vùng nội thủy. |
Đây là một ngư trường truyền thống mà nhân nhân cả hai nước cùng khai thác từ hàng trăm năm nay. Lợi dụng chính yếu tố này, không ít người đã tìm cách trà trộn vào ngư dân, nhập cảnh trái phép, nhập hàng lậu vào lãnh thổ Việt Nam. |
Binh nhất Đặng Hoài Phong (SN 2000) là một trong những chiến sĩ trẻ nhất tại Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên được tăng cường trực chốt tại vùng biển đặc biệt này. Phong tham gia công tác tại Đồn từ tháng 7/2020. |
“Lúc mới vào, tôi bị khó ngủ vì không quen nằm võng. Cực nhất là những đêm mưa gió, anh em phải chia nhau đi các chốt lẻ. Các chốt lẻ đều là nhà tạm, mưa hắt mạnh là tốc mái, ướt hết người.” - Binh nhất Đặng Hoài Phong kể lại. |
“Càng mưa, càng bão thì càng phải quan sát và nâng cao cảnh giác, vì đây là thời điểm các đối tượng dễ lợi dụng để vượt biên nhất.” - Các cán bộ và chiến sỹ tăng cường tại Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên luôn phiên đi tuần. |
Đa phần những người lính vùng biên đều còn rất trẻ, hàng ngày đều phải đối mặt với nguy hiểm, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, điều kiện sinh hoạt cũng còn thiếu thốn. Nhưng khi được phóng viên hỏi, điều gì là khó khăn nhất với họ, câu trả lời lại là: “Muỗi! Muỗi miền Tây to lắm bạn ạ. Muỗi bay thành từng bầy như đàn ong ấy! Hồi đầu mới vào, anh em đi trực chốt đêm, giơ đèn pin lên soi cũng thấy ngợp ngợp.” - Trung úy Nguyễn Phùng Chương cán bộ tăng cường đợt 2 từ BĐBP tỉnh Bình Định khẳng khái trả lời: “Còn nhiệm vụ đã được giao, thì có khó thế nào cũng vượt được qua. Tất cả vì sự bình yên cho đất nước.” |
Tại đường biên giới giữa hai tỉnh Kiên Giang và Kampot, có một cột mốc rất đặc biệt – Cột mốc 314. Việt Nam và Campuchia có chiều dài biên giới đất liền khoảng 1.270 km, đi qua 10 tỉnh của Việt Nam và 9 tỉnh của Campuchia, khởi đầu từ tỉnh Kon Tum tới Kiên Giang. Đây là cột mốc cuối cùng trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia. |
Để chung tay, góp sức cùng với BĐBP chống dịch nơi biên giới, Đài Tiếng nói Việt Nam đã trao tặng 30 bộ đồ bảo hộ COVID-19 cấp 1 và cấp 2, 35 chiếc đèn pin siêu sáng và 30 hộp hương xua muỗi cho Đồn Biên Phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên. Gửi lời cảm ơn Đài Tiếng nói Việt Nam, Thượng tá Nguyễn Văn Tùng, Đồn trưởng bày tỏ: “Đây là món quà thực sự thiết thực và ý nghĩa với những người lính nơi biên ải”. /.
Thi Uyên/VOV.VN