Các lăng mộ khác thường được xây trên núi thì Lăng Vạn Vạn là lăng mộ hoàng tộc Nguyễn hiếm hoi nằm ở đồng bằng. Nằm tại phường An Đông của TP Huế, Lăng Vạn Vạn hay Tư Thông lăng là nơi an nghỉ của Hựu Thiên Thuần Hoàng hậu Dương Thị Thục (1868 – 1944), thường được gọi bà Tiên Cung. Bà là vợ hai của vua Đồng Khánh, mẹ đẻ của vua Khải Định. Đây là một lăng mộ hoàng tộc Nguyễn hiếm hoi nằm ở đồng bằng thay vì các vùng đồi núi phía Nam Kinh thành Huế. Theo tác giả Phanxipăng (Tạp chí Tài hoa trẻ, số 264, năm 2003), vị trí đặc biệt của lăng Vạn Vạn liên quan đến một thuyết phong thủy cổ xưa. Cụ thể, dưới thời vua Khải Định, các thầy địa lý triều đình nhà Nguyễn đã cất công tìm một nơi phù hợp với một truyền ngôn địa phương: “Cù Bạc nhất xứ huyệt, Công hầu đợi đợi bất tuyệt”. Câu này có nghĩa là: Cù Bạc (vùng đất xưa thuộc tổng An Cựu, huyện Hương Thủy, phủ Thừa Thiên) là xứ có sẵn vị trí mà nếu chọn làm huyệt mộ thì con cháu đời đời xênh xang công hầu khanh tướng. Di tích này tuy cách Kinh Thành Huế không xa nhưng lại nằm vào một nơi hẻo lánh ít được mấy ai biết đến. Sự lựa chọn địa điểm để xây dựng khu lăng mộ này là một trường hợp cá biệt so với những lăng tẩm khác của các “đế” và “hậu” trước cũng như sau đó. Trong 20 năm từ 1955 đến 1975, việc quản lý lăng này hầu như bị bỏ ngỏ. Tuy nhiên, diện tích đất đai thuộc phạm vi lăng Vạn Vạn vẫn còn nguyên vẹn, chưa ai xâm phạm vào vùng đất quan phòng được giới hạn bằng một hệ thống trụ cấm vốn có từ khi xây lăng. Còn ở tám mặt trụ tại bốn góc nhà thì được trang trí các đề tài liễu mã (cây liễu và con ngựa), tiêu tượng (cây chuối và con voi), tùng lộc (cây thông và con nai), mai điểu (cây hoa mai và con chim)... Riêng khu Huyền Cung có mặt bằng hình chữ nhật với diện tích khoảng 400 m2, chung quanh được bao bọc bởi hai vòng thành đồ sộ: vòng ngoài cao 4,5 m, dày 0,76 m; vòng trong cao 3 m, dày 0,6 m, xây bằng gạch vồ và xữa xi - măng. Ở các góc của cả hai vòng thành đều được bổ trụ và chắp hình hoa sen. Người ta đi vào khu Huyền Cung bằng một cửa xây duy nhất ở mặt tiền, thường được gọi là Bửu Thành Môn. Cửa chỉ trổ một lối đi hình vòm, bên trên xây hai tầng mái giả. Ở cuối các bờ mái và bờ quyết đầu trang trí hình con Phụng ngoái đầu chầu vào hình trong mặt trời đặt trên đám mây được chắp ở chính giữa bờ nóc. Khắp các mặt của các trụ cửa, trán cửa, cổ diêm đều được phân khoảng thành những ô hộc và đắp nổi rất nhiều đề tài trang trí cổ điển. Tất cả các thành phần kiến trúc và các hình ảnh vừa nói đều làm được bằng đá: Loại đá thanh từ Thanh Hóa hoặc loại đá trắng từ Quảng Nam. Dù đây là vật liệu rất cứng, nhưng các nghệ nhân thời bấy giờ đã chạm trổ, tỉa tót một cách công phu và tỉ mỉ, thể hiện nên những hình ảnh sống động và duyên dáng với những đường nét hết sức mềm mại và tự nhiên. Sở dĩ người ta dùng vật liệu đá ở đây vì từ thạch thất đến hương án đều là lộ thiên, cần có sức bền vững lớn để chịu đựng với mưa nắng, gió bão. Đây là những tác phẩm có giá trị cao về phương diện mỹ thuật, đặc biệt nhất là thuộc lĩnh vực trang trí bằng điêu khắc trên đá. So với những Huyền Cung, nhất là những thạch thất trong đó của các “đế” và “hậu” khác của triều Nguyễn, như thạch thất “càn khôn hiệp đức” của vua Gia Long và Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu, của vua Tự Đức, của vua Đồng Khánh, của bà Thánh Cung, thì thạch thất của bà Tiên Cung ở lăng Vạn Vạn là đặc biệt nhất xét về mặt cấu trúc và trang trí. Trụ biểu, bình phong, hồ sen tại lăng Vạn Vạn. Mặc dù lăng Vạn Vạn lâu nay ít được quan tâm giữ gìn vì những lý do khác nhau, nhưng với những giá trị lịch sử và kiến trúc, nói chung là giá trị văn hóa, như vừa giới thiệu vắn tắt trên đây, di tích này xứng đáng được xếp hạng, bảo tồn và phát huy tác dụng nhiều lăng tẩm của triều Nguyễn ở Cố đô Huế. Từ khóa: VOV VOVworld VOV5 Lăng Vạn Vạn nơi ít người biết đến ở Huế Phản hồi * Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu Gửi đi Xem thêm