“Giấc Mơ Màu” của các họa sỹ “tay ngang”

Chia sẻ
(VOV5) - Ý nghĩa lớn nhất mà triển lãm của nhóm “Giấc Mơ Màu” mang đến là sự lan tỏa tình yêu thương đến với cộng đồng.
Hội họa và ảnh nghệ thuật đều phản ánh cái đẹp của cuộc sống bằng cách sử dụng các yếu tố đường nét, hình khối, ánh sáng và màu sắc, … để tạo hình trên mặt phẳng. Cả hai nghệ thuật cùng khai thác đặc trưng của các yếu tố tạo hình, dù đó là sự kết hợp việc sử dụng dụng cụ, thiết bị hay phương pháp quang học nhằm sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật với cách thể hiện khác nhau. Tuy nhiên để chụp một bức ảnh đạt được đầy đủ các yếu tố thẩm mỹ về bố cục, màu sắc, ánh sáng không hề đơn giản, bởi còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện từ thiên nhiên, cảnh vật, con người…
“Giấc Mơ Màu” của các họa sỹ “tay ngang” - ảnh 1Ngựa gỗ và tuổi thơ - Tôn Thất Bằng

Những năm gần đây, nhiều nghệ sỹ nhiếp ảnh (NSNA), khi đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật nhiếp ảnh, có xu hướng chọn hội họa nối dài thêm bước đường nghệ thuật cho riêng mình. Từ những hạn hữu của nhiếp ảnh, hội họa có thể khắc phục bằng cách thêm bớt về hình thể, ánh sáng, đường nét… nhằm tạo nên bức tranh hoàn thiện hơn, có giá trị nghệ thuật và thương mại.

Mới đây một triển lãm hội họa của nhóm “Giấc Mơ Màu” ở TP. Hồ Chí Minh vừa được khai mạc tại Hội Mỹ Thuật TP. Hồ Chí Minh với 86 bức tranh của 11 tác giả gồm: Tôn Thất Bằng, Đỗ Lệnh Hùng Tú, Nguyễn Tiến Lễ, Nguyễn Thị Hảo, Đỗ Hương, Nguyễn Thị Xuân Mai, Nguyễn Hồng Nga, Nguyễn Nghiêm, Vũ Kim Sơn, Nguyễn Trọng Tâm, Nguyễn Kim Thúy.

“Giấc Mơ Màu” của các họa sỹ “tay ngang” - ảnh 2Phòng triển lãm trước giờ khai mạc
“Giấc Mơ Màu” của các họa sỹ “tay ngang” - ảnh 3Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm “Giấc Mơ Màu” lần thứ 3

Nhóm “Giấc Mơ Màu”, tiền thân là những nhà Nhiếp ảnh vẽ tranh, được thành lập từ năm 2015 với 3 cuộc triển lãm tranh của nhiều tác giả với nhiều đề tài được thể hiện trên các chất liệu sơn dầu, bột màu, Acrilic.... Chia sẻ về tiêu chí của nhóm, nữ NSNA Nguyễn Hồng Nga - Ủy viên Ban chấp hành Hội NSNA Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội NSNA TP. Hồ Chí Minh, người có ý tưởng thành lập nhóm, cho biết:

““Giấc Mơ Màu” là niềm ước mơ của những người tay ngang, không phải là họa sĩ chuyên nghiệp, mong muốn được biến màu sắc thành tác phẩm như những giấc mơ. Mục đích là tạo sân chơi cho những anh em, bạn bè có cùng đam mê và sở thích về hội họa, đồng thời giúp mọi người khám phá thế giới màu sắc, tăng thêm niềm vui và tình yêu cuộc sống.

Triển lãm “Giấc Mơ Màu” lần thứ 3 hội tụ các tác phẩm từ các nhà báo, nhiếp ảnh gia, nhà giáo, doanh nhân và khách mời là những hoạ sĩ chuyên nghiệp cùng tham gia. Họ là những người đã và đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực xã hội và cùng chia sẻ mối quan tâm chung với cộng đồng. Trong những năm qua, nhóm “Giấc Mơ Màu” đã tổ chức thành công 2 cuộc trưng bày tranh với mục đích gây quỹ từ thiện giúp đỡ xe lăn cho cô giáo tàn tật và quỹ nạn nhân chất độc Da cam của Báo Thông tấn xã Việt Nam. Mục đích từ thiện của nhóm là giúp đỡ trẻ em nghèo và những người kém may mắn trong xã hội. Sau gần 3 năm gián đoạn vì đại dịch COVID-19, cuộc triển lãm lần này lại được tổ chức nhằm gây quỹ giúp đỡ cho trẻ em và đồng bào có cuộc sống khó khăn ở vùng sâu của tỉnh Gia Lai.”

“Giấc Mơ Màu” của các họa sỹ “tay ngang” - ảnh 4Các họa sỹ “tay ngang” tham gia triển lãm

11 tác giả tham gia triển lãm “Giấc Mơ Màu” lần thứ 3 là các nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh, giáo viên, công chức, thiết kế thời trang và 2 khách mời danh dự là hoạ sĩ chuyên nghiệp (Nguyễn Nghiêm, Đỗ Lệnh Hùng Tú). Hai người lần đầu tham gia triển lãm Giấc Mơ Màu là chị Nguyễn Kim Thuý, 76 tuổi, một cựu giáo chức, và người nhỏ tuổi nhất là cô Nguyễn Thị Hảo, 26 tuổi, một nhà thiết kế thời trang đến từ Gia Lai.

Tranh của các tác giả khá đa dạng về đề tài, từ phong cảnh, sinh hoạt đời thường, tĩnh vật, chân dung đến các đề tài về tôn giáo. Địa bàn và đối tượng được phản ánh trong tranh không chỉ giới hạn ở nhiều vùng miền trong nước mà còn cả ở nước ngoài.

“Giấc Mơ Màu” của các họa sỹ “tay ngang” - ảnh 5Núi Phú Sỹ - Nguyễn Tiến Lễ

Hy vọng triển lãm “Giấc Mơ Màu” lần 3, với sự hoà trộn sắc màu cùng kỹ thuật và tính đa dạng trong phong cách thể hiện giữa các hoạ sĩ chuyên nghiệp và những người yêu hội hoạ, sẽ giúp người thưởng ngoạn có một trải nghiệm thú vị khi xem tranh.

“Giấc Mơ Màu” của các họa sỹ “tay ngang” - ảnh 6Phong Cảnh 4 - Nguyễn Nghiêm
“Giấc Mơ Màu” của các họa sỹ “tay ngang” - ảnh 7Ngọt - Nguyễn Thị Hảo

Mang đến triển lãm “Giấc Mơ Màu”, NSNA Vũ Kim Sơn, nguyên Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, Báo Ảnh Việt Nam, lần này không chỉ là 8 bức tranh mà còn mang cả những ước mong bán được nhiều tranh để ủng hộ những đồng đội năm xưa. Anh chia sẻ: “Sau 40 năm cầm máy ảnh, từ khi nghỉ hưu tôi vẫn miệt mài với sáng tác ảnh nghệ thuật. Tôi đi khắp mọi miền đất nước. Nay đã ngoài tuổi 70, tôi không còn đủ sức khỏe để băng đèo, vượt núi với túi máy ảnh nặng cả chục kg. Nhớ nghề nên tôi chọn lại các bức ảnh đã chụp mang ra vẽ theo kiểu sao chép. Tôi bắt đầu vẽ từ năm 2020, những ngày đầu tiên cầm cọ, tôi vẽ những bức tranh phong cảnh, chân dung về bạn bè với đủ cách thể hiện, từ chì đến màu nước và sơn dầu. Hội họa đã giúp tôi cân bằng lại cảm xúc. Những bức họa đều là những ký ức trong tôi từ những năm dài cầm máy ảnh rồi biến hóa cho nó đẹp hơn lên theo xúc cảm của mình.”

“Giấc Mơ Màu” của các họa sỹ “tay ngang” - ảnh 8Sóng - Vũ Kim Sơn

Xem những bức tranh của các họa sỹ “tay ngang” với đầy đủ sắc màu, đa dạng về đề tài cùng chất liệu thể hiện mới thấy năng lực sáng tạo, niềm đam mê nghệ thuật của các tác giả, dẫu đã ở tuổi xế chiều, nhưng vẫn luôn gây cảm xúc. Những bức họa không chỉ lan tỏa vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước, con người đến với công chúng mà còn là động lực thúc đẩy thế hệ trẻ học tập, phấn đấu và cống hiến.

“Giấc Mơ Màu” của các họa sỹ “tay ngang” - ảnh 9Tết - Đỗ Hương
“Giấc Mơ Màu” của các họa sỹ “tay ngang” - ảnh 10Bắt cá - Nguyễn Thị Xuân Mai

Phát biểu trong buổi khai mạc Triển lãm, Ông Nguyễn Xuân Tiên - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đánh giá:

“Triển lãm “Giấc Mơ Màu” với hơn 80 bức tranh của 11 tác giả ở nhiều lứa tuổi khác nhau từ U30 đến U80, hoạt động trong nhiều lĩnh vực: Nhiếp ảnh gia, Nhà báo, Doanh nhân, Thiết kế thời trang…. Mặc dù khác biệt về tuổi tác và điều kiện công việc nhưng điểm chung ở họ là tình yêu, sự nhiệt huyết trong sáng tạo nghệ thuật. Với những bút pháp riêng của từng tác giả, thông qua những tác phẩm của mình, các tác giả muốn truyền tải những tâm tư, chiều sâu suy nghĩ và những thăng trầm cảm xúc đến với bạn bè, đồng nghiệp, đưa người xem đến với thế giới sắc màu lung linh, huyền ảo của “Giấc Mơ Màu”, hướng con người tới giá trị cốt lõi của cuộc sống đó là Chân - Thiện - Mỹ Thuật.”

“Giấc Mơ Màu” của các họa sỹ “tay ngang” - ảnh 11Hồn quê - Nguyễn Hồng Nga

Thật vui khi giấc mơ đang trở thành hiện thực. Triển lãm mới qua 4 ngày nhóm đã bán được 6 bức tranh, 3 bức của họa sĩ Tôn Thất Bằng, 2 bức của Nhà báo - NSNA Vũ Kim Sơn, 1 bức của họa sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú. Hy vọng hết đợt triển lãm ngày 10/11/2022 sẽ còn nhiều tác giả khác bán được tranh góp phần sẻ chia cùng trẻ em và đồng bào nghèo đang gặp khó khăn trong cuộc sống ở Gia Lai.

“Giấc Mơ Màu” của các họa sỹ “tay ngang” - ảnh 12Câu mực - Nguyễn Kim Thúy
“Giấc Mơ Màu” của các họa sỹ “tay ngang” - ảnh 13Mặt trời đi ngủ - Đỗ lệnh Hùng Tú
“Giấc Mơ Màu” của các họa sỹ “tay ngang” - ảnh 14Chân Dung nhạc sỹ Trinh Công Sơn - Nguyễn Trọng Tâm

Ý nghĩa lớn nhất mà triển lãm của nhóm “Giấc Mơ Màu” mang đến là sự lan tỏa tình yêu thương đến với cộng đồng. Xin chúc các tác giả trong nhóm có thật nhiều giấc mơ sớm thành hiện thực.

Bài viết: Kỳ Nam

Ảnh: Nhóm “Giấc Mơ Màu” cung cấp

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu