Sáng 12/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Cao Bằng diễn ra Phiên khai mạc Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất (VCĐC) toàn cầu châu Á – Thái Bình Dương (APGN 8) với chủ đề "Cộng đồng địa phương và phát triển bền vững trong vùng CVĐC". (Trong ảnh: Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: bvhttdl.gov.vn) |
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh trong bối cảnh tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đang ngày càng chậm lại; nỗ lực xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và hướng đến tương lai thịnh vượng đang gặp nhiều khó khăn, khủng hoảng về biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học trở thành thách thức lớn nhất của thời đại, Công viên địa chất toàn cầu chính là một “lời giải” cho vấn đề toàn cầu này. Ảnh: bvhttdl.gov.vn |
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và các đại biểu đã cắt băng khai trương Không gian văn hóa các dân tộc, gian hàng các Công viên địa chất toàn cầu. Hội nghị sẽ bế mạc ngày 15/9. Ảnh: bvhttdl.gov.vn |
Gala tiếng Việt thân thương “Lời quê hương - Lời sắt son”
Gala tiếng Việt thân thương mùa thứ hai, do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở Nước ngoài – Bộ Ngoại giao tổ chức, được sản xuất và thực hiện bởi VIETART, truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, tiếp sóng trên kênh VTV4 - Đài truyền hình Việt Nam diễn ra vào hồi 20h ngày 8/9/2024 tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ ngoại giao Đỗ Hùng Việt phát biểu: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”. Thực hiện lời dạy của Người, công tác giữ gìn, phát huy và lan tỏa tiếng Việt, bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước và Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài quan tâm, chăm lo. Đặc biệt, trong 2 năm qua, các đề án triển khai ngày Tôn vinh tiếng Việt đã nhận được sự quan tâm rộng rãi của toàn bộ hệ thống chính trị, người dân trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài.
Thứ trưởng Bộ ngoại giao Đỗ Hùng Việt phát biểu. Ảnh: VIETART |
Các chương trình, hoạt động đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, đổi mới về cách thức thực hiện đã tạo môi trường giao lưu, trau dồi tiếng Việt cho các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là thế hệ trẻ. (Trong ảnh: Các đại biểu tham dự chương trình. Ảnh: VIETART) |
Điểm nhấn của chương trình là các phóng sự xúc động, truyền cảm hứng về tâm huyết và nỗ lực gìn giữ tiếng Việt của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài từ nhiều địa bàn ở khắp năm châu. Các phóng sự về mô hình dạy tiếng Việt tại cộng đồng người Việt Nam nước ngoài thông qua sử dụng thanh điệu, vần điệu, âm nhạc, làn điệu dân ca, quan họ, nhạc cụ dân tộc Việt Nam; hành trình tìm lại tiếng Việt của người Pháp gốc Việt được truyền cảm hứng từ lớp học tiếng Việt, về Việt Nam để tìm lại nguồn cội của mình; hành trình đưa văn hoá Việt ra thế giới của những người trẻ… đã đọng lại trong tâm trí khán giả những rung động đẹp nhất về tình yêu quê hương, yêu tiếng mẹ thân thương.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Mạnh Đông trao thưởng cho danh hiệu “Sứ giả tiếng Việt”. Ảnh: VIETART |
Công viên địa chất Lạng Sơn được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO
Ngày 8/9/2024, trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đã tiến hành họp, đánh giá và biểu quyết công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Ảnh: VOV |
Vừa qua, trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, điều tra và khảo sát thực địa nhiều thập kỷ nay, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã khẳng định rằng tỉnh Lạng Sơn có đầy đủ các giá trị có ý nghĩa toàn cầu để có thể xây dựng, phát triển một công viên địa chất, hướng tới trở thành một công viên địa chất toàn cầu. Ảnh: Văn Đạt/TTXVN |
Công viên địa chất Lạng Sơn được thành lập vào năm 2021 với hệ thống di sản địa chất đa dạng, phong phú. Ảnh: Văn Đạt/TTXVN |
Công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề chằm nón ngựa Phú Gia”
Sáng 12/9, Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Bình Định phối hợp UBND huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định tổ chức Lễ đón Bằng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh “Nghề chằm nón ngựa Phú Gia” là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Thanh Thắng/VOV |
Làng nghề truyền thống nón ngựa Phú Gia hiện có khoảng 110 hộ sản xuất với hơn 300 lao động, mỗi năm sản xuất hơn 3.300 sản phẩm. Ảnh: Thanh Thắng/VOV |
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định cho biết, việc công nhận, ghi danh Nghề chằm nón ngựa Phú gia, xã Cát Tường là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia góp phần nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa từ loại hình di sản văn hóa phi vật thể này.
Người dân vui mừng khi nghề chằm nón ngựa Phú Gia, xã Cát Tường là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Thanh Thắng/VOV |
Nghề chằm Nón ngựa Phú Gia tại xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ 5 của tỉnh Bình Định được ghi danh sau Võ cổ truyền, Hát bội, Nghệ thuật Bài chòi, Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước. Ảnh: Thanh Thắng/VOV |