Trong khoảng vài chục năm gần đây, bóng đá Việt Nam chưa bao giờ được đánh giá cao bằng bóng đá Trung Quốc và chúng ta cũng chưa đặt tham vọng trở thành cường quốc trong môn “Thể thao Vua” như quốc gia đông dân nhất thế giới, nhưng trước cuộc so tài tại vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á, đại diện của khu vực Đông Nam Á đang khiến không chỉ ĐT Trung Quốc mà cả báo chí nước này e ngại trước áp lực giành chiến thắng.
Những năm trở lại đây, bóng đá Việt Nam và vị thế của chúng ta ở môn thể thao vua trong mắt bạn bè khu vực, châu lục và thế giới ngày càng được nâng tầm. Nếu như U20 Việt Nam giành vé tham dự Vòng chung kết (VCK) U20 World Cup 2017 thì ở môn bóng đá trong nhà, ĐT Futsal Việt Nam có 2 lần liên tiếp dự VCK và đều lọt vào vòng 16 đội mạnh nhất.
Trong khi đó, ở cấp độ U23 và Đội tuyển quốc gia (ĐTQG), từ năm 2018 đến nay, “Những chiến binh Sao Vàng” luôn gặt hái được những thành công. Từ ngôi vị Á quân U23 châu Á 2018, hạng 4 tại Asiad 2018, tứ kết Asian Cup 2019 đến những trận đấu tại vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á.
Những thành tích trên đều là cột mốc lịch sử của bóng đá Việt Nam. Cộng với tấm HCV SEA Games 30 và chức vô địch AFF Cup 2018, bóng đá Việt Nam cho thấy sự lớn mạnh và tiến bộ vượt bậc của mình trên bản đồ bóng đá khu vực và châu lục.
Từ một quốc gia nhỏ bé, ở vùng trũng của bóng đá thế giới, nhưng Việt Nam đã có màn lột xác ngoạn mục khiến tất cả phải nhìn mình bằng con mắt khác. Sự lột xác này là thành quả của một quá trình đầu tư, đào tạo bài bản, khoa học trong nhiều năm trời của các lò đào tạo, đặc biệt là sự tâm huyết của các ông bầu yêu bóng đá.
Bên cạnh sự phát triển của xã hội hóa thể thao thì màn lột xác của bóng đá Việt Nam cũng có sự đóng góp của V-League, sân chơi mà chúng ta bắt đầu lên chuyên từ năm 2000. Việc các cầu thủ nội được thi đấu với những ngoại binh chất lượng trong suốt 20 năm qua đã trui rèn, giúp các cầu thủ nội nâng cao trình độ, bản lĩnh và tâm lý thi đấu để có được phong thái thi đấu tự tin như hiện tại.
Một trong những yếu tố quan trọng, then chốt giúp bóng đá Việt Nam gặt hái được thành công trong những năm qua, đó là sự đóng góp HLV Park Hang Seo. Chiến lược gia người Hàn đến vào thời điểm bóng đá Việt Nam có nhân tài, nhưng lại thất bại toàn diện trên mọi mặt trận. Bằng tài năng và phương pháp huấn luyện khoa học của mình, nhà cầm quân sinh năm 1957 đã nâng tầm các cầu thủ và lập nên mốc son chói lọi cho bóng đá Việt Nam.
Nếu như bóng đá Việt Nam lên chuyên nghiệp từ năm 2000 thì bóng đá Trung Quốc làm điều này từ năm 1994. Theo thống kê của Sina, ở thời điểm đó, ĐTQG Trung Quốc có thứ hạng FIFA là 40 thế giới, cao nhất lịch sử. Các CLB và các hệ thống giải chuyên nghiệp của Trung Quốc được rót tiền mạnh tay để cải tổ, phát triển và nâng tầm bóng đá nước này. Sau khi giành vé dự World Cup 2002 thì nhiều doanh nghiệp và ông bầu càng đổ tiền vào làm bóng đá nhiều hơn.
ĐT Trung Quốc tranh tài ở VCK ở World Cup 2002. Ảnh: Getty |
Kế hoạch cải tổ bóng đá của Trung Quốc được thực hiện dài hạn từ năm 2016 đến năm 2050. Mục tiêu của họ là trở thành cường quốc bóng đá. Để làm được điều này, Trung Quốc sẽ xây dựng 20.000 “trường học đặc trưng bóng đá” và nâng dần lên theo thời gian. Hiện tại, họ vẫn đang đi đúng lộ trình đã được vạch ra. Tuy nhiên, nghịch cảnh với bóng đá Trung Quốc là dù dùng núi tiền để đầu tư, mua ngôi sao để nâng tầm giải VĐQG, nhưng chất lượng ĐTQG Trung Quốc và thành tích của đội bóng này ngày một đi xuống.
Ở giải U23 châu Á 2018, giải đấu mà U23 Việt Nam làm nên lịch sử với ngôi Á quân thì ĐT Trung Quốc dù là nước chủ nhà nhưng phải dừng bước từ vòng bảng. Đến VCK U23 châu Á 2020, ĐT Trung Quốc không giành được điểm nào, bị loại từ vòng bảng. Tại Asiad 2018, ĐT Trung Quốc dừng bước ở vòng 1/8. Trong khi đó, ở Asian Cup 2019, ĐT Trung Quốc vào đến tứ kết, nhưng bị loại bởi Iran.
27 năm chuyên nghiệp, nhưng thành tích lại đi xuống, niềm tin của người hâm mộ dành cho bóng đá Trung Quốc bị xói mòn. Trong bài viết nhìn về sự cải cách của bóng đá Trung Quốc vào tháng 5/2021, tờ Sina chua xót chỉ ra rằng: “Số tiền đầu tư ngày một lớn và kế hoạch cải tổ bóng đá liên tục nối tiếp nhau, nhưng thứ hạng của ĐT Trung Quốc đã tụt mạnh từ 40 thế giới xuống 77, tụt hậu so với Curaçao, quốc gia chỉ có khoảng 160.000 dân”.
Sina cũng bắt bệnh của nền bóng đá Trung Quốc: “Các giải China Super League, League One, League Two vẫn chưa thể tìm ra con đường phát triển bền vững. Các CLB phụ thuộc quá lớn và các nhà đầu tư. Sự sống chết của họ phụ thuộc vào việc các nhà đầu tư có rút lui hay không. Việc không quan tâm đến đào tạo trẻ, nhập tịch nước ngoài hay mua những ngoại binh nước ngoài với giá cao ngất ngưởng tiếp tục bào mòn nền bóng đá Trung Quốc”.
CLB Jiangsu Suning giành chức vô địch China Super League 2020, nhưng sau đó giải thể không tranh tài ở mùa giải 2021. Ảnh: Getty |
Tháng 3/2021, Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc công bố danh sách các CLB tham dự giải đấu chuyên nghiệp năm 2021. Tổng cộng có 57 đội bóng ở 3 giải hàng đầu tham dự, nhưng điều gây sốc là đương kim vô địch Jiangsu Suning không góp mặt vì đội bóng bị giải thể. Trong khi đó, tính cả 3 giải đấu hàng đầu thì có tới 6 đội bóng rút lui.
Bên cạnh việc các đội bóng quá phụ thuộc vào các ông bầu nên khi “bị rút ống thở là chết” như Sina đã nêu, điều khiến bóng đá Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc hiện thực hóa tham vọng trở thành cường quốc bóng đá của thế giới là thiếu nguồn cầu thủ, trong khi họ là quốc gia đông dân số nhất thế giới.
Trong kế hoạch phát triển bóng đá của Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc kết hợp với Bộ Giáo dục và 7 ban, ngành khác, mục tiêu đến năm 2022 là có trên 30 triệu học sinh trung học cơ sở thường xuyên tham gia vào chơi môn thể thao vua. Tuy nhiên, theo Zhang Lu, một thành viên của Ủy ban chuyên gia bóng đá của Bộ Giáo dục Trung Quốc, kế hoạch này đang gặp không ít khó khăn. Theo số liệu thống kê từ năm 1994 đến 2014, chỉ khoảng 10.000 trẻ em Trung Quốc thường xuyên chơi bóng mỗi năm. Con số này kém xa với Đức (2,08 triệu), Pháp (1,03 triệu), Vương quốc Anh (820.000) hay Nhật Bản là 1 triệu trẻ em chơi bóng thường xuyên.
Gần 30 năm làm bóng đá chuyên nghiệp và đã 5 năm thực hiện “Kế hoạch phát triển trung và dài hạn của bóng đá Trung Quốc 2016-2050”, nhưng rõ ràng nền bóng đá từng xếp hạng 40 thế giới theo bảng xếp hạng FIFA đang gặp nhiều gian nan, thử thách trên con đường hiện thực hóa tham vọng của mình.
Nếu như bóng đá Trung Quốc đã từng dự VCK World Cup năm 2002 thì ĐT Việt Nam mới chỉ lần đầu tiên lọt vào vòng loại cuối cùng tại vòng loại World Cup khu vực châu Á. Ở khu vực châu Á, Trung Quốc cũng nhiều lần lọt vào bán kết và có 2 lần giành Á quân ở Asian Cup. Trong khi đó, thành tích tốt nhất của bóng đá Việt Nam là hạng tư tại Asian Cup 2019.
Bên cạnh đó trong lịch sử, khi bóng đá Trung Quốc đọ sức 6 lần với bóng đá Việt Nam trên mọi đấu trường, họ duy trì thành tích toàn thắng, ghi được 20 bàn thắng và chỉ để lọt lưới 3 lần. Điều này cho thấy bóng đá Trung Quốc dù chưa phải là cường quốc ở châu Á, nhưng so với Việt Nam vẫn ở trình độ, đẳng cấp cao hơn.
Tuy nhiên, do sự sa sút trong những năm gần đây cộng với sự tiến bộ vượt bậc của bóng đá Việt Nam khiến cho cuộc đọ sức giữa 2 đội tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á diễn ra vào 0h ngày 8/10 được dự đoán sẽ cân bằng hơn, hấp dẫn và kịch tính hơn.
Những ngày qua, truyền thông Trung Quốc đã thông tin rất nhiều về trận đấu này. Và sau khi ĐT Trung Quốc bị ĐT Syria cầm hòa 1-1 ở trận giao hữu ngày 1/10, tờ Sohu, Sina và một số tờ báo của nước này đã nghi ngờ về khả năng giành chiến thắng của thầy trò HLV Li Tie trước ĐT Việt Nam.
Áp lực dành cho HLV Li Tie là rất lớn, khi mà họ đã thua 2 trận đấu đầu tiên ở vòng loại thứ 3. Nếu như tiếp tục thất bại trước ĐT Việt Nam, nhà cầm quân sinh năm 1977 không chỉ đứng trước nguy cơ bị sa thải mà ĐT Trung Quốc còn bị đóng sập cơ hội giành vé đến VCK World Cup 2022.
ĐT Việt Nam gây khó khăn cho ĐT Australia tại lượt trận thứ 2 vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á trên sân Mỹ Đình. Ảnh: Dương Thuật |
Xét ở nhiều khía cạnh, ĐT Việt Nam vẫn bị đánh giá yếu hơn ĐT Trung Quốc, Đội bóng của HLV Park Hang Seo có thứ hạng FIFA thấp hơn, đội hình cũng bị tàn phá bởi chấn thương. Tuy nhiên, vũ khí lớn nhất của ĐT Việt Nam là tinh thần. ĐT Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo đã đối đầu với các cường quốc bóng đá châu lục như Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Saudi Arabia hay Australia, nhưng chưa bao giờ sợ hãi. Các cầu thủ Việt Nam luôn thi đấu với “trái tim nóng, cái đầu lạnh” và tinh thần quả cảm. Do đó, ở trận đấu với ĐT Trung Quốc, những chiến binh của HLV Park Hang Seo chắc chắn sẽ chiến đấu hết sức như đã hứa để kiểm tra năng lực của chính mình trước đối thủ mạnh hơn.
Tất nhiên, một trận đấu bóng đá không thể lột tả hết bộ mặt của nền bóng đá hai nước ở thời điểm này. Việc nói ĐT Việt Nam thách thức tham vọng trở thành cường quốc bóng đá thế giới của ĐT Trung Quốc cũng thiếu đi cơ sở. Tuy nhiên có thể thấy rằng, dù kết quả trận đấu có như thế nào đi chăng nữa thì sau trận đấu này, ĐT Trung Quốc sẽ được một lần nữa kiểm tra sức mạnh thực sự của mình sau 2 trận thua gần đây và cho biết họ đang ở đâu trên bản đồ bóng đá châu lục./.
Tác giả: Minh Trí | Thiết kế: Hà Phương