Chứng tích Sơn Mỹ sau 50 năm thảm sát Mỹ Lai

Hương Trà
Chia sẻ

(VOV5) -Bảo tàng chứng tích Sơn Mỹ, Quảng Ngãi  nằm hiền hòa dưới những rặng dừa cao soi bóng. Có lẽ ít ai ngờ, ngày này 50 năm về trước tại nơi đây đã xảy ra một vụ thảm sát chấn động địa cầu, thảm sát Mỹ Lai (hay thảm sát Sơn Mỹ). Từ những bức ảnh do phóng viên chiến trường chụp lại, từ lời kể của những nhân chứng còn sống sót, chính quyền địa phương đã xây dựng bảo tàng này như một bằng chứng về cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo do quân đội Mỹ gây ra tại thôn Mỹ Lai, làng Sơn Mỹ, tỉnh Quảng Ngãi. Phóng sự ảnh của Hương Trà.

Tấm bia đá giữa nhà chứng tích là điểm dừng chân đầu tiên của đoàn chúng tôi. Trên tấm bia này ghi đầy đủ tên tuổi giới tính của 504 người dân vô tội bị lính Mỹ giết hại trong buổi sáng ngày 16/3/1968, trong đó có cả người già, phụ nữ và trẻ em.

Đúng 5h3 phút sáng ngày 16/3/1968, 105 tên lính Mỹ đổ bộ xuống làng Sơn Mỹ, chia thành 3 tốp thực hiện mệnh lệnh đốt sạch, phá sạch và giết sạch, hủy diệt toàn bộ sự sống trên mảnh đất này.

Chỉ trong 4 giờ đồng hồ, lính Mỹ đã cướp đi sinh mạng của 504 người dân vô tội trong tay không một tấc sắt bằng những vũ khí hiện đại.

Khu chứng tích hiện lưu giữ trên 1.000 hiện vật liên quan đến vụ thảm sát trong đó có 350 hiện vật được đem ra trưng bày, trong đó có quân trang, quân dụng của Mỹ để lại

Đây không phải vụ thảm sát duy nhất tại Việt Nam song là vụ thảm sát duy nhất được thế giới biết đến nhờ những bức ảnh mà phóng viên chiến trường Mỹ, Ronald Haeberle chụp lại.

Hơn 60 bức ảnh tố cáo tội ác của quân Mỹ. Trong ảnh là 6 lính Mỹ đã tham gia cuộc thảm sát này, bao gồm : Vernado Simpson, Pendleton, Reid, Fred, Medlo, Kenneth....

Xác người chồng chất lên nhau

Trong suốt 4 giờ thảm sát, lĩnh Mỹ bấy giờ đã không gặp một phản ứng nào từ đối phương ngoài những tiếng hét hoảng loạn đau đớn của những nạn nhân vô tội. Tổn thất duy nhất của họ về nhân sự là một người lính da đen Herbert Carter tự bắn vào chân mình để không phải tham gia vào vụ thảm sát.

Và đặc biệt, có một phi đội trực thăng chiến đấu đã hạ cánh để bảo vệ và cứu thường dân bị thương. Năm 1998 họ đã được chính phủ Mỹ trao tặng huy chương vì hành động chính nghĩa này. Trong ảnh : Hugh Thompson, người chỉ huy đã yêu cầu trực thăng Mỹ quay lại cứu những người dân vô tội. .

Bên cạnh những hình ảnh, trong khu chứng tích còn có những vật được phục dựng lại, như hình ảnh giếng nước, nơi lính Mỹ giết hại dã man cụ Trương Thơ, 72 tuổi, ở xóm Khê Thuận, thôn Tư Cung.

Hay nhóm tượng Mỹ tại con mương nước, nơi chúng gom hơn 100 người dân vô tội đánh đập, đẩy xuống con mương và xả súng hơn 1 giờ đồng hồ. Xác người chồng chất lên nhau, máu nhuôm đỏ cả con mương.

Những người con sống nhờ nằm dưới xác của những người khác sau đó đã quay trở lại và vớt lên hơn 107 thi thể không còn nguyên vẹn, chôn vào những ngôi mộ tập thể quanh làng và bên trên con mương nước. Đây là hình ảnh con mương nước vẫn chảy hiền hòa ngay trong khu chứng tích ngày nay.

Trong làng Sơn Mỹ hiện nay có hơn 90 mộ chôn tập thể. Riêng trong khu chứng tích có hai mộ tập thể, một chôn 9 người và gần đó là một mộ chôn 13 người.

Khu chứng tích thực địa ngoài trời, chính là ngôi làng Sơn Mỹ xưa kia bao gồm một số di tích được bảo tồn, tôn tạo như khu di tích ruộng ông Nhiều, tháp canh nhỏ xóm Thuận Yến nơi có 102 người bị bắn chết, cây gòn nơi 15 phụ nữ và trẻ em bị sát hại nay vẫn xanh tươi tỏa bóng mát, di tích vườn ông Phạm Minh, Phạm Hội, Phạm Đạt nơi nhiều người bị giết hại khác.

Mâm dọn cơm thường ngày của gia đình, trước ngày xảy ra vụ thảm sát Sơn Mỹ

Hình ảnh làng quê Sơn Mỹ yên bình như chưa từng trải qua chiến tranh

Hầm tránh pháo nhà ông Lê Lý bị lính Mỹ đánh sập ngày 16/3/1968, được phục dựng vào năm 2003

Chính giữa khu chứng tích thực địa là công trình tượng đài do họa sĩ Châu Đình Du sáng tác. Người thực hiện công trình là ông Hồ Thu, nạn nhân còn sống xót sau vụ thảm sát kinh hoàng này. Tượng đài đá khắc họa tội ác tày trời và man rợ của quân đội Mỹ thông qua các hình ảnh: người lớn ôm đứa bé vào lòng, che chở; một phụ nữ ôm người già bị địch bắn chết; người phụ nữ sống sót sau thảm sát, thân đứng thẳng, bàn tay phải nắm chặt, giơ lên trời cao, tay trái bồng em bé như đang tố cáo tội ác tầy trời của lũ lang sói.

Trong vụ thảm sát Mỹ Lai, đã có 24 gia đình tuyệt tự, không còn người nối dõi, hơn 250 ngôi nhà bị đốt sạch chỉ còn trơ móng. Ngày 16-3 hàng năm, người dân Việt Nam và cả những cựu chiến binh Mỹ đều đến thắp hương tại tượng đài Tưởng niệm Mỹ Lai trong khu di tích để tưởng nhớ những người đã mất.

Thảm sát Mỹ Lai đã qua đi 50 năm, người xưa đã không còn, nhưng Bảo tàng chứng tích Sơn Mỹ sẽ mãi mãi là bằng chứng sống về tội ác của quân đội Mỹ. Nơi đây được Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Quốc Gia ngày 29-2-1979. Đến năm 2002, Bảo Tàng một lần nữa được công nhận là Di tích Quốc Gia đặc biệt quan trọng và là điểm đến hấp dẫn trong các Tour du lịch kết nối với đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu