Chùa Cảnh Huống tọa lạc tại thôn Đồn Sơn (xã Yên Đức, Đông Triều, Quảng Ninh), là điểm đến không thể bỏ qua trong tour du lịch làng quê Yên Đức.
Chùa Cảnh Huống tựa vào núi Vân Sơn còn gọi là núi Thung, phía trước nhìn ra ngã ba sông Kinh Thầy, sông Đá Bạc và sông Bạch Đằng lịch sử. Xung quanh chùa có núi Canh, núi Đống Thóc, núi Con Mèo, núi Con Chuột, mỗi cái tên gắn với tâm thức của người dân làm nông nghiệp ước vọng cho sự cày cấy bội thu.
Theo lịch sử, chùa được xây dựng từ thời Trần gắn liền với Phật hoàng Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Phía trước cửa chùa ở núi Con Mèo hiện còn bài thơ khắc 8 câu thơ của vua Trần Nhân Tông hoàn toàn bằng chữ Nôm tả thế đất, thế núi của vùng này.
Theo văn bia, kiến trúc chùa xưa kia gồm có 5 gian tiền đường, 3 gian hậu cung bằng gỗ lim, đá xanh, phía sau có nhà thờ Tổ, hai bên có hành lang giải vũ.
Trải qua hàng trăm năm tồn tại, chùa Cảnh Huống là nơi tu hành của nhiều vị cao tăng đắc đạo. Cùng với lịch sử, chùa dần dần bị hoang phế.
Vào những năm đầu thế kỷ 20, cùng với vùng đất Đông Triều, chùa Cảnh Huống là một trong những địa điểm làm căn cứ địa Cách mạng thời chống Pháp, nơi nuôi dưỡng thương binh thời chống Mỹ...
Đến năm 1994, quần thể di tích danh thắng Yên Đức được Nhà nước xếp hạng bảo tồn công nhận là di tích cấp Quốc gia. Chùa Cảnh Huống dần dần được phục dựng, trùng tu.
Cũng trong năm này, nhân dân địa phương đã xây dựng lại 3 gian thờ Phật đồng thời khôi phục lại lễ hội truyền thống của làng.
Chùa Cảnh Huống ngày nay tọa lạc trên khuôn viên 36.000m2 bao gồm nội tự và ngoại tự. Kiến trúc chùa gồm 5 gian tiền đường, 3 gian hậu cung bằng gỗ lim, phía sau là nhà thờ Tổ, hai bên là hành lang giải vũ. Một bên thờ Phật bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, một bên thờ Thánh mẫu Trần triều.
Hàng năm, từ ngày rằm tháng Giêng tới 18 tháng Giêng tại đây có lễ hội truyền thống Đồn Sơn. Lễ hội này có đặc thù của cư dân vùng nông nghiệp, trong đám rước của lễ hội có nghi thức rước lợn ông Bồ là một trong những nghi thức cổ truyền của người Việt dùng để tế thần linh cùng nhiều trò chơi dân gian, hát quan họ...
Hiện nay chùa Cảnh Huống cùng quần thể di tích danh thắng Yên Đức đang được bảo tồn và phát huy giá trị của di tích. Tại núi Canh còn lưu lại di tích Hang 73. Vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp, trong một lần bị bao vây, du kích của ta rút vào núi Canh và bị quân Pháp hun khói khiến 73 người hy sinh.
Đặc biệt, trong khuôn viên chùa Cảnh Huống còn có núi Thung, có chùa Một Mái từ xa xưa, nơi đây có văn bia từ thế kỷ 17, có cổng trời, có hang động... Trong khuôn viên này có nhà thờ 8 vị thủy tổ của vùng đất Đồn Sơn.
Đến năm 2000, Thượng tọa Thích Đạo Hiển- Phó Trưởng Ban Trị sự, Chánh Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh chính thức về trụ trì và từng bước quy hoạch, xây dựng trùng tu chùa có quy mô như hiện nay.
Theo văn bia hiện được khắc vào đá núi còn ở chùa, chùa Cảnh Huống được kiến tạo vào niên hiệu Chính Hòa năm thứ 17 dưới triều đại của vua Lê Huy Tông 1664. Văn bia nói rõ công lao của thiền sư Như Nguyện là một vị sư tu hành ở Yên Tử khi qua vùng đất Đồn Sơn thấy phong cảnh hữu tình nên Ngài đã dừng chân tu hành ở đây, kêu gọi nhân dân công đức xây dựng chùa Cảnh Huống.
Ngày nay, chùa Cảnh Huống là một điểm tham quan hấp dẫn du khách trong và ngoài nước khi tham quan, du lịch làng quê Yên Đức.
Trong khuôn viên chùa còn có lầu bình thơ...
...và các giếng nước cổ