Số hóa bảo tàng tại Việt Nam – Xu thế tất yếu phục vụ mục tiêu phát triển du lịch

Chia sẻ
(VOV5) - Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nâng cấp trang web vnfam.vn theo hướng số hóa, gia tăng tính kết nối với cộng đồng. 

Số hóa bảo tàng là xu hướng tất yếu của các bảo tàng trên thế giới trong bối cảnh mọi thứ đều đang diễn ra trên không gian mạng. Số hóa cũng là cách để lưu giữ và trưng bày hiện vật tốt cho tương lai, trong sự mở rộng đa chiều về không gian. Tại Việt Nam, các bảo tàng cũng đang trong quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ và là xu thế tất yếu.

Số hóa bảo tàng tại Việt Nam – Xu thế tất yếu phục vụ mục tiêu phát triển du lịch - ảnh 1Một buổi khám phá Bảo tàng lịch sử Quốc gia qua hình thức online. Ảnh: VOV
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
iMuseum là phần mềm trên ứng dụng thông minh đang được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam triển khai, để giúp người xem có những trải nghiệm vượt trội hơn khi tới bảo tàng.

Với khoản tiền 50.000 VNĐ (hơn 2 USD) được sử dụng trong 8 giờ, người xem chỉ cần mở app iMuseum, quét mã QR code trên các hiện vật được trưng bày trong bảo tàng, những thông tin sâu về hiện vật sẽ hiện ra bằng cả hình thức văn bản lẫn giọng nói. Như vậy, không cần đến hướng dẫn viên, khách tham quan hoàn toàn có thể tự mình làm chủ hành trình của mình, tự tiếp nạp những thông tin súc tích, cô đọng về hiện vật khi sử dụng phần mềm này. Anh Trần Đăng Khoa, Nghiên cứu sinh Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, chia sẻ: “Một cái thuận tiện nhất mà tôi thấy được so với các năm trước là khi chúng ta có app iMuseum này thì chúng ta có thể truy cập được những thông tin rất chi tiết về từng hiện vật. Những điều này trước đây chúng ta phải rất mất công để tìm mua những tài liệu chuyên khảo rất dày và phức tạp mới có thể có đủ thông tin”. 

Không chỉ phát triển ứng dụng đa phương tiện (audio, text, ảnh chất lượng cao), trợ giúp người dùng tham quan trực tuyến trên thiết bị thông minh, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng đồng thời nâng cấp trang web vnfam.vn theo hướng số hóa, gia tăng tính kết nối với cộng đồng. Nhiều thông tin hiện vật được hiển thị, các gian trưng bày 3D hay 3D tour của bảo tàng đã giúp khách tham quan nhiều nơi trên thế giới có thể tiếp cận bảo tàng một cách dễ dàng. Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cho biết: “Đây là một ứng dụng multimedia, vừa có thể xem hình ảnh, vừa có thể nghe audio, xem các tác phẩm chất lượng cao, xem những phần viết giới thiệu của tác phẩm. Có thể nói là có rất nhiều cách tiếp cận với các hiện vật tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Với 8 ngôn ngữ, khách du lịch của nhiều nước trên thế giới đều có thể tiếp cận các tác phẩm trong bảo tàng bằng ngôn ngữ của mình”.

Số hóa bảo tàng tại Việt Nam – Xu thế tất yếu phục vụ mục tiêu phát triển du lịch - ảnh 2Không gian trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sống động như thật. Ảnh: VOV

Không chỉ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, một số bảo tàng khác trên cả nước cũng đã hình thành các tour tham quan 3D trên trang web, trưng bày trực tuyến theo chủ đề, hay ứng dụng công nghệ thuyết minh audio voice để giới thiệu hiện vật.

Bà Vũ Thị Tuyết Nga, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, cho biết đơn vị cũng đang triển khai xây dựng đề án số hóa Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, để hình thành bảo tàng hiện đại, quảng bá những giá trị lịch sử của bảo tàng đến với du khách trong và ngoài nước. Theo đó, từng bước xây dựng ngân hàng dữ liệu hiện vật, xây dựng dữ liệu số, tương tác, kết nối với những đối tượng du khách muốn tới tham quan: “Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ là nơi lưu giữ, trưng bày tài liệu hiện vật, giới thiệu một chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu thì việc quan tâm đầu tư từ cơ sở vật chất cho đến ứng dụng công nghệ thông tin được chúng tôi đặc biệt quan tâm. Điều này giúp trong việc từ bảo tồn cho đến giới thiệu, truyền bá các cái giá trị  văn hóa của chiến thắng Điện Biên Phủ tới đông đảo nhân dân trong cả nước cũng như khách quốc tế cũng đặc biệt được quan tâm”.

Tại Bảo tàng Quảng Ninh, một trong những bảo tàng được nhiều khách tham quan mỗi khi đến với thành phố Hạ Long. Ngay từ những ngày đầu thay áo mới, bảo tàng cũng đã thiết kế chương trình tham quan 3D tour để tăng sự tiếp cận của khách tham quan khi muốn tìm hiểu về bảo tàng. 

Ông Nguyễn Sỹ Ngọc, Trưởng phòng Công nghệ thông tin Bảo tàng Quảng Ninh, khẳng định: “Hiện tại, tỉnh đang ứng dụng bảo tàng ảo. Khách tham quan bảo tàng Quảng Ninh có thể thăm quan bảo tàng ảo đó. Tỉnh đang tiến tới xây dựng bảo tàng thông minh, để khách tham quan không cứ phải đến bảo tàng mới mua được vé mà có thể mua trên trang web, vé điện tử, khách có thể xem được nhiều thông tin hiện vật hơn".

Hiện nay, trên cả nước có khoảng 200 bảo tàng của cả nhà nước lẫn tư nhân, đang dần bắt kịp xu thế số hoá trong công tác quản lý, quảng bá thông tin. Thời gian qua, không chỉ bảo tàng cấp Trung ương mà bảo tàng các tỉnh cũng đã có nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của công tác này, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch Covid-19 vừa qua. Việc số hóa, ứng dụng công tin trong công tác bảo tàng đã đem lại hiệu quả rõ rệt.

Theo con số mà Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cung cấp, chỉ trong 3 tháng đưa phần mềm iMuseum vào vận hành trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, lượng khách tham quan bảo tàng trực tuyến là gần 8000 lượt người, bằng cả năm đón khách trực tiếp khi chưa có dịch. Điều này đã minh chứng công nghệ số có thể tăng tính kết nối với cộng đồng, thu hút du khách, đặc biệt là bạn bè quốc tế đến với các bảo tàng, qua đó có những kiến thức, hiểu biết về lịch sử, văn hóa, đất nước, con người Việt Nam.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu