Hà Nội – tiềm năng và cơ hội thu hút đầu tư ngành công nghiệp bán dẫn

Chia sẻ
(VOV5) -  Về mặt địa lý, về mặt giao thông, về con người, Thủ đô Hà Nội hoàn toàn có thể đảm đương được là 1 trung tâm sản xuất chip ở Việt Nam.

Nghe âm thanh bài tại đây:

Công nghiệp bán dẫn đang là hướng phát triển chiến lược của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, bởi đây là ngành công nghiệp quan trọng và có giá trị kinh tế cao. Thủ đô Hà Nội, với vị trí chiến lược và nhiều lợi thế đặc thù được các chuyên gia đánh giá đang có tiềm năng và cơ hội lớn để phát triển, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn.
Hà Nội – tiềm năng và cơ hội thu hút đầu tư ngành công nghiệp bán dẫn - ảnh 1Các doanh nghiệp trao đổi thông tin phát triển sản phẩm tại Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn Hà Nội năm 2024. Ảnh: Hoài Nam/Báo Kinh tế & Đô thị

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định, thành phố ưu tiên phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, đi đầu trong phát triển các ngành mới nổi theo xu thế công nghệ hàng đầu của thế giới.

Đồng thời, xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đầu mối, dẫn dắt nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, có sự gắn kết với hệ thống đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước; là trung tâm thiết kế và cung ứng sản phẩm bán dẫn và trí tuệ nhân tạo hàng đầu của cả nước, ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới ở một số lĩnh vực.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, cho biết: "Trong quy hoạch thủ đô, chúng tôi cũng đề cập quy hoạch để hỗ trợ phát triển công nghiệp bán dẫn, công nghiệp công nghệ số nói chung và công nghiệp chip ở thủ đô Hà Nội. 

Hà Nội – tiềm năng và cơ hội thu hút đầu tư ngành công nghiệp bán dẫn - ảnh 2Ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội chia sẻ những tiềm năng và lợi thế về chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp bán dẫn của Hà Nội. Ảnh: VnEconomy

Ví dụ, Khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ định vị ra một thành phố ở phía Tây Hà Nội. Về mặt địa lý, về mặt giao thông, về con người, Thủ đô Hà Nội hoàn toàn có thể đảm đương được là 1 trung tâm sản xuất chip ở Việt Nam."

Thành phố hiện có khoảng 11 khu công nghiệp đã hoàn thành xây dựng hạ tầng và đi vào hoạt động với tổng diện tích 2.930 ha. Tại các khu công nghiệp này, nhiều thương hiệu lớn đến từ các cường quốc công nghiệp đã đầu tư hàng tỷ USD, có nhiều sản phẩm đã tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, nổi bật là Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Khu Công nghệ cao Hòa Lạc có diện tích gần 1.600 ha, hiện có 111 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 111.500 tỷ đồng.

Hà Nội chủ trương phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trở thành quận công nghệ xanh, quận lõi về phát triển công nghệ cao với 74/109 dự án đầu tư phát triển sản phẩm công nghệ cao với ưu đãi đặc thù. Ngoài đầu tư về cơ sở hạ tầng, thời gian qua, thành phố Hà Nội không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tích cực rà soát các thủ tục hành chính, đơn giản hóa và đẩy nhanh thời gian nhận, xử lý các thủ tục, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp...

Đồng thời, ban hành và triển khai các chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, đối thoại doanh nghiệp, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Tiến sỹ Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng: "Hiện nay, Hà Nội đã có nhiều điệu kiện cần để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Trong đó, về thể chế chính sách, Luật Thủ đô vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, với nhiều cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù cho ngành công nghiệp bán dẫn cũng như trí tuệ nhân tạo. Đặc biệt, trong đó cũng có những cơ chế thử nghiệm cho công nghệ mới cũng như các cơ chế khuyến khích, ưu đãi cho các nhà đầu tư và thu hút chuyên gia trong và ngoài nước tham gia vào 2 ngành này. Về hạ tầng, cơ bản đầy đủ.

Hiện nay, Hà Nội đã có Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Tại đây có các doanh nghiệp công nghệ cao cũng như các tập đoàn công nghệ lớn như FPT, Viettel… và các trường đại học lớn, như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học FPT, và có Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) cũng như Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia."

Để phát triển công nghiệp bán dẫn, 1 trong những yếu tố quan trọng không thể thiếu là nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện nay, Hà Nội có nhiều trường đại học hàng đầu về công nghệ, như: Đại học Bách khoa Hà Nội; trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội); Đại học FPT… với các chương trình đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật và công nghệ bán dẫn, kết hợp giữa doanh nghiệp với nhà trường đã được triển khai.

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết: "Trong vài năm trở lại đây, Hà Nội đã có nhiều giải pháp đầu tư cho 1 số trường Đại học và có những đề tài triển khai hợp tác, trong đó có Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội… Điều này cho thấy Hà Nội là địa phương có nguồn lực lớn mạnh trong công cuộc chuyển đổi số và phát triển công nghiệp bán dẫn."

Với những điều kiện thuận lợi, từ cơ sở hạ tầng, chính sách, đến con người, theo các chuyên gia, Hà Nội hội tụ đủ các yếu tố để trỏ thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ, nhất là công nghệ bán dẫn.

Tháng 09/2023, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Inventec Techlonogy Việt Nam tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (Hansip). Nhà máy của Inventec Techlonogy Việt Nam chuyên sản xuất các sản phẩm phục vụ xuất khẩu như: Điện thoại thông minh, máy chủ, thiết bị ngoại vi máy tính; bảng mạch điện tử, đầu chuyển các thiết bị thông minh khác… Trước đó, Infineon Technologies AG, nhà sản xuất chip bán dẫn lớn nhất nước Đức, thông báo thành lập trung tâm phát triển chip bán dẫn ở Hà Nội.

Mục tiêu của Infineon là đưa trung tâm này trở thành một trung tâm R&D tiêu chuẩn quốc tế, tương tự các trung tâm R&D quốc tế của Infineon đặt tại Munich (Đức), Villach (Áo), Bangalore (Ấn Độ) và Singapore.

Bên cạnh đó, thời gian qua, Hà Nội cũng đã và đang đón nhiều tập đoàn công nghệ lớn thế giới, như: Nvidia, Apple, SpaceX, Qorvo, Mavel, Intel… đến nghiên cứu và triển khai các dự án đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn và AI. Đây là lợi thế rất lớn để thủ Thủ đô thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

Ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch Công ty TNHH FPT IS, kiêm Chủ tịch Công ty Cổ phần bán dẫn FPT (FPT Semiconductor), nhận định: "Sau chuyến thăm của Tổng thống Biden đến Việt Nam đã mở ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam được tham gia vào chuỗi cung ứng của ngành bán dẫn với quy mô 600 tỷ USD. Và Hà Nội sẽ là 1 thành phần không thể thiếu được trong chiến lược phát triển ngành bán dẫn của Việt Nam."

Ngành công nghiệp bán dẫn được dự báo có giá trị doanh thu hơn 1.000 tỷ USD. Với Hà Nội, đây là ngành công nghiệp hứa hẹn mang lại giá trị xuất khẩu hàng tỷ USD; đồng thời, tạo cơ sở để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thủ đô. Luật Thủ đô 2024 cũng như quy hoạch Thủ đô Hà Nội trong tương lai đều xác định ưu tiên phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Đây là cơ sở, động lực để Hà Nội trở thành trung tâm của ngành công nghiệp bán dẫn trong tương lai.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu