Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển nhanh, cả về số lượng và năng lực cạnh tranh. Cộng đồng các doanh nghiệp công nghệ Việt đã và đang cung cấp các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp số cho công cuộc tăng tốc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số của đất nước, góp phần thu hẹp khoảng cách số trên toàn cầu, cùng cộng đồng doanh nghiệp quốc tế chung tay xây dựng thế giới số. Trong số đó, nhiều doanh nghiệp đã tiên phong tiến ra thị trường thế giới và đạt được những thành công nhất định.
Nghe âm thanh bài tại đây:
Công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế động lực cho cả nước, đóng vai trò dẫn dắt, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số và Chính phủ số. Doanh thu công nghiệp công nghệ số Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 118 tỷ USD, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm 2023. Sự phát triển của ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam không chỉ thể hiện ở việc các sản phẩm giải pháp công nghệ số Make in Vietnam đảm nhận trọng trách chuyển đổi số quốc gia, mà còn thể hiện thông qua việc khai phá thị trường nước ngoài. Việt Nam có khoảng trên 1.500 doanh nghiệp công nghệ số đang có mặt taị 33 quốc gia, chủ yếu tập trung tại: Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Myanmar, Mỹ… Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam không chỉ lắp ráp, gia công, mà còn sáng tạo ra sản phẩm và chinh phục thị trường nước ngoài. Năm ngoái, các doanh nghiệp này đã mang về khoảng 7,5 tỷ USD doanh thu từ thị trường nước ngoài. Dự kiến, năm 2025, con số này ước đạt 10 tỷ USD.
Không khí làm việc tại VMO Holdings. Ảnh: VMO Holdings |
VMO Holdings là 1 trong những doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam thành công trên hành trình “Go global”. Ngay từ năm 2012, khi làn sóng phát triển ứng dụng trên điện thoại di động bùng nổ mạnh mẽ, 3 đồng sáng lập của doanh nghiệp này, là những kỹ sư trẻ đam mê công nghệ và phát triển các dự án nhỏ cho các công ty nước ngoài, đã thành lập công ty với mong muốn góp phần đưa ngành công nghệ thông tin Việt Nam nâng cao vị thế trên bản đồ công nghệ thế giới. Đến nay, doanh nghiệp đã có 10 văn phòng đại diện tại nhiều quốc gia trên thế giới với gần 1.200 nhân sự. Bà Nguyễn Khánh Diệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ VMO Holdings, cho biết: "VMO Holdings tiến quân tại thị trường nước ngoài ngay từ khi mới thành lập với việc bắt đầu tại thị trường Mỹ. Thời điểm đó, thị trường chuyển đổi số tại Việt Nam vẫn còn khá mới và doanh thu, doanh số từ thị trường nước ngoài khá hấp dẫn".
Cũng thành lập vào năm 2012, Công ty Cổ phần Rikkei Soft lựa chọn định hướng phát triển trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ và giải pháp công nghệ thông tin. Hơn 10 năm qua, doanh nghiệp đã phát triển và xuất khẩu thành công nhiều sản phẩm công nghệ Make in Vietnam ra nước ngoài. Ông Hà Huy Luân, Phó Tổng Giám đốc Công ty Rikkei Soft, chia sẻ: "Năm 2023, tổng doanh thu của Rikkei Soft đạt gần 1.000 tỷ đồng (khoảng 39 triệu USD), trong đó, 80% doanh thu đến từ thị trường Nhật Bản, 10% từ các thị trường Âu Mỹ và Đông Nam Á, 10% từ thị trường trong nước. Năm nay, chúng tôi đặt mục tiêu tăng trưởng 70% doanh số đối với thị trường quốc tế và sẽ giữ tốc độ tăng trưởng cao này trong những năm tiếp theo".
Sự thành công của VMO Holdings, Rikkei Soft cũng như nhiều doanh nghiệp công nghệ số khác của Việt Nam trên hành trình vươn ra biển lớn đã góp phần không nhỏ trong việc đưa Việt Nam đứng trong Top 2 điểm đến gia công phần mềm hàng đầu ở Đông Nam Á trong Chỉ số vị trí Dịch vụ toàn cầu của Kearney. Hoạt động phần mềm và công nghệ số là 1 trong những thế mạnh cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong nước và quốc tế, góp phần vinh danh Việt Nam trên bản đồ thế giới về công nghệ số. Sự phát triển bền vững của các doang nghiệp công nghệ số Việt Nam được tạo nền tảng từ việc sở hữu, phát triển, ứng dụng những công cụ công nghệ tiên tiến, và phát triển được lực lượng chuyên gia, kỹ sư công nghệ thông tin chất lượng cao. Nhiều công ty đã có những sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) được cấp bằng sáng chế, đạt nhiều giải thưởng quốc tế.
Một số góc trong không gian văn phòng mở của Rikkeisoft Đà Nẵng. Ảnh: dsa.org.vn |
Các doanh nghiệp công nghệ số cũng là những người tiên phong trong chiến lược “Go global” và sáng kiến "Make in Vietnam", sáng tạo ra những sản phẩm, giải pháp công nghệ Việt Nam để giải quyết các vấn đề trong nước và quốc tế. Đây là minh chứng cho việc các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam không ngừng vươn mình ra thế giới, khẳng định thương hiệu và năng lực của mình. Cùng với sự nỗ lực phát triển của bản thân doanh nghiệp, sự đồng hành của Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các Hiệp hội trong lĩnh vực công nghệ thông tin cũng đang tạo thêm nhiều cơ hội mở rộng ra thị trường thế giới cho các doanh nghiệp công nghệ số. Ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết: "Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam mở rộng thị trường, khai thác các cơ hội đầu tư kinh doanh ở các nước trên thế giới. Chương trình bao gồm các hội nghị, diễn đàn trong và ngoài nước, tổ chức các gian hàng tại các nước trên thế giới và đặc biệt là tổ chức các chương trình kết nối doanh nghiệp Việt Nam và là đối tác quốc tế trên toàn cầu".
Để thương hiệu Make in Vietnam đến với thị trường năm châu, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã và đang bứt phá bằng những công nghệ mới, như: bán dẫn, blockchain, trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật... Xây dựng một Hệ sinh thái các sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam, cùng mang tri thức và công nghệ số đi chinh phục thế giới là mục tiêu mà các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang thực hiện.